Hỗ trợ người dân vùng đệm từ nguồn vốn vay ưu đãi

Qua hơn 20 năm thực hiện chính sách về tín dụng từ Dự án Chuyển giao Khoa học Công nghệ và Phát triển kinh tế hộ gia đình (Dự án) đối với các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Nông triển khai giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn nơi đây có điều kiện cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững...

Mô hình nuôi ong lấy mật giúp chị Nguyễn Thị Dẻo vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế

Mô hình nuôi ong lấy mật giúp chị Nguyễn Thị Dẻo vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Nông, từ khi tiếp nhận các nguồn tài trợ (năm 1996) đến nay, Dự án đã hỗ trợ cho 1.712 lượt hộ nghèo vay vốn, qua đó thoát nghèo 599 hộ, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững hàng năm.

Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Dẻo ở ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính nằm ở vùng đệm huyện Tam Nông được tiếp cận vốn vay làm ăn hiệu quả. Năm 2010, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, chị Dẻo được vay 15 triệu đồng từ Dự án để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này, chị đầu tư, mở rộng sản xuất, đến nay, gia đình chị có thu nhập khá ổn định. “Từ khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tạo điều kiện vay vốn từ Dự án, gia đình tôi tập trung phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Qua thời gian thực hiện, mô hình từng bước có lãi, giúp gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”, chị Dẻo chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Lan (bìa trái) tiếp cận được vốn vay xây dựng nhà màng trữ lục bình, giúp công việc thuận lợi hơn

Chị Nguyễn Thị Lan (bìa trái) tiếp cận được vốn vay xây dựng nhà màng trữ lục bình, giúp công việc thuận lợi hơn

Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Lan - ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu của gia đình chủ yếu từ nghề se nhang nhưng do sản xuất nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh. Để phát triển kinh tế, năm 2012, gia đình chị chuyển sang nghề đan lục bình. Nhờ cần cù, chịu khó, tích lũy dần nên kinh tế gia đình chị dần ổn định. Để mở rộng sản xuất và tạo việc làm cho chị em tại địa phương, chị Lan được hỗ trợ vay 20 triệu đồng làm nhà màng trữ lục bình. Với đòn bẩy từ chính sách giúp gia đình chị Lan tăng thu nhập và tạo việc làm cho hơn 150 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Ngoài ra, từ nguồn vốn vay ưu đãi, các chị em nông thôn vùng đệm còn phát triển nhiều mô hình kinh tế khác như: Mô hình ươm cây giống bạch đàn, làm khô cá lóc, kết hạt cườm tại xã Phú Thọ; mô hình nuôi ong lấy mật, chăn nuôi heo, làm nhang, đan lục bình ở xã Tân Công Sính; mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi heo, mua bán nhỏ ở xã Phú Thành B.

Hiện gia đình chị Nguyễn Thị Lan tạo việc làm cho hơn 150 lao động nhàn rỗi tại địa phương

Hiện gia đình chị Nguyễn Thị Lan tạo việc làm cho hơn 150 lao động nhàn rỗi tại địa phương

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Nam, từ hiệu quả của Dự án đã thu hút thêm chị em tham gia sinh hoạt Hội với nhiều hình thức như: Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc; Tổ phụ nữ 5 không, 3 sạch; Tổ hùn vốn... Thông qua các mô hình sinh hoạt này, chị em được học tập nâng cao kiến thức về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, nâng cao trình độ sản xuất, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim...

Qua thời gian triển khai, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Dự án giúp nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước phát triển.

MN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/ho-tro-nguoi-dan-vung-dem-tu-nguon-von-vay-uu-dai-116446.aspx