Hỗ trợ doanh nghiệp thời khó

Giai đoạn kinh tế khó khăn thì một trong những ưu tiên của bộ máy nhà nước là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Có nhiều chương trình hỗ trợ không cần đến tiền nhưng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp…

Cà phê doanh nhân – nơi gặp mặt, đối thoại để chính quyền lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp là hoạt động nhiều nơi làm, từ cấp trung ương xuống địa phương. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bắc Giang.

Khi doanh nghiệp khó khăn, họ có nhiều cách mô tả các khó khăn mà mình đang gặp phải. Tôi nhớ mãi trường hợp một doanh nghiệp trong cuộc đối thoại doanh nghiệp khu vực Nam Trung bộ mà tôi được dự cách đây vài năm. Chị doanh nhân kể để xin phép một dự án của mình, chị mất 10 năm ra vô Hà Nội liên tục, cực kỳ mệt mỏi. Hôm lấy được tờ giấy phép từ bộ, cảm giác hoàn toàn kiệt quệ, ra sân bay hết sạch tiền, chỉ đủ ăn mì tôm ở sân bay. 11 giờ tối về tới nhà, để tờ giấy phép lên bàn thờ Quan Công, thắp hương ba ngày liền.

Đây là một trong những cách biểu đạt khó khăn về thủ tục hành chính của doanh nghiệp, một đoạn trường gian nan với nhiều người.

Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay chắc nhiều doanh nghiệp cũng có chung cảm giác về sự kiệt quệ, bất lực khi vừa phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thị trường, vừa gặp phải sự rối rắm, lạnh lùng, vô cảm của thủ tục.

Giai đoạn kinh tế khó khăn thì một trong những ưu tiên của bộ máy nhà nước là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Những chính sách giảm, giãn, miễn thuế hay các khoản phí phải nộp có ý nghĩa tích cực, nó giúp giảm chi phí kinh doanh, góp phần giảm căng thẳng dòng tiền của doanh nghiệp và giúp kích cầu trong nước. Nhưng điều đáng nói là kinh doanh ở ta luôn có những khó khăn bất chợt, những chi phí không tên mà doanh nghiệp phải đối mặt. Cái họ cần là sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền. Có nhiều chương trình hỗ trợ không cần đến tiền nhưng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Bác sĩ cho doanh nghiệp

Có ai trong chúng ta đã bao giờ tự đặt ra câu hỏi, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn từ sự nhũng nhiễu, gây khó của cán bộ nhà nước trong một phòng tại một sở ở một tỉnh thì cách thức giải quyết của bộ máy chúng ta sẽ như thế nào? Tôi có tìm hiểu và khá ngạc nhiên là quy trình giải quyết thực tế hiện nay đang đi vào ngõ cụt!

Chúng ta dường như chưa có cách thức để tháo gỡ những khó khăn này. Trừ khi doanh nghiệp chọn khởi kiện ra tòa án (mà nhiều doanh nghiệp nằm lòng sẽ khó như con kiến kiện củ khoai), doanh nghiệp làm đơn khiếu nại, phản ánh lên chủ tịch tỉnh. Lãnh đạo tỉnh theo quy trình sẽ phê về sở để kiểm tra, giải quyết. Sau khi nhận lệnh, sở sẽ phê về phòng chuyên môn để thụ lý. Phòng không có lựa chọn nào khác sẽ chuyển cho cán bộ phụ trách! Điều dở khóc dở cười, cán bộ phụ trách này chính là… người đã nhũng nhiễu và gây ra khó khăn cho doanh nghiệp!

Thử hỏi trong trường hợp này doanh nghiệp biết phải làm như thế nào!? Do vậy, có những khó khăn, phiền hà, dù không lớn nhưng đủ làm cho người dân và doanh nghiệp ngán ngẩm, ác cảm, lâu ngày trở nên định kiến.

Để giải quyết vấn đề này có một cách làm thú vị, đó là mô hình… bác sĩ doanh nghiệp.

Mô hình bác sĩ doanh nghiệp là ý tưởng của tỉnh Bắc Ninh. Đây thực ra là mô hình tương tự “tổ công tác” nhưng có bộ phận riêng tương đối độc lập, cách thức làm là chủ động thu thập các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và giải quyết kịp thời. Khó khăn của doanh nghiệp không phải đều là chuyện lớn, nó có thể đến từ những trục trặc nhỏ trong giải quyết thủ tục hành chính, vấn đề là cơ chế hiện tại không giải quyết những chuyện như vậy một cách rốt ráo và hiệu quả.

Những “bác sĩ” cho doanh nghiệp vẫn là cán bộ trong bộ máy chính quyền nhưng vị trí tương đối độc lập với bộ máy hành chính. Khi có phản ánh về những vấn đề của doanh nghiệp thì họ chủ động chẩn đoán vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Giải pháp có thể không phải đi qua con đường hành chính với các thủ tục và công văn gắn trách nhiệm nặng nề mà có thể chỉ là một buổi họp, thậm chí một cuộc trao đổi trong nội bộ để tìm ra giải pháp tốt nhất. Ưu tiên không phải là phân định hay truy cứu trách nhiệm mà giải quyết hiệu quả vấn đề. Do vậy vấn đề của doanh nghiệp có thể được giải quyết rất nhanh, rất hiệu quả.

Tên của mô hình thú vị này là bác sĩ doanh nghiệp nhưng dường như nó là bác sĩ chính quyền mới đúng vì các vấn đề trục trặc xảy ra thường lại có căn nguyên từ chính quyền. Nhưng dù sao đây cũng là một mô hình thân thiện, hướng tới doanh nghiệp và khá hiệu quả.

