Hiệu quả mô hình đa giá trị trên vùng mặn

Bắt đầu từ năm 2018, hộ ông Tiêu Hoàng Trung, ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, đã triển khai mô hình giữ ngọt giữa vùng đất lợ, mặn. Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá đây là mô hình đa giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hình thức thuận thiên.

Với diện tích trên 1,5 ha, ông Trung dành hơn 900 m2 để đào ao trữ ngọt, xung quanh trồng cây ăn trái các loại như dừa, mít, sầu riêng, nhãn..., vừa tạo bóng mát, vừa có nguồn trái cây sạch cho con cháu dùng. Ông Trung còn dành riêng diện tích để trồng hoa màu phục vụ bữa ăn gia đình. Dưới ao nuôi nhiều loại cá nước ngọt.

Ông Trung chia sẻ: “Từ năm 2000, huyện Phú Tân bắt đầu chuyển dịch đưa nước mặn vào nuôi tôm, gia đình tôi cũng trong xu thế đó. Hơn 23 năm sống trên nền đất mặn, cây cối trơ trọi, xơ xác, đất hết phì nhiêu, không gian sống không còn trong mát như trước nên tôi quyết định đào ao trữ ngọt, vừa tạo môi trường trong lành, vừa tạo nguồn thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn hằng ngày cho gia đình”.

Mô hình “ốc đảo ngọt” vừa tạo không khí trong lành, vừa nuôi được cá nước ngọt, cải thiện bữa ăn gia đình.

Chưa dừng lại ở đó, đầu năm nay, nhận thấy tôm và cua trong vuông nuôi không phát triển như trước nên ông Trung nghĩ đến việc tìm thức ăn cho cua, mà giá thức ăn công nghiệp cao, cua ăn vào cũng không chắc thịt. "Thức ăn cua thích nhất là cá phi, nhưng cá trong ao nuôi không đủ đáp ứng cho lượng lớn cua trong vuông. Vì thế, tôi quyết định khoanh lại phần diện tích đất dưới ao nuôi cá phi, trên bờ nuôi gà và heo để lấy phân làm thức ăn nuôi cá. Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài”, ông Trung cho biết.

Cua được cung cấp thức ăn đầy đủ sẽ chắc thịt và rút ngắn được thời gian nuôi.

Kỹ sư Tiêu Hoàng Pho, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ), đánh giá: “Mô hình giữ ngọt trên vùng đất lợ, mặn và mô hình nuôi heo thương phẩm kết hợp với cá phi, nuôi cua biển, được thực hiện song song trên cùng diện tích. Thực tế hiện nay, chỉ nuôi tôm, cua thì cho thu nhập rất thấp, nông dân không thể đủ chi phí trang trải cuộc sống gia đình, nếu biết áp dụng hình thức đa giá trị thì thu nhập tăng gấp đôi”.

Ông Trung hiện nuôi 5 con heo để lấy phân làm thức ăn cho cá, lấy cá làm thức ăn cho cua. Giá trị cuối cùng là con cua. Ông Trung cho biết, nếu nuôi heo thì thật sự không lời, chỉ lời tầm 1 triệu đồng/con. Tuy nhiên, vấn đề xử lý môi trường trong ao cũng rất quan trọng. Ðể môi trường nước trong ao sạch và không có mùi hôi thì hằng tuần nên cải tạo nước bằng men vi sinh.

Anh Pho chia sẻ: “Nếu thức ăn trong vuông không đủ cung cấp cho cua thì đến thời điểm cua lột, chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau. Thời điểm này có thức ăn bổ sung sẽ giảm hao hụt”.

“Còn với mô hình giữ ngọt, người dân có thể tận dụng diện tích trên mặt ao để trồng thêm lục bình. Khi lục bình cứng ao thì mang ra vuông tạo bùn, bã hữu cơ làm thức ăn cho tôm. Lục bình ngoài chức năng tạo bóng mát, lọc khí trong ao còn có thể làm phân bón cho cây, nhưng giá trị lớn nhất vẫn là làm thức ăn cho tôm”.

Trên bờ ao trồng được nhiều loại cây ăn trái, đảm bảo không dùng phân thuốc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 ao nước ngọt, riêng huyện Phú Tân có 10 hộ tham gia phát triển mô hình này theo hình thức nuôi thuận thiên, nuôi dưỡng những đối tượng truyền thống, cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình, điều hòa môi trường sống. Mô hình đào ao trữ ngọt phù hợp với xu thế hiện nay là tạo môi trường kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông thôn bền vững.

Thực tế cho thấy, mô hình đa giá trị với hình thức nuôi khép kín vừa tạo môi trường sống trong lành, vừa tạo nguồn thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn hằng ngày đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Ðặc biệt là tạo ra nguồn thức ăn cho tôm, cua, tăng năng suất, thu nhập cho người dân. Ðây là mô hình phát triển bền vững, cần được nhân rộng trong thời gian tới./.

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hieu-qua-mo-hinh-da-gia-tri-tren-vung-man-a30375.html