Hiệu quả từ đề án bệnh viện vệ tinh

Ngồi dựa lưng vào tường cho đỡ đau, bà Đinh Thị Khoát (58 tuổi, trú tại xã Hải An, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chăm chú theo dõi bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật tiêm thuốc điều trị vào khớp gối cho mình. Ban đầu có thoáng chút lo âu, nhưng khi nghe bác sĩ giải thích cặn kẽ đây là phương pháp mới được các bác sĩ Bệnh viện E chuyển giao, bà thấy yên tâm.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều ca bệnh khó được chẩn đoán kịp thời

Bị đau khớp hơn chục năm nay nhưng bà Khoát vẫn cố chịu đựng mà không đi khám bệnh, một phần vì ngại ra Hà Nội khám bệnh sẽ tốn kém. Gần đây, hai bên khớp gối của bà bị sưng to, đau không thể đi lại được, bà mới đến Bệnh viện đa khoa Khu vực Nghi Sơn để khám và điều trị.

Tiêm nội khớp là thủ thuật dùng kim nhỏ đưa thuốc vào ổ khớp hoặc các phần mềm cạnh khớp để điều trị tại chỗ một số bệnh lý về khớp cho bệnh nhân. Khi tiêm nội khớp, công dụng của thuốc sẽ được phát huy tối đa trên vùng khớp cần được điều trị, hạn chế tác dụng lên toàn bộ cơ thể. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phong Lan, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn, trước đây, khi chưa được Bệnh viện E chuyển giao kỹ thuật này, những bệnh lý như viêm khớp cấp, thoái hóa khớp đều điều trị chung theo phác đồ điều trị kháng sinh, thời gian điều trị dài ngày, tốn kém. "Các bác sĩ của Bệnh viện E đã "cầm tay chỉ việc", chúng tôi đã triển khai ở nhiều bệnh nhân, giúp việc điều trị mang lại hiểu quả rất tốt. Bệnh nhân cũng không phải lên tuyến trên điều trị", bác sĩ Phong Lan cho biết.

Cùng với tiêm nội khớp, kỹ thuật tiêu sợi huyết điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ cũng được Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao từ Bệnh viện E. Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn tiếp nhận khoảng 500- 800 bệnh nhân đột quỵ và di chứng của đột quỵ. Đây là bệnh lý nếu được xử lý đúng kỹ thuật trong khoảng "thời gian vàng" là 5 giờ đầu thì khả năng thành công cao, ít để lại di chứng. Là người trực tiếp đi học và thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ Đỗ Xuân Toàn, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn, đã bớt những đêm dài trăn trở khi số ca đột quỵ được cứu sống kịp thời tại bệnh viện tăng lên, giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Nâng cao năng lực của tuyến cơ sở

Sau khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn đã từng bước tiếp nhận nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân như: Cấp cứu về tim mạch, về chấn thương, một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, đo thông ký hô hấp để phát hiện sớm những bệnh nhân bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Theo Ths.Bs Trần Lê Mơ, nguyên Giám đốc Bệnh viện, không chỉ chuyển giao kỹ thuật theo từng đợt tập huấn, sự kết nối, trao đổi chuyên môn thường xuyên giữa hai bệnh viện đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Nhiều ca bệnh khó đã được chẩn đoán kịp thời, người dân cũng từ đó mà tin tưởng hơn.

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghi Sơn, trong 10 năm qua, nhiều bệnh viện tuyến dưới trên cả nước đã từng bước làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu mà trước đây bệnh nhân chỉ đến tuyến Trung ương mới được thụ hưởng. Năng lực khám và điều trị tuyến cơ sở đã nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giúp giảm chi phí và thời gian cho người dân cũng như giúp giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hieu-qua-tu-de-an-benh-vien-ve-tinh-20230912224734103.htm