Hình tượng rồng qua các thời kỳ

Rồng là một biểu tượng văn hóa, sản phẩm trí tưởng tượng của con người. Cả phương Đông và phương Tây đều có biểu tượng rồng, song do đặc điểm mỗi nền văn hóa, rồng phương Đông có nét khác rồng phương Tây.

Rồng Triều Lý: Mềm mại, hiền từ

Rồng chỉ thực sự phát triển khi triều Lý lên nắm quyền (thế kỷ XI-XII), mở đầu cho nền văn minh Đại Việt sau ngàn năm Bắc thuộc. Đây là thời kỳ đạo Phật phát triển mạnh, tinh thần tự cường dân tộc được đề cao. Rồng thời Lý thân tròn dài mềm mại, uốn hình sin 12 khúc tượng trưng 12 tháng trong năm, dáng uyển chuyển biểu trưng cho sự ổn định của xã hội, mưa thuận gió hòa. Đầu có bờm dài, râu cằm, không sừng. Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngoắc lên. Đặc biệt cái mào ở mũi, lượn sóng đều đặn. Miệng rồng luôn ngậm viên châu nói lên sự mềm mại, hiền từ.

Rồng thời Trần: Cương mãnh uy vũ

Hình tượng rồng nhà Trần có phần cương mãnh uy vũ hơn với thân hình mập mạp, móng vuốt lớn hơn, râu và vảy rồng cứng cáp. Các vảy cũng đa dạng, có vảy như nửa hình hoa tròn nhiều cánh đều đặn, có vảy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng. Chân rồng ngắn hơn và có sự xuất hiện cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng vẫn có vòi hình lá, vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi, thể hiện sự uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Rồng thời Trần lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ.

Rồng thời Lê: Dũng mãnh, dữ tợn

Đến thời Lê, rồng có sự thay đổi hẳn. Thời này Nho giáo đã trở thành quốc giáo, xã hội kỷ cương hơn, uy lực của nhà vua được nâng cao, hình dáng rồng cũng dũng mãnh, dữ tợn hơn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài như rắn uốn lượn đều đặn nữa mà có nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của miệng rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh là hàng răng cưa kết lại như hình chiếc lá. Lông mày vẫn giữ hình dáng nhưng được kéo dài ra và đuôi vuốt chếch lên phía sau. Trên lông mày và chiếc sừng 2 chạc, đầu sừng cuộn tròn. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa lên đỡ râu. Cổ rồng nhỏ hơn thân, một chi tiết ít thấy ở những con rồng trước đó. Chân có 5 móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn.

Rồng thời Lê Trung Hưng: Đa dạng về tạo hình

Có thể nói, rồng thời này đa dạng về tạo hình nhất. Là thời kỳ nhiều biến động và cũng là lâu dài nhất trong các triều đại Việt Nam, với sự nở rộ của các kiến trúc đình, chùa để lại kho tàng nghệ thuật đồ sộ hình tượng rồng. Ngoài ra, có sự khác biệt phong cách giữa các vùng Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc đặc biệt ở điêu khắc kiến trúc gỗ, đây là chất liệu mà các nghệ nhân của từng vùng thể hiện sự sáng tạo riêng của mình. Rồng dần được cách điệu cao, hoa văn dáng dấp cứng hơn, nổi bật là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng sắc nhọn theo kiểu “đao mác”. Đầu rồng cũng dần biến đổi, bờm không còn bổ luống mà chia thành từng dải đều nhau, lông mày, râu cằm, lông khuỷu chân loe ra, 2 sợi râu mép uốn cong lại.

Rồng Nhật Bản: Sự lý tưởng

Đối với người Nhật Bản, con rồng đem đến sự lý tưởng. Rồng trong thần thoại Nhật Bản là những sinh vật mạnh mẽ có thể điều khiển nước và mưa, và sống trong các vùng nước, như sông hoặc hồ. Các loại rồng chính của Nhật Bản, bao gồm: Rồng nước - loại rồng này tương tự như rồng Trung Quốc và được tìm thấy ở các nguồn nước. Được gọi là Mizuchi, con rồng nước dài và giống như một con rắn, và được cho là một vị thần nước. Rồng trời được cho là sống trên mây hoặc trong bầu trời và không có mối liên hệ đặc biệt nào với nước. Đặc biệt, rồng ở Nhật Bản chỉ có 3 ngón trong khi rồng Trung Quốc có 4 hoặc 5 ngón.

Rồng thời Nguyễn: nhân cách hóa trong đời thường

Nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa hình tượng rồng và theo thời gian xuất hiện nhiều biến thể mới. Ngoài vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, rồng triều Nguyễn còn được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, ngậm hay chầu chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc… Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vảy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng 2 bên.

Rồng Trung Quốc: Sự may mắn và thịnh vượng

Biểu tượng con rồng ở Trung Quốc đại diện cho quyền lực, đặc biệt là khả năng kiểm soát bão, nước, mưa và lũ lụt. Đối với người Trung Quốc, rồng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Họ xem nó như một linh vật đem đến sự may mắn và thịnh vượng, hòa hợp. Rồng Trung Quốc là một sinh vật tốt đẹp, khôn ngoan và thân thiện. Rồng được mọi người yêu mến và tôn thờ, thậm chí được lập cả đền thờ. Đổi lại, người dân tin rằng rồng phun mưa, cầu may mắn và thịnh vượng.

Rồng Triều Tiên: Tinh thần minh mẫn

Người Triều Tiên cho rằng tổ tiên họ là chủ nhân sáng tạo ra rồng. Rồng Triều Tiên có hình dáng về cơ bản giống rồng Trung Quốc, chân thường có 4 ngón. Theo truyền thuyết, rồng Triều Tiên có 3 loại chính: rồng có quyền lực nhất, quản lý bầu trời; rồng không sừng, sống ở đại dương và rồng cư trú ở vùng núi, bảo vệ sự bình yên của mặt đất. Rồng Triều Tiên được cho là một dấu hiệu của sự may mắn. Về ngoại hình, rồng Triều Tiên có gạc hươu, bụng rắn, đuôi cá, móng vuốt và râu. Rồng được gọi là “yong” hoặc “ryong”, trong tiếng Triều Tiên là loài vật mang lại may mắn và tinh thần minh mẫn vì giọng nói của chúng loại bỏ mọi ảo tưởng về những suy nghĩ xấu.

Rồng phương Tây: Chuyên gieo rắc tai họa

Nếu rồng phương Đông được coi là linh vật hàng đầu thì rồng phương Tây lại là quái vật đáng sợ nhất. Về mặt diện mạo, rồng phương Tây được mô tả như một con vật to lớn, thân hình hao hao khủng long, có đôi cánh rất lớn giống cánh dơi, da dày và cứng như thép, có thể phun lửa, đôi khi có đến 3 đầu. Rồng phương Tây đại diện cho những gì xấu xa con người phải đương đầu. Chúng thường sử dụng sức mạnh của mình vào mục đích đen tối, gieo rắc kinh hoàng cho những vùng đất chúng bay qua. Do đó thường có những người anh hùng đứng lên giết rồng cứu dân tộc hay nàng công chúa.

LÂM KHÔI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hinh-tuong-rong-qua-cac-thoi-ky-post726067.html