Hiệu trưởng ĐHSP Thể dục Thể thao Hà Nội nêu 2 lý do tuyển trình độ thạc sĩ khó

Từ năm 2021 đến năm 2022, tổng thu của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội tăng mạnh từ 46,246 tỷ đồng lên 74,192 tỷ đồng (tăng hơn 27 tỷ đồng).

Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội (địa chỉ tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tiền thân là Trường Thể dục Thể thao, được thành ngày 27/02/1961.

Theo thông tin trên website của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, nhà trường có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giáo dục thể chất, thể dục thể thao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giáo dục thể chất, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu phát triển của hội nhập.

Tầm nhìn đến năm 2030, nhà trường sẽ trở thành trường đa ngành, có uy tín về đào tạo Giáo dục thể chất, Thể dục thể thao; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; chăm sóc sức khỏe, đào tạo tài năng thể thao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.

Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội là Tiến sĩ Phùng Xuân Dũng; Hiệu trưởng nhà trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết.

Nhà trường đào tạo 2 ngành trình độ đại học (là ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh, ngành Giáo dục thể chất) và đào tạo sau đại học ngành Giáo dục học.

Nguồn ảnh: website Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua báo cáo ba công khai một số năm học gần đây, tổng quy mô đào tạo của trường có xu hướng giảm.

Quy mô đào tạo giảm do giảm chỉ tiêu tuyển sinh

Cụ thể, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo của trường giảm từ 1.682 người xuống còn 1.517 người (giảm 165 người).

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội. Số liệu thống kê theo báo cáo ba công khai các năm học gần đây, đơn vị: người. (Bảng: Nguyễn Mai)

Lý giải nguyên nhân giảm quy mô đào tạo của trường, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cho biết, nhà trường thực hiện tuyển sinh theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho. Với số chỉ tiêu được giao, nhà trường đều tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu. Quy mô đào tạo của trường giảm là do chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường giảm.

Cụ thể, theo thầy Quyết, năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường 296 chỉ tiêu tuyển sinh ngành Giáo dục thể chất.

Năm 2022, Bộ giao cho trường 346 chỉ tiêu ngành Giáo dục thể chất và 30 chỉ tiêu ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

Năm 2023, Bộ giao cho trường 161 (giảm 185 chỉ tiêu so với năm 2022) chỉ tiêu tuyển sinh ngành Giáo dục thể chất và 20 (giảm 10 chỉ tiêu so với năm 2022) chỉ tiêu ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

Về quy mô đào tạo thạc sĩ, theo bảng số liệu trên cho thấy, từ năm học 2020-2021 (191 người) đến năm học 2022-2023 (83 người), quy mô đào tạo thạc sĩ của trường giảm hơn 100 người.

Theo thầy Quyết, hiện trường đang đào tạo 01 ngành Giáo dục học trình độ thạc sĩ - mã số 8140101 theo Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngành Giáo dục học của trường đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với chuyên ngành Giáo dục thể chất.

Quy mô đào tạo thạc sĩ của trường giảm là do 2 nguyên nhân chính, theo thầy Quyết:

Thứ nhất, năm 2022, thực hiện Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, nhà trường căn cứ vào năng lực đào tạo hiện có và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, năm 2022, nhà trường xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ là 56 chỉ tiêu (nhưng thực tế tuyển được 40 người). Năm 2023, nhà trường xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh là 56 người (nhưng thực tế tuyển được 43 người).

Thứ hai, Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ yêu cầu đối với người dự tuyển phải “Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam”, và “Có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước thời điểm xét tốt nghiệp; được minh chứng bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam”. Thầy Quyết cho rằng, những yêu cầu này là trở ngại lớn đối với nhà trường trong công tác tuyển sinh đào tạo thạc sĩ.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, trong báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội có quy mô đào tạo trình độ đại học ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh là 22 người, trong khi đó, các năm học trước lại không có số liệu về quy mô đào tạo ngành học này.

Thầy Quyết cho biết, ngày 26/11/2021, nhà trường nhận Quyết định số 4454/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh trình độ đại học (mã ngành 7340208). Vì vậy, từ năm học 2022-2023 nhà trường mới chính thức tuyển sinh ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh với tổng số 22/30 sinh viên theo chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Và năm 2023, nhà trường tuyển được 19/20 chỉ tiêu ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

"Giáo dục Quốc phòng và An ninh là 1 trong 7 môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Do vậy, nhà trường đào tạo ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

Ngoài có giảng viên Giáo dục Quốc phòng và An ninh, nhà trường còn có đội ngũ giảng viên là sĩ quan làm công tác biệt phái giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh nên đáp ứng đủ về cơ cấu, số lượng, đảm bảo chất lượng giảng dạy ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh

Nhà trường cũng đã đào tạo được 7 khóa ghép môn Giáo dục thể chất - Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho 487 giáo viên; đào tạo ngắn hạn cho 208 giáo viên Giáo dục Quốc phòng và An ninh", thầy Quyết chia sẻ.

Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn

Về tài chính, theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2021 đến năm 2022, tổng thu của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội tăng mạnh từ 46,246 tỷ đồng lên 74,192 tỷ đồng (tăng hơn 27 tỷ đồng).

Nguồn thu của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội. Số liệu thống kê theo báo cáo ba công khai một số năm học gần đây (đơn vị: tỷ đồng). Bảng: Nguyễn Mai

Chia sẻ về điều này, thầy Quyết cho hay, nguồn thu của nhà trường chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước cấp (như chi thường xuyên, chi không thường xuyên); từ hoạt động sự nghiệp (như thu học phí sinh viên chính quy, học phí học viên cao học, thu dịch vụ đào tạo theo kế hoạch, thu từ đào tạo Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho sinh viên các trường khác khi đến học ở nhà trường,...) và các nguồn thu hợp pháp khác.

Năm 2022, tổng nguồn thu của nhà trường tăng mạnh so với năm 2021 chủ yếu là do tăng nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp bù học phí, chi phí sinh hoạt cho đối tượng sinh viên hưởng chế độ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và tăng nguồn thu từ việc đào tạo Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

"Nguồn thu từ đào tạo Giáo dục Quốc phòng và An ninh tăng cao là do số lượng sinh viên vào trường để học môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh trong năm 2022 (khoảng 30.000 sinh viên) tăng nhiều hơn so với năm 2021 (khoảng 15.000 sinh viên) - ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng sinh viên năm 2021 bị dồn sang năm 2022.

Ngoài ra, một phần nguồn thu từ đào tạo Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho sinh viên các trường khác năm 2021 được chuyển vào nguồn thu của trường vào năm 2022", thầy Quyết chia sẻ.

Theo báo cáo ba công khai năm học 2021-2022, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội năm 2021 để trống.

Ảnh chụp màn hình từ báo cáo ba công khai năm học 2021-2022 của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội.

Chia sẻ nguyên nhân thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2021 để trống, thầy Quyết cho hay, nguồn thu này của nhà trường chủ yếu từ các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí bằng hình thức giao dự toán đầu năm.

Năm 2021, nhà trường đã kê khai số liệu thu từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ vào chung với dữ liệu thu từ ngân sách nhà nước cấp.

Theo đó, thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường năm 2021 là 488 triệu đồng - "nguồn thu này đã được trường liệt kê vào thu từ ngân sách năm 2021", thầy Quyết cho biết.

Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội có địa chỉ tại xã xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo số liệu trong báo cáo ba công khai, từ năm 2021 đến năm 2022, thu từ học phí của trường giảm khoảng 5 tỷ đồng. Thầy Quyết cho hay, nguồn thu học phí của trường bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước cấp bù học phí cho sinh viên sư phạm, thu học phí từ sinh viên không đăng ký hưởng chế độ theo Nghị định 116, thu học phí cao học, học phí các lớp đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học. Năm 2021, 2022, 2023, số lượng học viên cao học và người học các lớp liên thông của trường giảm nhiều so với các năm trước nên dẫn đến nguồn thu từ học phí của trường bị giảm theo.

Về thu từ nguồn thu hợp pháp khác trong báo cáo ba công khai, từ năm 2021 đến năm 2022, nguồn thu này của trường tăng mạnh khoảng 22 tỷ đồng.

Chia sẻ về nguồn thu này, hiệu trưởng nhà trường cho biết, nguồn thu hợp pháp khác của trường có thu từ dịch vụ đào tạo môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở khu vực Hà Nội. Trong năm 2022, nguồn thu hợp pháp khác tăng mạnh chủ yếu do nguồn thu từ giảng dạy môn học này tăng lên.

"Mặc dù nhà trường còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì kinh phí hoạt động của trường đặc thù về đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất; trụ sở trường đặt tại vùng ngoại thành Hà Nội - nơi kinh tế xã hội chưa thực sự phát triển dẫn đến khó tăng nguồn thu hoạt động dịch vụ; xu hướng tự chủ ngày càng rõ nét dẫn đến nguồn ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên giảm,... nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng ủy, hội đồng trường, ban giám hiệu cùng sự quyết tâm của giảng viên, viên chức, người lao động toàn trường đã giúp nhà trường phần nào tháo gỡ khó khăn về tài chính", thầy Quyết chia sẻ.

Nguyễn Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-dhsp-the-duc-the-thao-ha-noi-neu-2-ly-do-tuyen-trinh-do-thac-si-kho-post241954.gd