Hình tượng rồng trong các thời kỳ lịch sử của Việt Nam

Mang số mệnh Kinh đô của một quốc gia, Thăng Long - Hà Nội luôn ôm trọn khát vọng rồng bay từ một nền văn hiến ngàn đời.

"Thành Đại La, ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời". Đây là những lời được vua Lý Thái Tổ viết trong Thiên Đô Chiếu, tức Chiếu dời đô về Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay, vào mùa xuân năm 1010. Tại kinh thành Thăng Long, rồng là biểu tượng của sự thiêng liêng, hiện thân cho sức mạnh và uy quyền tuyệt đối của nhà vua. Trải qua mỗi triều đại Việt Nam, hình tượng rồng lại có những thay đổi, chứa đựng những sắc thái riêng. Hình tượng rồng vừa là nguồn cảm hứng vừa là nguyên tắc cho những sáng tác nghệ thuật trên kiến trúc, vật dụng sinh hoạt hoàng cung với những họa tiết và trang trí độc đáo. Rồng và những ý nghĩa mang tính biểu tượng đã góp phần tạo nên những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Hình tượng rồng qua các vương triều Đại Việt có những nét đặc trưng riêng thể hiện qua trang phục, gốm sứ hay kiến trúc… Thời xưa, hình tượng rồng được đưa vào các tục, nghi lễ với mong ước bình an, hạnh phúc, may mắn và sự thịnh vượng.

Hiện tại, Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) trưng bày rất nhiều hình tượng rồng ở các triều đại Lý, Trần, Lê hay Nguyễn.

Rồng thời Lý có đầu nhỏ, mình thon mềm mại, uốn lượn nhiều vòng, uyển chuyển trên bốn chân chim, mình không có vảy, đặc biệt là đầu không có tai và sừng.

Đến đầu thời Trần, rồng vẫn kế thừa phong cách rồng thời Lý. Song, hình tượng rồng thời Trần có những thay đổi như đầu lớn hơn, râu tóc rõ hơn, có thêm sừng và tai. Lưng có vảy và thân mình uốn khúc trên thế chân đạp vững chãi.

Thời Lê sơ là thời kỳ cực thịnh của Nho giáo tại Việt Nam, rồng đã chuyển hóa trở về chịu ảnh hưởng mạnh của rồng phương Bắc với đầu to, sừng có chạc, vây và lông gáy tua rua, vẩy to và chân xòe năm ngón, móng quặp lại trông rất dữ tợn, thể hiện uy quyền và sự nghiêm ngặt của nhà vua.

Rồng thời Nguyễn có đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau, mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh.

Ngoài ra, thời xưa hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đền đài, trang phục vua chúa.

Cận cảnh hình rồng thêu trên trang phục của nhà vua.

Hình tượng rồng qua mỗi vương triều Đại Việt có những đặc trưng riêng nhưng đều thể hiện nét uy quyền, hạnh phúc và ấm no. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mang số mệnh Kinh đô của một quốc gia, Thăng Long - Hà Nội luôn ôm trọn khát vọng rồng bay từ một nền văn hiến ngàn đời.

Sơn Quách

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hinh-tuong-rong-trong-cac-thoi-ky-lich-su-cua-viet-nam-post27865.html