Hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn lợn

Sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi lợn sụt giảm lớn. Để nhanh chóng bù đắp thiệt hại, UBND tỉnh đã có văn bản đôn đốc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố thực hiện các chính sách hỗ trợ tái đàn lợn nhằm sớm ổn định ngành hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 4.000 hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy trên 29.400 con. Để khôi phục chăn nuôi, tỉnh đã trích nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ người chăn nuôi với tổng số tiền trên 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát của ngành Chăn nuôi và Thú y, mới có khoảng 900 hộ chăn nuôi tái đàn, chiếm khoảng 23%. Số hộ chăn nuôi tái đàn đạt thấp, quy mô đàn lợn/hộ cũng giảm so với trước khi xảy ra dịch bệnh.

Nhân viên thú y xã Minh Dân (Hàm Yên) theo dõi đàn lợn vừa được người dân nhập về nuôi.

Hơn 1 năm “treo chuồng”, ông Vũ Thế Hoàng, thôn 2, xã Trung Trực (Yên Sơn) mạnh dạn bỏ gần 30 triệu đồng đầu tư mua 10 con lợn giống loại 7 - 8 kg/con để chăn nuôi trở lại. Đây là giá lợn địa phương nuôi trong dân, còn đối với lợn ngoại tại các trang trại sản xuất giống có uy tín giá cao hơn, những người chăn nuôi nhỏ lẻ như ông Hoàng khó có thể mua được bởi họ bán với số lượng lớn.

Anh Đỗ Duy Hải, thôn 4 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) vẫn phải kéo dài kế hoạch dừng giãn chăn nuôi lợn trở lại do giá lợn giống tăng quá cao. Theo anh Hải, để lấp đầy 4 ô chuồng nuôi của gia đình phải có 40 con lợn, song với giá như hiện nay từ 2,5 - 3 triệu/con thì việc tái đàn rất khó khăn nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cơn bão dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn đến đàn lợn bố mẹ, từ đó dẫn đến nguồn cung con giống nuôi thương phẩm bị thiếu hụt. Đặc biệt trong thời điểm không chỉ tỉnh ta mà cả nước đang tập trung tái đàn lợn vấn đề khan hiếm nguồn con giống, giá bị đẩy lên cao là khó tránh khỏi. Hiện tại, 1 con lợn giống nuôi thương phẩm trọng lượng từ 6 - 9 kg có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2018. Lo ngại hơn dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 35 xã tái phát ổ dịch. Điều này càng khiến việc tái đàn lợn của tỉnh trở nên nan giải.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước thực tế khó khăn trong công tác tái đàn lợn, Sở đã làm việc với Tập đoàn DABACO - doanh nghiệp hàng đầu sản xuất lợn giống khu vực miền Bắc ưu tiên bán con giống nuôi thương phẩm cho các trang trại, gia trại trong tỉnh giúp tỉnh nhanh chóng khôi phục đàn lợn. Tập đoàn DABACO đã cam kết đến hết tháng 7 sẽ xuất bán cho các gia trại, trang trại đủ tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh 500 lợn giống nuôi thương phẩm, riêng đối với lợn đực giống, lợn nái hậu bị sẽ cung cấp theo nhu cầu.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ cho người chăn nuôi tiếp cận vốn ưu đãi để đầu tư tái đàn lợn. Song, để đảm bảo tái đàn hiệu quả, UBND tỉnh cũng đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, thực hiện công bố hết dịch tại các địa phương đã qua 30 ngày không tái phát dịch; hỗ trợ các trang trại, gia trại triển khai chăn nuôi an toàn vệ sinh thú y, an toàn sinh học đẩy lùi dịch bệnh.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ho-tro-nguoi-chan-nuoi-tai-dan-lon-134749.html