Hỗ trợ chính là xúc tiến

Một cách hỗ trợ doanh nghiệp khá hiệu quả khác là mô hình Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) của Quảng Ninh, một cách tiếp cận mới về xúc tiến đầu tư và thể hiện ngay trong tên gọi của nó. Đây là tổ chức có mục tiêu xúc tiến đầu tư nhưng chức năng hỗ trợ đầu tư được nhấn mạnh ngang với mục tiêu xúc tiến.

Xúc tiến đi kèm với hỗ trợ hay nói cách khác hỗ trợ nhà đầu tư là cách xúc tiến quan trọng nhất. Xúc tiến không chỉ là tổ chức nhiều hoạt động hoành tráng, hội nghị lớn, đoàn đi nước ngoài đông đảo…, ở đây nhấn mạnh chức năng cốt lõi là hỗ trợ nhà đầu tư. Bởi vì ở nhiều tỉnh, thành phố, sau những đợt truyền thông, thông tin rầm rộ về môi trường đầu tư thì có thể chỉ là sự thất vọng, chán nản khi nhà đầu tư phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trên thực tế, đâm đầu vào những mê cung thủ tục liên ngành mà đôi khi không có lối ra.

Phương châm hoạt động của IPA Quảng Ninh là “theo sát bước chân nhà đầu tư”. Phương châm này thể hiện sự thay đổi tư duy quan trọng từ xin – cho, ban phát sang suy nghĩ và hành động như chính nhà đầu tư, cách tiếp cận từ cấp phép, cho phép sang cách nghĩ là phục vụ, chăm sóc nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Việc quan tâm tới từng dự án sau cấp phép có vai trò hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư, là cách hữu hiệu để thu hút các doanh nghiệp làm ăn bài bản. Việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư sẽ trở nên thiết thực nhất khi lấy hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc doanh nghiệp sau đầu tư làm thước đo về môi trường đầu tư. Về phía doanh nghiệp, sự trải nghiệm thực tế về môi trường đầu tư và thành công của các doanh nghiệp đến trước sẽ là bằng chứng thuyết phục hơn việc quảng bá, tuyên truyền hay bất kỳ chương trình xúc tiến đầu tư nào khác.

Cà phê doanh nhân

Gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để chính quyền lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp là hoạt động nhiều nơi làm, từ cấp trung ương xuống địa phương. Thông thường hàng năm ở các địa phương có 1-2 cuộc đối thoại doanh nghiệp lớn, được tổ chức đầu năm Âm lịch hay nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.

Nhiều hội thảo đối thoại được tổ chức với thành phần tham dự hàng trăm người, đầy đủ lãnh đạo địa phương, chỉ vài doanh nghiệp lớn, quan trọng và thân thiện với địa phương mới được phát biểu. Một số khó khăn, bức xúc được doanh nghiệp nêu ra nhưng không có phương án, cơ quan, thời gian giải quyết cụ thể sau đó. Điều mà doanh nghiệp cần nhất không phải là đối thoại quy mô lớn, hoành tráng mà chính là tính hiệu quả.

Một mô hình khá hiệu quả và tồn tại nhiều năm qua là cà phê doanh nhân. Mô hình cà phê doanh nhân được bắt đầu cách đây nhiều năm tại Đồng Tháp, một địa phương không nổi bật với các dự án đầu tư lớn nhưng lại nổi bật với các mô hình đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp và nông dân.

Cách thức vận hành cà phê doanh nhân giai đoạn đầu cũng đơn giản thôi, đầu buổi sáng làm việc, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cũng có thể dễ dàng hẹn gặp và phản ánh với người đứng đầu chính quyền địa phương những vấn đề của mình. Thời gian là lúc cà phê đầu buổi sáng trước giờ làm việc chính thức. Địa điểm là ngay tại trụ sở UBND tỉnh, có chiếc bàn đá riêng. Đơn giản nhưng khá hiệu quả vì qua đây nhiều vụ việc được giải quyết, cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin.

Cà phê doanh nhân sau này được nhân rộng ra thêm rất nhiều địa phương, có nơi làm thực chất, có nơi tổ chức vài cuộc rồi lẳng lặng thôi. Tôi thấy mô hình đối thoại này cũng có nhiều điều đáng suy nghĩ. Mô hình đối thoại dưới hình thức bán chính thức này có thể rất hiệu quả khi nó thực chất, có sự cầu thị và lắng nghe của chính quyền. Mà chuyện này thì lãnh đạo địa phương, người đứng đầu là yếu tố quyết định.

Mô hình này giúp chuyển tải thông tin nhanh từ thực tế kinh doanh tới người đứng đầu chính quyền, vượt được cấp trung gian. Điều quan trọng nữa là nếu làm được như vậy, bộ máy trung gian sẽ ngần ngại trong việc gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì cấp trên của họ dễ dàng biết chuyện khi người dân và doanh nghiệp được khuyến khích phản ánh trực tiếp.

Những cách làm hỗ trợ doanh nghiệp ở trên dù chưa chuyên nghiệp, không hẳn bài bản, có thể còn mang tính sự vụ… nhưng đều hướng tới giải quyết các khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp. Hơn bất cứ chính sách nào, đây chính là sự đồng hành thiết thực của chính quyền với người kinh doanh, chuyển tải thông điệp mạnh về sự thân thiện của chính quyền. Kinh doanh của doanh nghiệp do vậy phần nào bớt khó!

(*) Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Đậu Anh Tuấn (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ho-tro-doanh-nghiep-thoi-kho/