Hiệu ứng tháng Giêng: Chương mới cho năm 2024

Tâm lý thị trường thường tích cực hơn trong tháng Giêng, là tiền đề cho dòng tiền tái gia nhập thị trường, dịch chuyển từ các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối, tiết kiệm… sang chứng khoán.

Hiệu ứng tháng Giêng là gì?

Hiệu ứng tháng Giêng (January Effect) là thuật ngữ nói về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong những phiên cuối của tháng 12 năm trước và tiếp diễn trong tháng Một năm sau. Đây chỉ là chù kỳ tăng ngắn hạn, đặc biệt là đối với những cổ phiếu giá rẻ, có vốn hóa nhỏ, thường có những nhịp tăng rõ rệt trong tháng đầu năm. Hiệu ứng này sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư cổ phiếu mua vào với mức giá thấp hơn từ tháng 12 năm trước và bán lại sau khi giá trị của chúng tăng lên vào năm sau.

Có rất nhiều giả thuyết về các yếu tố tạo nên hiệu ứng tháng Giêng, trong đó phổ biến nhất là các nguyên nhân sau: Vào thời điểm cuối năm, nhà đầu tư thường có xu hướng bán đi các cổ phiếu có hiệu suất kém để ghi nhận các khoản lỗ, nhằm giảm đi thuế thu nhập của họ, khiến giá cổ phiếu giảm và sang đầu năm mới, họ sẽ trở lại thị trường và tái đầu tư vào các cổ phiếu đã bán.

Ngoài ra, hiệu ứng tháng Giêng còn chịu ảnh hưởng bởi tâm lý các nhà đầu tư. Họ thường lạc quan hơn về tương lai và cho rằng đầu năm là một thời điểm tốt để bắt đầu xây dựng danh mục cổ phiếu nắm giữ.

Việc nhận tiền thưởng vào cuối năm cũng đóng vai trò trong hiệu ứng tháng Giêng. Vào thời điểm này, nhà đầu tư thường có một số tiền dư dả sau khi nhận các khoản thu nhập bổ sung từ lương thưởng

Bảng 1: Thống kê tăng giảm VNINDEX vào tháng giêng hằng năm

Như vậy, xét trong 23 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index có số lần tăng điểm trong tháng Giêng nhiều hơn là giảm điểm (với 13/23 lần tăng điểm). Mức giảm cao nhất là -11,83% vào năm 2002 và mức tăng cao nhất là +38,52% năm 2007. Vào các năm 2004 và 2014, mức tăng của VN-Index trong tháng Giêng lần lượt là 23,38% và 10,28%.

Bứt phá đầu năm

Diễn biến thị trường những phiên giao dịch cuối năm 2023 khá tích cực, nhờ lực đỡ đến từ nhóm VN30. Tuy nhiên, đà tăng chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu nhất định trong từng phiên với lượng thanh khoản đột biến do tâm lý giao dịch của nhà đầu tư vẫn mang tính chất nắm giữ ngắn hạn.

Đầu năm 2024, thị trường hưng phấn sớm, duy trì đà hồi phục 4 phiên liên tiếp, thanh khoản dù còn dè dặt nhưng đã xuất hiện sự bứt phá trong phiên giao dịch 4/1 với giá trị giao dịch "tỷ đô", cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đã thoải mái hơn khi giải ngân.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, thị trường đang rất mong chờ hiệu ứng tháng Giêng ở năm mới 2024, dựa trên sự kỳ vọng dòng tiền tất toán trước năm tài chính cũ sẽ tái gia nhập trở lại, cũng như sự dịch chuyển dòng tiền từ các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối, tiết kiệm… sang chứng khoán. Đặc biệt, thị trường đã xuất hiện tín hiệu tích cực từ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khi thu hẹp đà bán ròng. Thị trường vàng cũng bắt đầu có những tín hiệu hạ nhiệt sau đợt đầu cơ mạnh mẽ.

“Số liệu vĩ mô quý IV và cả năm 2023 công bố cuối tuần qua, tôi thấy dù số liệu không thực sự tích cực nhưng cũng cho thấy nền kinh tế có thể đã đi qua giai đoạn xấu nhất rồi, nên khó có thể xấu hơn được nữa”, ông Sơn nhận định.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS cho biết, mọi thông tin đã và đang phản ánh vào diễn biến giá: VN-Index nằm dưới vùng 1.150 - 1.200 điểm. Triển vọng vĩ mô quý I/2024 sẽ tốt hơn khi tín hiệu từ hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư FDI vào Việt Nam, các dự báo tăng trưởng của cả năm 2024 tích cực hơn 2023 chính là lúc mà thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội hồi phục rõ nét hơn – Đầu tư công, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều triển vọng tốt.

“Tôi nghĩ thị trường sẽ thực sự bứt phát ngay ở giai đoạn tháng 1/2024 khi nhiều yếu tố đang ủng hộ”, ông Khánh chia sẻ.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/hieu-ung-thang-gieng-chuong-moi-cho-nam-2024.html