Hiệu quả thiết thực từ Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

Thực hiện Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa và Hội LHPN tỉnh đã phối hợp triển khai tại 16/16 xã biên giới của tỉnh. Thông qua các hoạt động thiết thực, cụ thể, chương trình đã giúp nhiều gia đình chị em cán bộ, hội viên, phụ nữ có thêm kiến thức để nuôi dạy con, không kết hôn sớm, chấp hành tốt vai trò của người công dân. Nhiều hội viên được hỗ trợ sinh kế, đang từng bước cải thiện đời sống kinh tế. Những trường hợp được hỗ trợ mái ấm tình thương đã an cư lạc nghiệp.

Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa và cán bộ BĐBP tỉnh trao lợn giống cho người dân trên địa bàn xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản

Trung Lý là xã khó khăn của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, với gần 8km đường biên giới, 15 bản giáp biên. Những năm trước, tỉ lệ hộ nghèo của xã chiếm 67,72%. Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các đơn vị đã hỗ trợ con giống và thành lập mô hình sinh kế tổ hợp tác chăn nuôi dê, vịt, bò; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc cho các hội viên... Nhờ đó, hội viên, phụ nữ nơi đây đã biết cách tổ chức sản xuất và duy trì, nhân rộng thêm được một mô hình nuôi vịt và tăng thêm số lượng thành viên tham gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều hội viên ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có động lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Chị Vi Thị Ly, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Lý cho biết: “Đến nay, cả 4 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ của xã đều sản xuất hiệu quả, riêng mô hình chăn nuôi bò được trao năm 2019, nay đã sinh sản và trao thêm 6 bê con cho các hộ. Trong sinh hoạt gia đình, các chị đã biết tổ chức, sắp xếp công việc, nuôi dạy con cái, vận động chồng, con tránh xa các tệ nạn xã hội”.

Đưa chúng tôi đi thăm các gia đình hội viên trong xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, chị Lò Thị Tương, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Khương cho biết: “Yên Khương được các đơn vị đồng hành hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Trong đó, Đồn Biên phòng Yên Khương nhận đỡ đầu 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 700 con vịt giống, thức ăn chăn nuôi, 5 tấn xi măng làm các công trình nước sạch, vệ sinh, 370 ngày công lao động hỗ trợ hộ nghèo xây, sửa nhà; tổ chức khám bệnh miễn phí cho 209 người... Từ nguồn hỗ trợ theo Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Hội LHPN xã Yên Khương đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo”.

Hiệu quả nổi bật nhất là, các cấp Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ vùng biên. Tập trung hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế, xóa đói giảm nghèo theo hướng phát huy tối đa nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương. Từ năm 2021 đến năm 2023, các cấp Hội đã trao 12 con bò giống, 3.590 con dê và gia cầm, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng 9 mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ trên 180 tỷ đồng...

BĐBP Thanh Hóa và Hội LHPN tỉnh đã vận động nguồn lực hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi”, tặng hàng ngàn suất quà cho các đối tượng và hỗ trợ phương tiện sản xuất, xây nhà, công trình sinh hoạt. Tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2018-2020 được 11 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 đạt gần 9 tỷ đồng. Cùng với đó, triển khai các hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho hội viên, phụ nữ và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, trong 3 năm qua, BĐBP Thanh Hóa và Hội LHPN tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, phân công cán bộ Hội, cán bộ các đồn Biên phòng xuống các địa bàn bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình khắc phục thiên tai, tuyên truyền, vận động nhân dân và hội viên phụ nữ thực hiện mô hình "5 không, 3 sạch", yên tâm, ổn định cuộc sống; nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước đảm bảo vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sống xung quanh nhà...

Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Thanh Hóa trao gà giống cho hội viên phụ nữ bản Đục, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản

Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, BĐBP Thanh Hóa luôn chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tốt Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, tập trung vào các hoạt động, như: Tặng nhà "Mái ấm biên cương”, quà Tết, bánh chưng, lương thực, thực phẩm, tổ chức "Phiên chợ 0 đồng", thi gói bánh chưng...; tặng quà, học bổng cho các cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” và Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Chỉ tính riêng năm 2023, đã tổ chức tặng một nhà tình thương “Mái ấm biên cương” và 511 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người có uy tín, người tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; tặng 120 suất học bổng cho các cháu học sinh; tổng trị giá trên 564 triệu đồng. Các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức tặng gần 500 triệu đồng tiền mặt, hơn 1.000 bánh chưng, 1.824 suất quà trị giá 1,7 tỷ đồng cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người có uy tín; tặng 250 suất học bổng trị giá 95 triệu đồng cho các cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” và Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 1.480 người, tiền thuốc trị giá gần 50 triệu đồng.

Với cách làm thực chất, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần cùng địa phương các xã biên giới giảm tỉ lệ hộ nghèo khá hiệu quả. Chương trình đã “thắp lửa” cho vùng biên, tạo những chuyển biến tích cực, giúp các hội viên phụ nữ có thêm niềm tin, nghị lực, phấn đấu vượt qua những khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, còn giúp cho các hội viên, phụ nữ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và địa bàn biên giới vững mạnh.

Quốc Toản

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-thiet-thuc-tu-chuong-trinh-dong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong-post462750.html