Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật

Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn của doanh nghiệp và toàn xã hội, song chính họ cũng cần nỗ lực hơn, tự trang bị những kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng đáp ứng công việc của nhà tuyển dụng...

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển lao động. Ảnh: Thanh Hải.

Ngày 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật Thành phố tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ I năm 2024”.

HÀNG NGHÌN NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG

Tại phiên giao dịch việc làm, ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết hiện nay, Thành phố Hà Nội có trên 112.000 người khuyết tật, trong đó có 7.704 người khuyết tật có khả năng lao động.

Đặc biệt, nhiều người khuyết tật vươn lên làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, người khuyết tật có bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân; luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Vì vậy, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội.

Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật nhằm hỗ trợ, động viên người khuyết tật tích cực tham gia vào thị trường lao động.

Theo ông Nam, trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn. Nay trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng thêm trở ngại.

“Đây cũng là điều chúng tôi muốn nói với cộng đồng doanh nghiệp. Đó là, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn của doanh nghiệp và toàn xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Với tinh thần đó, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa, để cùng Nhà nước và toàn xã hội mang cơ hội việc làm đến cho người khuyết tật.

“Hãy tin tưởng người khuyết tật hoàn toàn có khả năng lao động để sản xuất ra của cải vật chất, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung”, ông Nguyễn Tây Nam khẳng định.

Với người lao động, cũng cần nỗ lực hơn nữa để tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng những công việc của nhà tuyển dụng đưa ra. Qua đó, khẳng định được giá trị của mình trên thị trường lao động.

Phiên giao dịch việc làm hôm nay, có hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với trên 1.000 chỉ tiêu việc làm đa dạng các ngành nghề. Đặc biệt có 11 đơn vị tham gia có nhu cầu tuyển dụng 386 chỉ tiêu lao động là người khuyết tật.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, đây là cơ hội để người lao động tiếp cận thị trường việc làm, có thông tin để chủ động tham gia, tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống của bản thân.

TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ LAO ĐỘNG KHUYẾT TẬT TIẾP CẬN ĐƯỢC CƠ HỘI VIỆC LÀM

Tại phiên giao dịch việc làm, đại diện Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc làm cho người khuyết tật chính là con đường bền vững giúp người khuyết tật hòa nhập vào đời sống. Thông qua đó, họ không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống tự lập ngày càng tốt hơn.

Thông tin về các cơ hội việc làm cho người lao động.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại phiên và có sử dụng lao động là người khuyết tật, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư công nghệ Đại Sỹ thông tin, hiện tại đơn vị đang tìm kiếm lao động là người khuyết tật có trình độ về lĩnh vực công nghệ thông tin, người lao động có thể làm online, offline đều được. Những người chưa có kỹ năng thành thạo về mảng này thì chỉ cần có tư duy tốt doanh nghiệp sẽ hỗ trợ đào tạo thêm.

Tuy nhiên, theo ông Kha, việc tuyển dụng lao động ở nhóm này sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, do phải lựa chọn những người có trình độ phù hợp với mức độ khuyết tật của họ. Điều này cũng để đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho họ trong quá trình làm việc, giúp gắn bó lâu dài và chính bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.

Đại diện đơn vị này cũng cho rằng để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, người khuyết tật dù lựa chọn công việc nào cũng phải học tập, phấn đấu như người bình thường. Song đây là nhóm yếu thế, có ít lựa chọn hơn nên ngoài nỗ lực của chính bản thân họ cần có những hỗ trợ khác.

Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tham gia tuyển dụng tại phiên có một số doanh nghiệp tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn, các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng như: Kinh doanh – marketing, công nhân may, thợ thủ công mỹ nghệ, nhân viên kỹ thuật, công nhân điện tử...

Từ đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm, cũng như người lao động khuyết tật tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân; có thu nhập ổn định cuộc sống.

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ho-tro-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-khuyet-tat.htm