Hồ nước đỏ như máu tưởng đẹp nhưng lại khiến nhiều sinh vật 'hóa đá'

Hồ Natron là một trong những hồ nước chết chóc nhất thế giới. Nếu vô tình chạm phải nước trong hồ, con người hay động vật đều có thể bị hỏng mắt, bỏng da.

Hồ Natron ở phía bắc Tanzania (quốc gia nằm ở Đông Phi), gần biên giới với Kenya.

Hồ có độ sâu 3m, đường kính thay đổi phụ thuộc vào lượng nước bốc hơi. Sắc đỏ, da cam độc đáo ở đây bắt nguồn từ loại vi khuẩn cyanobacteria sinh sống trong hồ. Chính màu sắc lạ mắt đã thu hút rất đông nhiếp ảnh gia từ khắp nơi trên thế giới đổ về, ghi lại những khung cảnh ấn tượng không nơi nào có.

Năm 2011, khi lang thang chụp ảnh cho cuốn sách mới về động vật hoang dã đang biến mất ở khu vực Đông Phi, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nick Brandt đã ghé thăm hồ Natron và vô tình chứng kiến cảnh tượng đáng kinh ngạc.

Khi mực nước hồ hạ thấp, xác các loài động vật dạt vào bờ, khắp thân mình chúng đều bị phủ một lớp muối. Xác những con vật xấu số được bảo quản khá tốt dưới lòng hồ. Chúng vẫn giữ nguyên các tư thế sống động. Điều tạo nên sự khác biệt so với khi còn sống là toàn thân chúng được phủ trong những lớp “xi măng” bằng muối. Có lẽ ngoài sắc đỏ kỳ ảo, dường như hồ Natron còn ẩn chứa bí mật nào đó khiến những loài động vật không may sảy chân rơi xuống đều nhanh chóng "hóa đá”. Cũng chính vì điều này người ta đã đặt cho hồ Natron một tên gọi khác, hồ Tử thần.

Trên thực tế, Natron vốn là một hồ nước mặn. Bình thường nước có thể chảy vào trong hồ nhưng không có lối thoát ra ngoài mà chỉ có thể thoát ra bằng cách bốc hơi. Theo thời gian, nước càng bay hơi sẽ càng để lại nồng độ muối cao cùng nhiều khoáng chất khác. Nguyên lý này tương tự như ở Biển Chết hay hồ muối lớn của Utah.

Tuy nhiên, không giống như những hồ khác, nước ở hồ Natron có tính kiềm cao do lượng Natron hóa học cao. Với độ pH vào khoảng 9 - 10,5 và nhiệt độ nước có thể lên tới 140 độ F (tương đương 60 độ C), hồ Natron không phải là môi trường lý tưởng cho các loài động vật sinh sống. Làn nước trông có vẻ tĩnh lặng của hồ có thể làm bỏng da, mắt của nhiều loài động vật. Hơn thế, chúng có thể mất mạng nếu chẳng may sa chân xuống mặt nước.

Độ kiềm của nước là do natri cacbonat và các khoáng chất khác chảy vào từ ngọn núi lửa khoảng 1 triệu năm tuổi Ol Doinyo Lengai nằm ở phía Nam của hồ. Dung nham của ngọn núi lửa này chảy xuống hồ, mang theo một loại muối khoáng đặc biệt, khác hẳn với loại muối trong nước biển thông thường. Dần dần loại muối này tồn đọng, tích tụ trong hồ gây nên mức kiềm cực cao.

Và các chất lắng đọng của natri cacbonat, thứ từng được sử dụng trong quy trình ướp xác của người Ai Cập, trở thành chất bảo quản tuyệt vời cho những sinh vật không may rơi xuống vùng nước hồ Natron. Theo các chuyên gia, nói một cách dễ hiểu, nguyên nhân hiện tượng động vật "hóa đá" là do nồng độ kiềm quá cao khiến chúng bị vôi hóa trong thời gian rất ngắn và vẫn giữ dáng vẻ trước khi chết.

"Tôi tìm thấy nhiều sinh vật như chim và dơi dạt vào dọc bờ hồ Natron. Không ai biết chính xác chúng chết như thế nào, nhưng thành phần natri cacbonat trong hồ là quá cao, nó đã lột bỏ lớp mực khỏi hộp đựng phim Kodak của tôi chỉ trong vài giây", nhiếp ảnh gia Nick Brandt chia sẻ trong cuốn sách về hồ nước.

Tuy bị coi là "vùng nước tử thần" nhưng hồ Natron lại là điểm đến ưa thích của chim hồng hạc. Vào mùa sinh sản, hơn 2 triệu con hồng hạc lại “tề tựu” ở hồ nước mặn này. Chim hồng hạc xây tổ trên các mỏm muối nhỏ hình thành trong hồ vào mùa khô. Môi trường sống khắc nghiệt của hồ lại trở thành "cái bẫy" lý tưởng giúp chim hồng hạc chống lại kẻ thù- những con vật cố gắng tiếp cận tổ của chúng.

Khả năng “hóa đá” mọi thứ của Natron đem đến không gian yên bình cho hồng hạc vào mùa sinh sản. Dù thỉnh thoảng vẫn có những con hồng hạc không may lỡ chân sa xuống nước và trở thành "xác ướp" nhưng số lượng này không nhiều.

Khi mực nước hồ hạ thấp, loài chim này sẽ đậu trên các mỏm muối và làm tổ bằng bùn từ núi lửa, tạo nên cảnh tượng kỳ thú, thu hút đông đảo khách du lịch.

Ngoài sở hữu cảnh quan độc đáo, hồ Natron còn là nơi lưu giữ lịch sử 19.000 năm. Ngay lập tức sau khi dấu chân in lên lớp bùn và tro ướt, trầm tích khô và cứng lại, theo Tiến sĩ Cynthia Luitkius-Pierce, nhà địa chất học ở Đại học Appalachian. Lớp bùn bảo quản dấu chân được cho là trôi xuống từ núi lửa Ol Doinyo Lengai cùng lượng lớn tro. Bề mặt khô dần trong vài ngày, thậm chí vài giờ, bảo quản dấu chân. Lớp bùn lưu giữ dấu vết của tổ tiên loài người, hoạt động và hành vi của họ ở thế Canh Tân dọc theo bờ hồ Natron.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ho-nuoc-do-nhu-mau-tuong-dep-nhung-lai-khien-nhieu-sinh-vat-hoa-da-a599380.html