'Hiệu ứng chia cổ tức' của Vietcombank tiếp tục đẩy VN-Index lên cao

Cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường bất ngờ tăng kịch trần nhờ thông tin chia hết lợi nhuận giữ lại trong năm 2022, giúp chỉ số VN-Index bật tăng mạnh, trở về vùng đỉnh cũ gần nhất là giữa năm 2023.

Cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank đã làm “dậy sóng” thị trường chứng khoán hôm nay, khi đảo chiều tăng trần ngay từ đầu phiên chiều. Theo đó, thị giá cổ phiếu đắt giá nhất nhóm ngân hàng đã lên mức 97.400 đồng/cổ phiếu, tăng đến 9,56% kể từ đầu tuần.

Thông tin có tác động tích cực đến cổ phiếu là việc Vietcombank công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 27-2 với nội dung thống nhất về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, để xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Vietcombank muốn dùng hết lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông, nhằm tăng vốn điều lệ.

Số lợi nhuận này hiện là 21.680 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ của ngân hàng là 55.891 tỉ đồng (tăng lên sau khi chia cổ tức trong năm 2023, đây là phần cổ tức tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và năm 2020).

Diễn biến giá cổ phiếu VCB kể từ đầu năm 2024. Nguồn: Vietstock.

Trở lại thị trường chứng khoán, VCB là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, đóng góp với hơn 9 điểm tăng. Trong khi đó, chỉ số VN-Index kết phiên ngày 28-2 tăng hơn 17 điểm, tương ứng tăng 1,38%, lên mức 1.254,55 điểm.

Trên thực tế, diễn biến phiên giao dịch buổi sáng lại trái ngược với sự lạc quan của phiên chiều, khi hầu hết các nhóm ngành nghề đều điều chỉnh sau phiên tăng mạnh hôm qua (VN-Index tăng 1,1% nhờ nhóm cổ phiếu thép, bất động sản và dầu khí). Bệ đỡ trong phiên giao dịch là nhóm cổ phiếu dầu khí và phân bón, trong đó đáng kể là mã PVD tăng trần và vẫn giữ mức tăng này cho đến hết phiên giao dịch.

Nhờ “hiệu ứng cổ phiếu VCB”, phiên hôm nay cũng ghi nhận “sức kéo” từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn là “trụ” của thị trường, chẳng hạn như nhóm cổ phiếu ngân hàng khác, hay nhóm cổ phiếu thuộc họ Vingroup (nổi bật là VRE tăng 5,3%). Ở nhóm VN30, có đến 25 mã tăng, 2 mã giảm và 3 mã tham chiếu.

Dù vậy, sự tích cực không lan tỏa đều ở nhiều cổ phiếu khác, dù độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên mua, với 417 mã tăng và 335 mã giảm.

Cổ phiếu VCB tăng trần kéo theo nhiều cổ phiếu khác đảo chiều từ sắc đỏ sang sắc xanh vào gần cuối phiên chiều. Nguồn: Vietstock.

Thanh khoản thị trường ghi nhận có sự giảm nhẹ so với phiên hôm qua, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 900 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng hơn 21.000 tỉ đồng. Điểm tích cực là khối ngoại đẩy mạnh mua ròng với giá trị hơn 220 tỉ đồng, tập trung ở nhóm cổ phiếu HPG, MSB và TPB.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, thị trường tăng điểm phiên hôm nay chủ yếu nhờ sự “nâng đỡ” từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự lan tỏa ra phần còn lại của thị trường.

Do đó, nhóm này khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có tín hiệu dòng tiền vào ổn định và có dấu hiệu “xây nền” chắc chắn. Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index kết phiên tăng điểm thuyết phục, các chỉ báo theo ngày vẫn cho thấy VN-Index vẫn còn nằm trong nhịp tăng trung hạn.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hieu-ung-chia-co-tuc-cua-vietcombank-tiep-tuc-day-vn-index-len-cao/