Hiệu ứng tích cực từ dự án phục hồi chức năng toàn diện

Với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật và gia đình thông qua cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) toàn diện theo định hướng đa chuyên ngành, Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) đã triển khai hợp phần dự án 'PHCN toàn diện cho trẻ khuyết tật' tại 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh. Ở Bình Phước, dự án đang triển khai giai đoạn 1 tại TP. Đồng Xoài.

Khám, đánh giá và lập kế hoạch

Dự án “PHCN toàn diện cho trẻ khuyết tật” trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật từ 0 đến 16 tuổi, thông qua triển khai mô hình cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện theo định hướng đa chuyên ngành; phát triển và xây dựng năng lực hệ thống cung cấp theo định hướng đa chuyên ngành và cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện cho trẻ khuyết tật. Qua đó phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật có thể làm giảm tỷ lệ và mức độ khuyết tật ở trẻ em.

Phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật có thể làm giảm tỷ lệ và mức độ khuyết tật ở trẻ em

Phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật có thể làm giảm tỷ lệ và mức độ khuyết tật ở trẻ em

“Đây là chương trình can thiệp hoàn hảo nhất hiện nay và phát triển trong tương lai. Chương trình mới đưa ra hướng tiếp cận đa chuyên ngành về PHCN, vật lý trị liệu và ngôn ngữ trị liệu, có nhiều chuyên gia tham gia khám, trị liệu khám cho trẻ khuyết tật. Vì vậy, việc đánh giá và lập kế hoạch sẽ giúp điều trị chính xác cho trẻ khuyết tật” - bác sĩ CKI Lâm Thị Xuân Nguyệt, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Việc tổ chức khám, đánh giá và lập kế hoạch can thiệp cho trẻ khuyết tật nhằm phát hiện sớm và can thiệp sớm đối với trẻ theo hướng PHCN đa chuyên ngành. Theo đó, tham gia dự án, tùy tình trạng và dạng khuyết tật, trẻ sẽ được lập kế hoạch can thiệp cụ thể theo phác đồ ngắn hạn (3 tháng) hoặc dài hạn (6 tháng) với những hướng can thiệp khác nhau, giúp trẻ khuyết tật phục hồi sớm nhất.

Mong những điều tốt nhất cho trẻ

Cháu Trần Khải Hoàn (SN 2015) ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú có tiền sử sốt co giật từ nhỏ, thường sốt 37-38oC về đêm nên lớn lên phát triển chậm hơn các bạn. Anh Trần Thanh Túy, cha của cháu Hoàn chia sẻ, mặc dù đã học qua lớp 1 nhưng Hoàn vẫn còn ngọng, chưa nói lưu loát, kém tập trung nên gia đình đăng ký tham gia dự án “PHCN toàn diện cho trẻ khuyết tật” với mong muốn con phát triển trí não theo đúng chu kỳ phát triển.

Chị Đặng Thị Hồng Linh ở tổ 4, ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú có 2 con đều phát triển chậm. Khi tham gia dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật” do USAID tài trợ, chị thấy con đã có sự thay đổi tích cực nên tiếp tục đăng ký tham gia dự án. Chị Linh chia sẻ: Con đầu nhà mình chậm phát triển trí não. Năm 2019, tham gia dự án thấy con có nhiều thay đổi, đi đứng được, con nói rõ hơn, biết tập trung hơn và nay con đang theo học tại trường chuyên biệt. Còn con thứ 2 từ lúc sinh ra cũng yếu và phát triển chậm hơn so với các bé cùng trang lứa. Tham gia dự án can thiệp, con biết lật, bò, giờ đang tập cho con tự đứng và đi. Con cũng đã gần 2 tuổi nhưng vẫn chưa đi được. Mình thấy dự án rất hữu ích nên tiếp tục đăng ký trị liệu cho con.

Hay như trường hợp của bé N.Đ.Đ.K (SN 2021) ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài bị giãn não thất bẩm sinh. Chị Lê Thị Nga, mẹ của bé Đ.K tâm sự, dù đã hơn 9 tháng tuổi nhưng con vẫn chưa thể tự lật nên gia đình tham gia tập vật lý trị liệu cho con với mong muốn con được can thiệp và phát triển bình thường.

Từ kết quả chẩn đoán và mục tiêu can thiệp, trẻ khuyết tật sẽ được các chuyên gia trung ương phối hợp với kỹ thuật viên tại địa phương cung cấp các dịch vụ vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, chăm sóc và cung cấp dụng cụ trợ giúp. Các can thiệp này đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ khuyết tật, sẽ góp phần cải thiện chức năng thể chất, nhận thức và giao tiếp của trẻ, hướng tới cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, giúp trẻ khuyết tật xóa bỏ những rào cản trong cuộc sống để hòa nhập cộng đồng và xã hội tốt hơn.

Bác sĩ CKI Lâm Thị Xuân Nguyệt cho biết thêm: Chương trình chức năng toàn diện luôn hướng cha mẹ, người nhà là trung tâm để cùng với tổ chuyên gia điều trị phục hồi chức năng cho trẻ. Vai trò của cha mẹ, người nhà rất quan trọng trong việc đồng hành với trẻ trong quá trình can thiệp. Cha mẹ được hỗ trợ tập huấn những kiến thức, kỹ năng cần thiết, hỗ trợ kỹ thuật và các bài tập PHCN phù hợp để can thiệp cho trẻ tại nhà; hướng dẫn trẻ làm một số kỹ năng độc lập… cũng như hướng dẫn trẻ chuyển tiếp từ bối cảnh gia đình sang các bối cảnh ngoài gia đình.

Tại TP. Đồng Xoài, hơn 60 trẻ khuyết tật đã được đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên và chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về khuyết tật trẻ em, kinh nghiệm thực hiện cung cấp dịch vụ PHCN theo tiếp cận đa chuyên ngành trực tiếp khám, lập kế hoạch can thiệp. Các chuyên gia cũng thực hiện hướng dẫn lâm sàng cho đội ngũ y, bác sĩ để từng bước định hình và phát triển mô hình PHCN theo định hướng đa chuyên ngành tại địa phương.

Ngọc Quế

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/135114/hieu-ung-tich-cuc-tu-du-an-phuc-hoi-chuc-nang-toan-dien