Hỗ trợ phụ nữ sau chấp hành án: 'Không ai bị bỏ lại phía sau'

Với sự phối hợp của các đơn vị và đoàn thể, những phụ nữ chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được hỗ trợ nhiều mặt để tái hòa nhập cộng đồng với tinh thần 'không ai bị bỏ lại phía sau'.

Con hẻm 11/1 Nguyễn Viết Xuân (phường Hội Phú, TP. Pleiku) dẫn đến ngôi nhà chật hẹp có diện tích chỉ hơn 16 m2 của gia đình chị N.T.H. (SN 1993).

Tranh thủ trò chuyện trước khi đẩy xe đồ ăn vặt ra bán ở đầu hẻm, chị H. cho hay: Tháng 3-2021, chị chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương.

Kể về sự việc khiến cuộc sống rẽ sang một bước ngoặt không ngờ, chị H. nhớ lại: “Lần đó, mình theo nhóm bạn tham gia một cuộc ẩu đả giải quyết mâu thuẫn, hậu quả là gây chết người. Tuy không trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng do là đồng phạm nên mình lãnh án 7 năm tù. Nhờ cải tạo tốt, mình được giảm án 2 năm”.

Chị N.T.H. (phường Hội Phú, TP. Pleiku) chuẩn bị đẩy xe bán hàng ăn vặt ra đầu hẻm để mưu sinh. Ảnh: Lam Nguyên

Trở về với một tương lai không mấy sáng sủa, lại đúng đợt dịch Covid-19 nên chị H. gặp không ít khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng. Chồng chị là “thợ đụng”, công việc và thu nhập bấp bênh. Dành dụm được ít vốn, chị mở một xe bán hàng ăn vặt ở vỉa hè nhưng vẫn khó đảm bảo sinh hoạt của gia đình và chăm sóc cha già nằm một chỗ do đau bệnh.

Tháng 11-2023, nhờ sự quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ của cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Hội Phú, chị H. được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho vay 20 triệu đồng để làm ăn. Mới đây, chồng chị cũng được nhận vào làm công nhân Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai.

“Mình tính mở một xe bánh mì, dễ có đồng ra đồng vào hơn. Thêm thu nhập của chồng nữa thì cũng không khó để trả nợ ngân hàng”-chị H. lạc quan nói.

Nói về sự hỗ trợ kịp thời này, ông Nguyễn Triều Quang-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-cho biết: Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, năm 2023, Chi nhánh đã giải ngân cho 57 khách hàng thuộc đối tượng trên, lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ với tổng dư nợ 4 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu Trung ương giao.

Đối với chương trình tín dụng vay vốn đào tạo nghề, mức vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người; đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, mức vay tối đa 100 triệu đồng/người. Điều này càng ý nghĩa đối với những người chấp hành xong án phạt tù là nữ, những người mang trách nhiệm lớn trong việc chăm sóc, vun vén gia đình.

“Đây là chính sách rất nhân văn nhằm thực hiện chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau”, qua đó giúp những người chấp hành xong án phạt tù sớm trở lại hòa nhập cộng đồng, có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống”-ông Quang đánh giá.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, những năm qua, công tác động viên, hỗ trợ phạm nhân nữ sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng luôn được các cấp hội quan tâm bằng những việc làm cụ thể. Riêng trong năm 2023, các cấp hội đã hỗ trợ phương tiện sinh kế, nhu yếu phẩm, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn... cho 48 phụ nữ trở về địa phương sau chấp hành án.

Đáng chú ý, ngày 16-5-2022, Hội LHPN tỉnh và Trại giam Gia Trung đã thống nhất xây dựng chương trình phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân nữ và giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng trong giai đoạn 2022-2026.

Mục đích của chương trình là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân nữ; huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là của hội LHPN các cấp trong việc phối hợp thực hiện tốt công tác giáo dục, giúp nữ phạm nhân nhận rõ lỗi lầm, tránh tự ti, mặc cảm, tạo điều kiện thuận lợi sau khi trở về để có cuộc sống và việc làm ổn định, giảm tỷ lệ tái phạm tội, vi phạm pháp luật.

Theo đó, 2 đơn vị thống nhất tổ chức một số hoạt động hỗ trợ như: phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân nữ trong quá trình học tập, cải tạo; giới thiệu các nguồn vốn vay phát triển sản xuất; huy động, vận động Hội Nữ doanh nhân, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phối hợp tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ những người có quá trình cải tạo tốt, có tay nghề vào làm việc tại một số doanh nghiệp.

Một công tác quan trọng khác là phát hiện và nhân rộng gương phụ nữ chấp hành xong án tù trở về địa phương có nỗ lực vươn lên, làm kinh tế hiệu quả và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trao đổi với P.V, bà Rơ Chăm H'Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-nhận định: Công tác phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Trại giam Gia Trung đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của 2 đơn vị trong việc tuyên truyền, phối hợp giáo dục, cảm hóa phạm nhân nữ và tạo cơ hội để họ tái hòa nhập cộng đồng.

“Các hoạt động thiết thực góp phần nâng cao kiến thức, tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân sau khi chấp hành xong án phạt tù, chị em thay đổi nhận thức, tư tưởng, yên tâm cải tạo, sớm quay về với vòng tay yêu thương của gia đình và toàn xã hội”-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ho-tro-phu-nu-sau-chap-hanh-an-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-post259677.html