Hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số làm nghề rừng

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn liền với bảo vệ rừng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Bạn đọc Tuấn Long ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên hỏi: Xin được hỏi các hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm nghề rừng sẽ được Nhà nước hỗ trợ như thế nào?

Trả lời:

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025. Trong chương trình, Dự án 3 hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Trong đó, Tiểu dự án 1 – Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số làm nghề rừng.

Đối tượng được hỗ trợ

Những hộ gia đình ĐBDTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III thuộc vùng ĐBDTTS&MN thuộc diện được hỗ trợ nếu có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng.

Ngoài ra, đối tượng được hỗ trợ là cộng đồng dân cư thuộc các xã khu vực II, III thuộc vùng ĐBDTTS&MN được giao rừng theo quy định của pháp luật đang thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.

Nội dung hỗ trợ

Thứ nhất, thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành; diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã trực tiếp quản lý.

Thứ hai, hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình.

Thứ ba, hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung.

Thứ tư, đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ.

Thứ năm, hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành. Hộ gia đình được hưởng lợi từ rừng theo quy định pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan.

Thứ sáu, trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ ĐBDTTS tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.

Vùng sản xuất chè tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên)

Tại Thái Nguyên, nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình được triển khai nhằm mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của từng loại rừng; bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thùy Dương

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ho-tro-tao-viec-lam-tang-thu-nhap-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-lam-nghe-rung-post27107.html