Hiệu quả từ các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

Xây dựng gia đình không có bạo lực là trách nhiệm của mỗi người. Ảnh: THIÊN LÝ

Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì và nhân rộng mô hình các đội nhóm, câu lạc bộ (CLB) “Phòng, chống bạo lực gia đình” (PCBLGĐ), “Gia đình phát triển bền vững” (GĐPTBV).

Hoạt động của các đội nhóm, CLB này giúp người dân có thêm cơ hội để nhận thức đúng đắn hơn về giá trị của gia đình, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc; từ đó góp phần giảm tình trạng BLGĐ.

Nhiều điểm sáng

Nhóm PCBLGĐ thôn Phú Diễn Ngoài (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) là một trong những điểm sáng về phong trào PCBLGĐ của tỉnh. Hơn 10 năm nay, nhóm PCBLGĐ này đã trở thành địa chỉ tin cậy của bà con nơi đây.

Theo Trưởng nhóm Trần Quang Bình, từ khi thành lập (năm 2008) đến nay, nhóm PCBLGĐ thôn Phú Diễn Ngoài đã hòa giải, can thiệp và tư vấn cho 32 gia đình có dấu hiệu bạo lực; kịp thời tư vấn 4 cặp vợ chồng có nguy cơ bạo lực; giúp đỡ 1 nạn nhân nữ sơ cứu tại Trạm Y tế xã và tổ chức tuyên truyền, vận động thường xuyên cho đến khi hòa giải thành công; đưa 1 vụ BLGĐ lên cấp trên đề nghị chính quyền địa phương giải quyết theo yêu cầu... “Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhóm còn tăng cường vận động, tuyên truyền đến các gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư... góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của người dân, giảm thiểu dần các vụ BLGĐ gây nhức nhối trong dư luận, tạo sức lan tỏa rộng khắp”, anh Bình nói.

CLB GĐPTBV khu phố Chí Thạnh (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) bước đầu thành lập với 20 gia đình thành viên, đến nay đã duy trì hoạt động và thu hút trên 30 gia đình tham gia. Mặc dù nguồn kinh phí hoạt động của CLB thấp, chỉ nhờ vào sự hỗ trợ tiền nước sinh hoạt của cấp trên và sự đóng góp quỹ tương trợ của hội viên, nhưng hiệu quả mang lại và sức lan tỏa của CLB rất lớn.

Chị Trịnh Thị Nga, Chủ nhiệm CLB này chia sẻ: “Trong sinh hoạt CLB, Ban chủ nhiệm luôn chú trọng về công tác tuyên truyền vận động, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật PCBLGĐ…; lồng ghép tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... Qua đó nâng cao nhận thức của các hội viên và người dân nhằm hạn chế và đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng giới và BLGĐ ra khỏi đời sống xã hội”.

Tạo sức lan tỏa

Không chỉ Nhóm PCBLGĐ thôn Phú Diễn Ngoài hay CLB GĐPTBV khu phố Chí Thạnh, nhiều CLB, đội, nhóm khác cũng đã góp phần hòa giải, giúp các gia đình vượt qua “sóng gió”. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngoài sự nhiệt tình, các thành viên trong nhóm, CLB phải am hiểu pháp luật, có kỹ năng tư vấn, bảo vệ nạn nhân; khi cần thiết có thể phối hợp với lực lượng chức năng can thiệp, xử lý kịp thời. “Từ khi tham gia CLB GĐPTBV ở địa phương, tôi được cập nhật nhiều kiến thức bổ ích về xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng làm vợ, làm mẹ, giáo dục con cái. Từ đó vun đắp gia đình mình đầm ấm”, chị Nguyễn Thị Hải ở khu phố Phú Thọ 3 (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa), thổ lộ.

Theo Sở VH-TT-DL, những năm gần đây, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ BLGĐ giảm dần, từ 699 vụ (năm 2009) còn 127 vụ (năm 2020). Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 311 mô hình PCBLGĐ (trong đó có 276 CLB GĐPTBV, 35 nhóm PCBLGĐ).

Bên cạnh những kết quả bước đầu, công tác PCBLGĐ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc triển khai mô hình PCBLGĐ ở cơ sở còn chậm, chưa đảm bảo được yêu cầu theo kế hoạch đề ra.

Một số mô hình sinh hoạt chưa đều, chưa phát huy được những kinh nghiệm, vốn kiến thức và sự tham gia tích cực của các hội viên; nguồn kinh phí chi hàng năm cho công tác PCBLGĐ còn ít...

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL, nhìn nhận: “Việc thành lập mới các CLB, đội nhóm, duy trì bền vững các mô hình PCBLGĐ đã tạo sức lan tỏa và sự đồng lòng của người dân, nhất là những người trực tiếp làm công tác gia đình tại các thôn, khu phố.

Các nhóm PCBLGĐ, CLB GĐPTBV tại cơ sở đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về PCBLGĐ, bình đẳng giới trong gia đình, hôn nhân gia đình, ứng xử xây dựng gia đình hạnh phúc; đồng thời thực hiện tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và can thiệp, bảo vệ giúp nạn nhân bị BLGĐ ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, những trường hợp đang có mâu thuẫn, xung đột được các thành viên chung tay tìm hướng giải quyết... Với các nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, nhiều mô hình đã thu hút được cả những đối tượng là nam giới tích cực sinh hoạt, tư vấn, trao đổi kinh nghiệm về nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/268042/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-phong-chong-bao-luc-gia-dinh.html