Hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp

Năm nay, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 5-2023.

Các đồng chí lãnh đạo nữ của tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ bên lề hội nghị do UBND tỉnh tổ chức

Các đồng chí lãnh đạo nữ của tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ bên lề hội nghị do UBND tỉnh tổ chức

Sau 3 tháng phát động, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 66 ý tưởng/dự án của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia cuộc thi (tăng 7 ý tưởng/dự án so với năm 2022). Đáng chú ý là hầu hết các thí sinh tham gia cuộc thi đều có ý tưởng/dự án khởi nghiệp từ nông sản địa phương.

Tích cực tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp

Thực hiện Đề án 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên và các tầng lớp phụ nữ. Trong đó có các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế.

Hội LHPN tỉnh vừa có quyết định chọn 15 ý tưởng/dự án khởi nghiệp vào vòng bán kết cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai lần thứ 5-2023. Các thí sinh có dự án được chọn sẽ thi thuyết trình và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo vào cuối tháng 7 này và căn cứ vào số điểm của các thí sinh để xếp hạng nhất, nhì, ba, khuyến khích.

Tổ chức hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động của Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ vốn giúp phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể của phụ nữ… Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, đều đặn hàng năm Hội LHPN tỉnh tổ chức cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp.

Theo Hội LHPN tỉnh, để có nhiều ý tưởng/dự án tham gia cuộc thi, cuộc thi không chỉ dành cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý mà còn dành cho các tác giả dự thi chưa đăng ký kinh doanh. Cuộc thi còn dành cho những phụ nữ yếu thế; nữ học viên, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng có ý tưởng/dự án khởi nghiệp.

Nhờ vậy, cuộc thi năm nay thu hút được 66 ý tưởng/dự án tham gia (tăng 7 ý tưởng/dự án so với năm trước). Tính đến nay, sau 5 lần tổ chức, cuộc thi đã có 188 ý tưởng/dự án tham gia. Trong đó, các ý tưởng/dự án khởi nghiệp chủ yếu là từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, làm các sản phẩm thủ công... Năm nay có thêm dự án khởi nghiệp liên quan đến du lịch - du lịch sinh thái cộng đồng Cầu Dầu Glamping - điểm đến lý tưởng cho mọi gia đình của thí sinh Vy Thị Thủy Tiên đến từ ấp Tân Phong, xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh).

Ngoài các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của cán bộ, hội viên phụ nữ đến từ các huyện, thành phố, cuộc thi năm nay còn có sự tham gia của Trường đại học Lạc Hồng với ý tưởng/dự án Hạt Keto của nhóm thí sinh Lê Thị Ánh Trúc - Đào Lê Phương; ý tưởng/dự án Máy phân loại rác thải của thí sinh Phạm Thị Duy Chương và ý tưởng/dự án Chăm sóc, phục hồi sức khỏe kết hợp với thiết bị theo dõi tình trạng của thai phụ (theo từng giai đoạn phát triển của thai kỳ) của nhóm thí sinh Nguyễn Hoàng Trân và Lê Bảo Trang.

Hỗ trợ các ý tưởng/ dự án tiềm năng

Trên cơ sở các ý tưởng/dự án tham gia cuộc thi, Ban giám khảo tiến hành chấm vòng sơ khảo và lựa chọn ra những ý tưởng/dự án tiềm năng tham gia vào vòng bán kết. Các thí sinh có ý tưởng/dự án được chọn vào vòng bán kết sẽ được chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng/dự án.

Chị Phan Thị Thu Hà (ở ấp Lộ 25, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất), tác giả của dự án Sản xuất xà phòng thảo mộc từ nguyên liệu thiên nhiên - tận dụng nông sản thứ phẩm ở địa phương, đã thấy may mắn khi được chọn vào bán kết. Bởi vào bán kết, chị Hà và các thí sinh khác được Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn 2 ngày qua phần mềm Zoom để hoàn thiện nội dung ý tưởng/dự án.

Chị Hà cho hay, chị được báo cáo viên chia sẻ về sự cần thiết của việc đặt ra sứ mệnh của doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung chị tâm đắc nhất. Chị nhận ra đối với một doanh nghiệp, việc đặt ra sứ mệnh sẽ giúp cố định mục tiêu, định hình được hướng đi lâu dài, không bị lan man về mục đích cũng như kế hoạch phát triển dài hạn. Bên cạnh đó, khi mục tiêu rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp phân bổ được nhân sự phù hợp, tối ưu chi phí…

Trong thời gian 2 ngày tập huấn, chị còn được báo cáo viên chỉ cho cách xác định hành vi, thói quen, xu hướng của khách hàng; phân khúc khách hàng. Tiếp đến là các kỹ năng: làm bảng đánh giá doanh thu, chi phí sản phẩm, dự tính kết quả kinh doanh; làm video clip bằng phần mềm Canva, Powerpoint, thuyết trình ý tưởng/dự án… Thông qua hoạt động tập huấn giúp chị sớm hoàn thiện dự án gửi về cho Ban Tổ chức cuộc thi.

Ngoài việc hỗ trợ hoàn thiện dự án, đối với các ý tưởng/dự án có khả năng phát triển thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Hội LHPN tỉnh sẽ kết nối để các thí sinh hoàn thiện sản phẩm, thực hiện quy trình công nhận sản phẩm đạt chuẩn. Các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn chương trình Mỗi xã một sản phẩm sẽ được khách hàng quan tâm, chú trọng hơn, có cơ hội để vươn ra thị trường lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Hội LHPN các cấp còn hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ có sản phẩm khởi nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện quan trọng do Hội LHPN tỉnh tổ chức hoặc các phiên chợ khởi nghiệp... để nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202307/ho-tro-phu-nu-hien-thuc-hoa-y-tuong-khoi-nghiep-3171535/