Hình tượng Bà Triệu qua tâm thức dân gian

Trong danh sách dài những nhân vật lịch sử đã gắn liền với tiến trình dựng nước và giữ nước, ít có nhân vật nào như Bà Triệu khi không chỉ được phong 'Thần', mà còn đi vào các truyền thuyết, huyền tích dân gian để luôn sống trong tâm thức Nhân dân.

Khách thập phương thành kính dâng hương, chiêm bái Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh tại di tích đền Bà Triệu.

Cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu lãnh đạo năm 248 có ảnh hưởng sâu rộng trong toàn Giao Châu, được xem là đỉnh cao của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hồi thế kỷ II – III sau CN. Ngay từ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa, khi hai anh em họ Triệu tập lực lượng ở vùng quê nhà Quan Yên và được Nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Tương truyền, hàng đêm cứ vào giờ Tý đến giờ Sửu, trên núi Quan Yên lại văng vẳng tiếng vọng như lời thần linh truyền lời “hịch”, rằng: “Có Bà Triệu Tướng/ Vâng lệnh trời ra/ Trị voi một ngà/ Dựng cờ mở nước/ Lệnh truyền sau trước/ Theo gót Bà Vương. Người dân trong vùng đồn rằng: Lời của thần linh hàng đêm trên đỉnh núi vọng về báo hiệu cho dân chúng biết Triệu Trinh Nương là tướng nhà Trời được cử xuống để giúp dân trừ giặc, diệt ác. Lời “hịch” ấy đã lan rộng ra khắp quận Cửu Chân, như một lời hiệu triệu trai tráng khắp nơi tề tựu về đất Quan Yên xin được gia nhập nghĩa quân, luyện tập võ nghệ, rèn đúc vũ khí chờ thời cơ nổi dậy đánh đuổi giặc Ngô xâm lược.

Còn ở thôn Cẩm Trướng (xã Định Công, Yên Định) có truyền thuyết về con voi trắng một ngà hung dữ, hay phá hoại mùa màng. Để trừ hại cho dân làng, Bà Triệu đã cho người vây, lùa voi xuống đầm lầy (vùng sông Cầu Chày lầy lội), sau đó Bà nhảy lên đầu và thu phục được voi. Từ đó trở đi, con voi hung dữ ấy trở thành vật cưỡi trung thành, đã sát cánh cùng Bà trải qua nhiều trận chiến ác liệt. Ngoài ra, còn có truyền thuyết về “Đá biết nói”. Tương truyền, trong những ngày đầu Bà Triệu tụ nghĩa, đã đục núi Quan Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao: “Có Bà Triệu tướng/ Vâng lệnh trời ra/ Trị voi một ngà/ Dựng cờ mở nước/ Lệnh truyền sau, trước/ Theo gót bà Vương”, nhằm để báo hiệu cho dân chúng biết Bà Triệu là “Thiên tướng giáng trần” giúp dân, cứu nước. Ngoài ra, trên địa phận xã Định Công, giới khảo cổ đã tìm thấy di tích vật chất có niên đại cùng thời với núi Đọ. Dưới chân núi Quan Yên, trên cánh đồng Nếp Bắt (một làng cổ thời Đông Sơn muộn), có một khu mộ táng cổ từ thời Đông Hán – Lục Triều ở Cồn Bạng, Cồn Chùa với nhiều trống đồng cổ loại muộn...

Cũng theo truyền thuyết kể lại, núi Nưa cách quê Bà hơn 30 km là căn cứ của nghĩa quân. Sau một thời gian gấp rút xây dựng lực lượng, nghĩa quân Bà Triệu đã tấn công thành Tư Phố - “đại bản doanh” của bọn Thái thú, Đô úy và tập đoàn quan lại của nhà Ngô. Cuộc tấn công giành thắng lợi, Bà Triệu đưa quân vượt sông Mã, tiếp tục tấn công xuống Bồ Điền. Truyền thuyết và thần tích của vùng này cho biết, Bà Triệu được sự trợ giúp của ba vị tướng họ Lý, đã xây dựng liên tiếp 7 đồn lũy và 1 đồn quân doanh. Cũng ngay tại đất Bồ Điền đã diễn ra 30 trận đánh lớn nhỏ giữa nghĩa quân của Bà Triệu và quân Ngô... Bên cạnh các truyền thuyết, còn có nhiều câu chuyện về tình cảm sâu sắc của Nhân dân đối với Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa. Đó là câu chuyện về một ông già mù đã đi khắp nơi, dùng tiếng đàn tiếng hát của mình để khuyến khích, cổ vũ dân chúng tham gia khởi nghĩa; chuyện về bà già bán nước đã biếu cả chõng chuối, chum nước chè xanh khi nghĩa quân đi ngang qua và tha thiết xin cho con gái được gia nhập nghĩa quân giết giặc...

Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đã có sức công phá mạnh mẽ. Song do tương quan lực lượng chênh lệch, lại bị vây hãm suốt nhiều tháng ròng, Bà Triệu buộc phải mở trận quyết chiến với kẻ thù. Và trong trận chiến cuối cùng trên đất Bồ Điền (ngày 22-2 âm lịch năm 248), Bà Triệu đã hy sinh trên đỉnh núi Tùng. Theo Sự tích về ba ông họ tướng họ Lý hiện lưu giữ tại đình làng Phú Điền, thì Triệu Trinh Nương sau khi hóa lập tức côn trùng đùn thành mộ lớn, từ đó đặt tên là Hối Sơn thần. Tương truyền, thời Lý Nam Đế (544-548), Bà Triệu hiển thánh phù trợ nhà vua đánh giặc Lâm Ấp. Khi thắng trận trở về, nhà vua đã cho lập miếu thờ tại Bồ Điền (nay là làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, Hậu Lộc), phong Bà là “Bật chính anh liệt hùng tài Trinh Nhất phu nhân. Đến đời vua Lý Thái Tông (1039-1041), thần Hối Sơn đã âm phù giúp vua đánh thắng giặc Chiêm. Sau khi dẹp giặc, vua trở về làm lễ tạ ơn tại miếu thiêng; phong Bà là Thượng đẳng thần, Đương cảnh Thành hoàng Hối Sơn phương anh, trợ thuận tôn linh công chúa; rồi cấp cho dân làng 7 khu ruộng, 700 quan tiền, miễn binh dịch tạp dịch...

Có thể nói, cùng với chính sử, những truyền thuyết, huyền tích, thần tích, truyện kể dân gian về Bà Triệu còn được lưu giữ cho đến ngày nay, là một phương diện phản ánh tầm ảnh hưởng của Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trong lịch sử; đồng thời, cho thấy sức sống mãnh liệt của hình tượng Bà Triệu trong tâm thức dân gian, hay nhận thức và tình cảm của Nhân dân. Để rồi, khi nhắc nhớ đến nhân vật lịch sử đầy sống động này, hậu thế không khỏi tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa mà cha ông ta đã dày công vun đắp.

Bài và ảnh: Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/hinh-tuong-ba-trieu-qua-tam-thuc-dan-gian/180775.htm