Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Sau hai năm triển khai nhiều giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD), TP Hồ Chí Minh đã lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, xã hội. Với mục tiêu duy trì đà tăng trưởng của địa phương 'đầu tàu' kinh tế, tạo động lực mới thúc đẩy SXKD, thành phố đang đi đầu triển khai các giải pháp, xây dựng và thí điểm cơ chế, chính sách mới nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững...

Tín hiệu mới từ những đột phá

Khó khăn bộn bề, nhiều sức ép đối với doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh là câu chuyện khá phổ biến từ những tháng cuối năm 2023 đến nay. Ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản "đóng băng" khiến nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất, cắt giảm lao động, thiếu vốn, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Dù tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2023 có những chuyển biến tích cực nhưng bức tranh về SXKD vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Các doanh nghiệp ngành dệt may rơi vào tình trạng suy giảm mạnh sau nhiều năm. Doanh nghiệp ngành công nghiệp chủ lực phần lớn dừng lại chức năng gia công, bắt đầu chuyển sang ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa; doanh nghiệp bất động sản rơi vào khủng hoảng khiến nhiều ngành nghề liên quan như: Nội thất, xây dựng, sắt thép, vật liệu xây dựng... bị đình trệ. Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ sang thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản bị sụt giảm đơn hàng... Bên cạnh đó, áp lực trả nợ và lãi vay ngân hàng, tiếp cận nguồn vốn khó buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô, xoay chuyển sang các ngành tay trái để tìm kiếm dòng tiền...

Tổng công ty Phong Phú (TP Hồ Chí Minh) thực hiện đơn hàng xuất khẩu đầu năm 2024.

Bên cạnh triển khai những giải pháp của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các giải pháp mũi nhọn, tạo động lực mới hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: Điểm mới trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh là tập trung các nhóm giải pháp hỗ trợ giảm chi phí, nâng cao năng lực, năng suất lao động, xúc tiến thương mại, đầu tư, cắt giảm các chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp...

Thành phố cũng triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ tập trung vào thí điểm những cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính động lực như: Xây dựng các cơ chế, chính sách mới, giao trách nhiệm người đứng đầu từng sở, ngành, đơn vị giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp; giải ngân đầu tư công, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, đồ gỗ, thực phẩm chế biến; công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp sản xuất xanh, không carbon, năng lượng tái tạo, công nghệ cao... Đồng thời duy trì, mở rộng các chương trình, chính sách hỗ trợ truyền thống như: Hỗ trợ vốn vay kích cầu, giảm lãi suất 2% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, xúc tiến thương mại, đầu tư... Đến nay, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đạt gần 81.000 tỷ đồng, chiếm 36% so với cả nước và chiếm 36,8% về dư nợ tín dụng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển SXKD. Chương trình cho vay tín dụng 120.000 tỷ đồng giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ... đã thu hút 6 dự án với tổng mức dự kiến vay 2.776,7 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Phi Long, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, đơn vị chủ lực về các ngành công nghiệp của TP Hồ Chí Minh cho rằng, những giải pháp mới đang phát huy tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp. Bởi vì, doanh nghiệp gặp khó không chỉ là về vốn, quản trị, nhân lực mà có những thứ doanh nghiệp cần nhưng rất khó triển khai, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ là xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác quốc tế, các thủ tục xuất khẩu, hải quan... Những giải pháp hỗ trợ mà thành phố đang triển khai là đúng hướng, sát với yêu cầu, thực tiễn và đang dần phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV đã có những tín hiệu lạc quan, nhiều đơn đặt hàng từ các thị trường mới ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á... đặc biệt là các đơn hàng sản xuất về cơ khí chính xác, công nghệ cao...

Tạo cơ chế, chính sách gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công-tư, khuyến khích đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đến năm 2025. Điểm nhấn của kế hoạch này gắn với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển SXKD, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế; tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quy mô, nâng cao khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế. Các nội dung hỗ trợ được cụ thể hóa gồm: Hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ tổ chức SXKD, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ về thuế, hải quan; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp...

Thạc sĩ Trần Tuấn Linh, chuyên gia tài chính, ngân hàng chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp khó khăn do gặp lực cản lớn về giải quyết các thủ tục đầu tư, thuế, hải quan, dòng tiền... Trên cơ sở Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh xây dựng các cơ chế, chính sách mới để thí điểm, bảo đảm linh hoạt, giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là điều phối nguồn vốn vào hoạt động SXKD, qua đó tạo môi trường, điều kiện để doanh nghiệp SXKD bền vững, ổn định, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Công nhân Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV sản xuất quạt điện xuất khẩu.

Ở góc nhìn đại diện cho các doanh nghiệp, ông Phan Đình Tuệ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn được TP Hồ Chí Minh triển khai đã bước đầu phát huy hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực đối với doanh nghiệp trên địa bàn. Trong năm 2024, để hoạt động SXKD của doanh nghiệp tốt hơn, phục hồi bền vững thì cần có các cơ chế, chính sách rộng mở hơn, đặc biệt là trong đầu tư công vào những dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật, năng lượng tái tạo, chuyển đổi khu công nghiệp xanh...

Cụ thể, cần có các cơ chế, chính sách mới để doanh nghiệp tham gia dự thầu những dự án đầu tư công, vay vốn theo chương trình kích cầu, có sự hỗ trợ, kết nối chặt chẽ với các kênh tín dụng... Hơn nữa, khâu xúc tiến thương mại quốc tế cần chuyên biệt hóa ở nhiều nhóm ngành nghề, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có ít điều kiện, tiềm lực. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoàn thiện quy trình SXKD đạt chuẩn, gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài và ảnh: ĐẶNG BẢO MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-766796