Hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc, nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới

Quản Bạ là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang (gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) và là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong những năm qua, Quản Bạ đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi gia súc ngày càng được nâng cao, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng gắn với trồng cỏ của hộ gia đình ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ. Ảnh: Văn Phú

Do điều kiện tự nhiên chủ yếu là các đồi núi đá, nguồn nước tưới và đất canh tác trong nông nghiệp gặp nhiều khó khăn… vì vậy, để phát triển kinh tế, huyện Quản Bạ phải dựa chủ yếu vào phát triển chăn nuôi.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Quản Bạ đã đạt 56,3%, trong đó chủ yếu là phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, chủ yếu là đàn bò, trâu, ngựa và dê…

Trong những năm qua, để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, huyện Quản Bạ đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa bằng việc hỗ trợ lãi suất cho các hộ nghèo vay vốn để mua giống gia súc; hỗ trợ kinh phí để người dân mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc; hỗ trợ người dân các loại vaccine tiêm phòng khi dịch bệnh xảy ra; nâng cao chất lượng đàn gia súc bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo… Vì vậy, chương trình phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Quản Bạ ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ sự hỗ trợ kinh phí của huyện, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ nên đã thoát nghèo và có nguồn tích lũy để tiếp tục mở rộng qui mô chăn nuôi, dần vươn lên làm giàu. Có thể kể đến hộ ông Vàng Seo Cón, dân tộc Mông, thôn Cốc Ca, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Trước kia gia đình ông Cón thuộc hộ nghèo của xã Lùng Tám, năm 2017 nhờ được huyện hỗ trợ về kinh phí mua giống gia súc, phát triển trồng cỏ, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc... Đến năm 2019 gia đình ông Cón đã thoát nghèo và đã có nguồn tích lũy để mở rộng chăn nuôi. Từ năm 2021 đến nay, gia đình ông Cón mỗi năm xuất bán từ 1-2 con trâu, 2 - 3 con bò và hàng chục con dê, mang về nguồn thu từ 180 - 200 triệu đồng mỗi năm.

Gia đình ông Cháng Văn Kim, dân tộc Nùng thôn Trung Sơn, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, trước kia thuộc diện hộ nghèo của xã, nhờ được huyện hỗ trợ kinh phí mua giống gia súc và phát triển trồng cỏ vào năm 2016; qua gần 3 năm, đến năm 2018 gia đình ông Kim đã thoát nghèo. Từ năm 2020 đến nay, gia đình ông Kim đã mở rộng phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, dê, ngựa, lợn, mỗi năm mang về nguồn thu nhập từ 200 - 230 triệu đồng…

Từ cơ chế chính sách hỗ trợ của huyện cùng với sự hỗ trợ của tỉnh thông qua Chương trình “Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa”, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền đã khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo qui mô gia trại và trang trại. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, nhiều hộ nông dân của huyện Quản Bạ đã tận dụng các nguồn đất bỏ hoang và chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả do thiếu nước tưới sang trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Từ đó đã tạo ra việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân trong huyện.

Cũng nhờ có các chính sách hỗ trợ của huyện đã giúp người dân hình thành nên nhiều trang trại chăn nuôi gia súc (chủ yếu là trâu, bò, ngựa và đàn dê) theo hướng hàng hóa, trong đó có khoảng 12 trang trại có số lượng đàn trâu từ 10 - 15 con; 10 trang trại có số lượng đàn bò từ 8-10 con; 8 - 10 trang trại có số lượng đàn dê từ 20 - 25 con... Về diện tích trồng cỏ, hiện nay huyện Quản Bạ đã có khoảng 300ha và phấn đấu đến cuối năm 2023 huyện sẽ hỗ trợ người dân về giống và kỹ thuật để hoàn thành trồng mới 50ha cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

Bên cạnh đó, tại các xã vùng cao của huyện Quản Bạ cũng đã hình thành nên các mô hình nuôi nhốt và vỗ béo trâu, bò theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc do các phòng, ban chức năng của huyện tổ chức đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong các khâu kỹ thuật, như vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, kỹ thuật nâng cao chất lượng đàn gia súc bằng thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật chế biến và dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông...

Một góc phiên chợ gia súc tại trung tâm xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Ảnh: Văn Phú

Vì vậy, có thể khẳng định: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa gắn với trồng cỏ ở huyện Quản Bạ là một định hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Quản Bạ trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Bên cạnh đó, nhờ được hỗ trợ về kinh phí và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình phát triển chăn nuôi, đàn gia súc của huyện Quản Bạ ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng; góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân một cách hiệu quả và bền vững. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp huyện Quản Bạ đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Ông Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Trong những năm qua chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa của huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo qui mô gia trại gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là tại các xã có điều kiện thuận lợi về phát triển chăn nuôi gia súc như: Lùng Tám, Cao Pã pờ, Quyết Tiến, Bát Đại Sơn, Cán Tỷ… Phấn đấu đưa giá trị chăn nuôi chiếm tỷ trọng trên 57,5 % trong cơ cấu nông nghiệp của huyện vào cuối năm 2023.

Phạm Văn Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ho-tro-nguoi-dan-phat-trien-chan-nuoi-gia-suc-nang-cao-doi-song-kinh-te-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-noi-bien-gioi-post465530.html