Hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở Hậu Lộc

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, XDNTM trên địa bàn huyện Hậu Lộc.

Cá thu nướng có xuất xứ từ vùng biển Ngư Lộc.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các xã ven biển

Hậu Lộc là huyện đồng bằng ven biển, có chiều dài bờ biển 12,4 km với 6 xã ven biển. Thời gian qua, các xã ven biển đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giảm nghèo bền vững.

Ngư Lộc là xã có người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, chế biến thủy, hải sản và kinh doanh dịch vụ thương mại. Phát huy tiềm năng, lợi thế của một xã ven biển, những năm qua, xã Ngư Lộc đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản, góp phần xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trên dọc tuyến đê ven biển Ngư Lộc, vị mặn mòi của biển hòa lẫn không khí tấp nập tàu thuyền, buôn bán của người dân. Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Thắng Lộc, là hộ gia đình đã có gần 20 năm gắn bó với nghề nướng cá biển. Nghề này đã đem lại thu nhập cho gia đình chị và tạo thêm việc làm cho người dân. Hiện nay, sản phẩm cá thu nướng của gia đình chị đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc Vũ Huy Bổ cho biết: Là địa phương đất chật, người đông, không có đất sản xuất, người dân chủ yếu dựa vào khai thác, chế biến thủy, hải sản, Ngư Lộc đang được Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Năm 2022-2023, xã được hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường giao thông rải nhựa asphalt, cải tạo nâng cấp rãnh thoát nước; xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và tránh trú bão 2 tầng; xây dựng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2 hạng mục nhà lớp học 2 tầng 8 phòng, khu vệ sinh và tường rào; cải tạo Trường THCS Ngư Lộc và Trường Tiểu học Ngư Lộc 1; xây dựng công trình trạm y tế hạng mục nhà để xe và tường rào...

Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, UBND xã Ngư Lộc phối hợp với MTTQ, các tổ chức đoàn thể huy động sự tham gia đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, ủng hộ, cứu trợ cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ bảo trợ nhân dịp lễ, tết hoặc khi gặp rủi ro đột xuất. Ngoài tạo việc làm tại địa phương, xã còn khuyến khích, vận động người dân đi làm việc tại nước ngoài. Xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động. Cùng với đó, thực hiện các chương trình tín dụng cho vay vốn thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương đã giúp Nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn. Từ tháng 1 đến tháng 9/2023 đã có 1.450 lượt vay với số tiền 82,586 tỷ đồng. Qua chính sách thực hiện ưu đãi cho hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn mà nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.

Nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ được đầu tư trên địa bàn đã giúp cho bộ mặt xã Ngư Lộc có nhiều khởi sắc, KT-XH từng bước phát triển, đời sống Nhân dân dần nâng lên. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, nước sạch, điện... từng bước được đầu tư xây dựng. Nếu như năm 2021, số hộ nghèo xã Ngư Lộc là 121 hộ, chiếm 3,52%; số hộ cận nghèo là 280 hộ, chiếm 8,14%, thì đến tháng 10/2023, số hộ nghèo còn lại là 102 hộ chiếm 2,8%, hộ cận nghèo là 238 chiếm 6,6%.

