Hình phạt thích đáng cho 'đại bàng' trong trại

Đào Trung Hạo là một gã giang hồ có tiếng, nên khi phạm tội, bị Công an quận 6 bắt tạm giam vào buồng D, Hạo tự cho mình là “đại bàng”, và “tự phong” mình là “trưởng buồng”.

Đầu tháng 7/2016, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử vụ án “giết người” xảy ra ngày 3/2/2015, tại buồng giam D, nhà tạm giam công an quận 6.

Các bị cáo gồm Đào Trung Hạo, sinh năm 1983, trú tại huyện Bình Chánh; Châu Lễ Hiền, sinh năm 1987, ngụ huyện Bình Chánh; Ngô Tiến Nam, sinh năm 1975, ngụ tại thành phố Nam Định; Lý Văn Phong, sinh năm 1984, ngụ tại quận Gò Vấp, và Trần Đình Minh, sinh năm 1986, ngụ quận Gò Vấp, đều bị Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh truy tố về tội danh trên, theo khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, thì Đào Trung Hạo là một gã giang hồ có tiếng, nên khi phạm tội, bị Công an quận 6 bắt tạm giam vào buồng D, Hạo tự cho mình là “đại bàng”, và “tự phong” mình là “trưởng buồng”.

Tại buồng D, ngoài Hạo, còn có Hiền, Nam, Phong, Trí, Nghĩa, Vũ, Minh. Hạo chia mọi người thành hai chiếu. Chiếu trên gồm Hạo, Hiền, Nam, Phong, những người còn lại thuộc chiếu dưới.

Theo “luật” bất thành văn do Hạo đặt ra, thì những người ở chiếu dưới phải hầu hạ, phục vụ những người ở chiếu trên. Gia đình ai tiếp tế, có thứ gì ngon nhất phải dành cho người ở chiếu trên ăn trước, còn thừa mới được ăn.

Trời nóng, người chiếu dưới phải quạt cho người chiếu trên. Mỗi khi người chiếu trên mệt mỏi hay đau mình đau mẩy, người chiếu dưới phải đấm bóp. Ngoài ra, người chiếu dưới còn phải lau dọn buồng giam, rửa bát, giặt quần áo, lau chùi khu vực vệ sinh...

Ngày 3/2/2015, Nguyễn Thế Nhân, sinh năm 1995, bị Công an quận 6 bắt khẩn cấp về hành vi trộm cắp, và được đưa về tạm giam tại buồng D. Hạo xếp Nhân vào chiếu dưới, và cũng theo “luật” do Hạo đặt ra, thì trước lúc “nhập buồng”, Nhân phải ngồi xếp bằng trước mặt Hạo, hai tay quặt ra đằng sau để nghe Hạo thông báo nội quy, phân công công việc, nếu cãi lại sẽ bị đánh.

Thấy Hạo bắt ngồi và chỉ chỗ, Nhân ngồi nhưng không xếp bằng mà ngồi xổm. Hạo hỏi:

- Mày có biết ngồi không?

Nghe vậy, Nhân không thèm trả lời mà đứng dậy xông lại chỗ Hạo định đánh. Hạo đấm vào mặt Nhân, Nhân đánh lại, khiến Hạo lùi lại phía sau, ngã. Thấy Hạo ngã, Nhân xông đến đè lên người Hạo, nhưng bị Hiền, Nam, Phong đến kéo ra, và cả bọn ra sức đấm đá, đánh Nhân túi bụi.

Sau trận đánh, Hạo bảo Minh phát quần đùi, khăn mặt cho Nhân đi tắm. Tắm xong, Nhân xin phép nằm nghỉ và được Hạo đồng ý. Khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, Minh gọi Nhân dậy ăn cơm. Sau bữa cơm, Nhân tiếp tục bị cả bọn xúm vào đánh.

Khoảng 18 giờ, cả bọn ngừng tay để uống cà phê. Thấy mệt, Nhân tiếp tục xin Hạo cho nằm xuống nhưng Hạo không đồng ý. Thấy Nhân tự ý nằm xuống, Hạo cùng Nam, Minh, Phong, Hiền tiếp tục lôi Nhân dậy đánh. Nam dùng tay trái kéo tay Nhân lên cao rồi dùng tay phải đấm vào sườn, vào ngực Nhân, Hạo đá liên tiếp vào người Nhân, còn Hiền đạp vào đầu Nhân, khiến Nhân ngã gục xuống sàn.

Thấy Nhân thở gấp, Hạo bảo Hiền báo với cán bộ quản giáo đưa Nhân đi cấp cứu. Nhưng khoảng 19 giờ thì Nhân tử vong. Kết luận giám định pháp y cho thấy, nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não.

Chủ tọa phiên tòa hỏi Đào Trung Hạo:

- Bị hại không có thù oán gì với bị cáo, tại sao bị cáo lại hành hung bị hại một cách dã man như vậy?

- Dạ, thưa quý Tòa, vì Nhân không tuân theo quy định của buồng giam, nên bị cáo mới răn dạy để Nhân biết phục tùng, chứ bị cáo không có ý định làm Nhân chết.

- Ban giám thị trại tạm giam đã ban hành nội quy chung của trại. Bất cứ bị can nào, khi vào trại đều có nghĩa vụ chấp hành, làm gì còn quy định của buồng giam nào nữa? Có phải những quy định đó do bị cáo tự đặt ra không?

- Dạ thưa, đúng ạ. Vì bị cáo muốn giúp các cán bộ của trại duy trì kỷ luật trong buồng giam, không để xảy ra chuyện lộn xộn ạ.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo, đặc biệt là 3 bị cáo Đào Trung Hạo, Châu Lễ Hiền, Ngô Tiến Nam mang tính côn đồ. Đã là bị can trong một vụ án khác, bị tạm giam nhưng các bị cáo vẫn không ăn năn hối cải, vẫn coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, cố ý phạm thêm tội mới, gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, là tước đi sinh mạng của một bị can cùng phòng.

Xét thấy Hạo, Hiền đã không còn khả năng cải tạo, cần phải loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Các bị cáo còn lại, cũng cần có hình phạt nghiệm khắc, cách ly khỏi xã hội một thời gian dài, mới đủ sức răn đe.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử kết luận: Các bị cáo đã phạm tội “giết người” được quy định tại khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự. Tuyên phạt Đào Trung Hạo, Châu Lễ Hiền mức án tử hình. Phạt Ngô Tiến Nam tù chung thân. Phạt Trần Đình Minh 20 năm tù, phạt Lý Văn Phong 14 năm 10 tháng tù.

Vụ án phản ánh một vấn nạn trong các trại tạm giam, đó là nạn “cá lớn nuốt cá bé”, nạn “đại bàng”, “đầu gấu”. Không ít bị can khi bị tạm giam, đã bị bọn “đại bàng”, “đầu gấu” này hành hạ, tra tấn, khiến họ bị đau đớn về thể xác, hoảng loạn về tinh thần.

Nhiều người đã chết hay phải mang thương tật vĩnh viễn, mà ngoài vụ án này, vụ mới nhất là vụ Đỗ Đăng Dư, cũng bị bạn tù cùng buồng giam tại trại tạm giam công an TP Hà Nội đánh chết, là một ví dụ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hinh-phat-thich-dang-cho-dai-bang-trong-trai-post179982.html