Chúng tôi đến Minh Lộc - địa phương đang phát triển nghề chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô lớn, đặc biệt là trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm, mang lại hiệu quả, thu nhập cho người dân. Xã là địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi, hiện duy trì 56 trang trại, trong đó hình thành 4 cụm trang trại gia cầm, 2 cụm trang trại nuôi lợn. Tiêu biểu như trang trại nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Văn Tơm, thôn Minh Hải (thuộc cụm trang trại Đồng Biêng) có quy mô 49.000 con/lứa; trang trại nuôi lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Minh Thành quy mô 1.000 con/lứa; trang trại nuôi gà của anh Vũ Văn Khánh, thôn Minh Hùng (thuộc cụm trang trại Mãng Già) có quy mô 10.000 con/lứa; trang trại nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (thuộc cụm trang trại Mãng Già) có quy mô 15.000 con/lứa... Hiện, các trang trại đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, với hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động, chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Ngoài khai thác thủy sản, phát triển chăn nuôi, nhiều địa phương ven biển Hậu Lộc đang phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ như hình thức nuôi tôm sú xen rô phi, tôm sú xen cua; nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở các xã Đa Lộc, Hòa Lộc, Minh Lộc; mô hình tích tụ tập trung đất đai nuôi tôm công nghệ siêu thâm canh trong nhà màng, nhà bạt ở Hòa Lộc, Đa Lộc. Nuôi thủy sản nước mặn tập trung chủ yếu ở xã Hải Lộc, Đa Lộc và Minh Lộc với con nuôi chủ lực là ngao bến tre. Ngoài ra, mô hình nuôi dắt tại những bãi nuôi có nhiều bùn và nuôi ong lấy mật trên những cánh rừng ngập mặn cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Trước đây, gia đình bà Vũ Thị Dược, thôn La Mát, xã Lộc Sơn thuộc diện hộ nghèo của xã. Từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với số tiền 100 triệu đồng, kết hợp các nguồn vay khác, bà đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, vừa chăn nuôi gia cầm, vừa phát triển mô hình cá - lúa, mua thêm máy làm đậu phụ nên kinh tế đã dần ổn định. Qua nhiều năm áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà đã phát huy hiệu quả. Hiện trang trại có 2.000 con vịt đẻ, 4.500 con gà thịt, 1,5 ha ao cá và 2,2 ha lúa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập này không những giúp gia đình trả hết các khoản nợ mà còn thoát khỏi hộ nghèo, cuộc sống dần ổn định.

Gia đình ông Lê Văn Quyền, xã Phong Lộc chăn nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc Vũ Thị Hà cho biết: Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, công tác chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện Hậu Lộc luôn được quan tâm thực hiện. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 307/QĐ-HU ngày 29/6/2022 và phân công tác thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách, theo dõi, hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của chương trình, những mô hình hay, cách làm hiệu quả; giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. Quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo. Hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo.

Huyện Hậu Lộc đang triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo). Đến nay, trên địa bàn huyện có 14 đơn vị đăng ký tham gia thực hiện dự án với 15 mô hình dự án chăn nuôi bò sinh sản và chăn nuôi gà thương phẩm; thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với 8 mô hình sản xuất (mô hình chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi gà thương phẩm, phát triển trồng trọt và diêm nghiệp). UBND các xã, thị trấn đang hoàn thiện các hồ sơ dự án kèm theo gửi tổ thẩm định dự án thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt dự án.

Song song với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình MTQG, huyện Hậu Lộc chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 2.700 lao động, xuất khẩu lao động tăng cao; tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động giảm còn 25,46%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%. Hiện nay, Hậu Lộc đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và đang chờ Trung ương thẩm định, công nhận. Để có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chung sức, chung lòng của các tầng lớp Nhân dân. Tổng số hộ nghèo sau rà soát là 946 hộ, chiếm tỷ lệ 2,04%, giảm 316 hộ so với đầu năm 2023, đạt 110,8% so với kế hoạch tỉnh giao (kế hoạch tỉnh giao 285 hộ). Tổng số hộ cận nghèo sau rà soát là 1.797 hộ, chiếm tỷ lệ 3,87%, giảm 596 hộ so với đầu năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 47,36 triệu đồng/người; năm 2022 đạt 51 triệu đồng/người, năm 2023 ước đạt 59,27 triệu đồng/người.

Trong thời gian tới, huyện Hậu Lộc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, ngành, tầng lớp Nhân dân và người nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Tích cực đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững (trong đó ưu tiên đẩy mạnh xã hội hóa). Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,43% và hộ cận nghèo dưới 3,85%.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hieu-qua-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-o-hau-loc/200884.htm