Hiệu quả chính sách tiền tệ… mong manh

Một lần nữa, hiệu quả của chính sách tiền tệ trở nên mong manh khi lệ thuộc rất nhiều vào việc hiệu chỉnh thước đo sức khỏe hệ thống.

Theo thông tin từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 tại địa bàn Tp.HCM vừa qua, dự kiến trong tháng này Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản cụ thể về việc thực hiện Thông tư 02 (về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro).

Định hướng bước đầu đưa ra, các tổ chức tín dụng sẽ vẫn phải thực hiện Thông tư 02 từ ngày 1/6/2014, sau khi đã được hoãn một năm. Những kiến nghị từ các ngân hàng thương mại về việc tiếp tục lùi thời điểm áp dụng thông tư này đã không được chấp thuận.

Tuy nhiên, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh cần thiết ở một số quy định quan trọng trong Thông tư 02, cũng như có thể có lộ trình từng bước áp dụng. Đây là một hướng tháo gỡ, để tránh hệ thống bị "sốc" áp dụng cơ chế có sức nặng ảnh hưởng này.

Bấy nay, việc trì hoãn Thông tư 02 cũng như kế hoạch điều chỉnh nội dung và lộ trình sắp tới, lý do chính được Ngân hàng Nhà nước và một số chuyên gia đưa ra chủ yếu là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, các ngân hàng có điều kiện để từng bước khắc phục khó khăn... Tựu chung là vì lợi ích của nền kinh tế.

Song, ở một góc nhìn trực diện, mục đích chính cũng là nhằm tạo điều kiện cho việc điều hành chính sách tiền tệ "dễ thở" hơn, dễ đạt được những kết quả mà Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo thời gian qua, cũng như hướng đến trong năm nay. Hay nói cách khác, hiệu quả của chính sách tiền tệ trở nên mong manh trước áp lực thực hiện những cơ chế có sức nặng ảnh hưởng như Thông tư 02.

Tại hội thảo ngày 19/12 vừa qua, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nêu một đánh giá đáng chú ý: "Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, hiệu lực của chính sách tiền tệ vô cùng phụ thuộc vào các điều tiết tài chính và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng".

Có nhiều sự kiện, nhiều nảy sinh trong quá khứ để dẫn lại cho đánh giá trên.

Cho đến thời điểm này chắc chắn nhiều nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu vẫn chưa thể quên cú sốc Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước năm 2007. Nó tạo nên những chấn động sâu rộng và lâu dài trên thị trường, một cú phanh gấp đối với dòng tín dụng đổ vào chứng khoán. Thậm chí, Chỉ thị 03 từng được xem là "tội đồ" khiến thị trường chao đảo, nhiều nhà đầu tư và ngân hàng thương mại thua lỗ trong đầu tư sau đó. Với mối liên hệ mật thiết giữa thị trường vốn và hoạt động ngân hàng, những rúng động và xáo trộn thời điểm đó đã khiến việc điều hành chính sách tiền tệ từ năm 2008 càng thêm khó khăn…

Ba năm sau, một văn bản quan trọng khác của Ngân hàng Nhà nước là Thông tư số 13 quy định các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng khiến thị trường nổi sóng. 14 tổ chức tín dụng đồng loạt phản ứng, Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước phải lần lượt điều chỉnh. Thông tư 13 có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của các ngân hàng, mà phía sau đó là hiệu lực và hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Và nay, đến lượt Thông tư 02. Vài ngày trước khi nó có hiệu lực (1/6/2013), Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định hoãn. Sắp tới, dù dự kiến không hoãn nhưng sẽ có điều chỉnh - được coi như một sự nhượng bộ. Nếu không điều chỉnh và nhượng bộ, hiệu lực và hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn, hay trở nên rất mong manh. Đó hẳn là điều Ngân hàng Nhà nước không mong muốn.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của cuộc hội thảo trên, TS. Võ Trí Thành không tập trung phân tích cho lưu ý của mình, nhưng ông giải thích: phía sau những điều tiết tài chính liên quan đến các tổ chức tín dụng là yếu tố cung tiền.

Theo đó có thể hiểu, nếu áp dụng Thông tư 02 ngay và "thẳng tay", tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ có thay đổi bất lợi, ảnh hưởng ngoài mong muốn đến các dòng vốn và thị trường rất dễ bị xáo trộn.

Trong các phân tích, thảo luận thời gian qua, một số chuyên gia và ngay cả lãnh đạo ngân hàng thương mại quan ngại rằng, nếu áp Thông tư 02, nợ xấu của nhiều ngân hàng đang "đẹp" với trên dưới 3% có thể vọt lên 10%, thậm chí 20%... Các chỉ số tài chính, các tỷ lệ an toàn của họ sẽ bị biến dạng.

Nếu áp Thông tư 02, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt, chi phí trích lập dự phòng dày lên, vốn tự có của các tổ chức tín dụng bị bào mòn, hệ số an toàn vốn giảm thấp, hoạt động cho vay ra càng nghẽn, chi phí hoạt động đội lên thì lãi suất cho vay có thể tăng trở lại để bù đắp, rồi liên quan nữa là thanh khoản hệ thống, tỷ giá… Tức là, có nhiều biến số trong việc điều tiết này.

Càng nhiều biến số, việc điều hành chính sách tiền tệ càng khó chủ động và càng khó đạt hiệu quả. Điều Ngân hàng Nhà nước e ngại, hay sự mong manh của hiệu quả chính sách tiền tệ nằm ở đây.

Có thể định lượng cho một biến số trong chuỗi liên hệ phức tạp trên để tham khảo sức tác động mạnh mẽ của chúng.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2013 vừa qua, ông Dominic Scriven - Trưởng nhóm Công tác Thị trường Vốn - dẫn ra một tính huống đáng chú ý: Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng cuối năm 2012 theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập là 8,6%, còn theo báo cáo và con số công bố chính thức thì chỉ 4,6%.

"Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, giả sử tỷ lệ nợ xấu là 8,6% thì hệ thống ngân hàng cần thêm một khoản tiền tương đương 121 nghìn tỷ đồng (gần 6 tỷ đô-la Mỹ) để đem hệ số an toàn vốn tối thiểu về mức hiện tại là 13,8%", ông Dominic đưa ra tính toán.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10/2013, hệ số an toàn vốn (CAR) bình quân của hệ thống ở mức 13,64%. Giả sử, nếu áp thẳng tay Thông tư 02, nợ xấu thực tế tăng vọt lên, hệ thống ngân hàng sẽ cần một nguồn vốn rất lớn như mức độ mà ông Dominic tính toán để bổ sung cho vốn tự có, giữ cân bằng hệ số CAR. Chắc chắn không thể lập tức bổ sung được nguồn lớn như vậy, mà phản ứng tức thì là CAR của hệ thống và nhiều ngân hàng sẽ rơi thấp, thậm chí xuống mức báo động. Chỉ riêng khía cạnh này cũng đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các nhà băng, đặc biệt là về tín dụng…

Như trên, trước nhiều biến số và các tác động bất lợi đi cùng, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ càng khó khăn, hay rất khó để đạt được những kết quả về kiềm chế lạm phát, giảm được lãi suất, ổn định tỷ giá… như trong thời gian qua.

Ở thế mong manh như vậy, liệu Ngân hàng Nhà nước sẽ dám mạo hiểm?

Theo Tài Chính Việt Nam

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hieu-qua-chinh-sach-tien-te-mong-manh-20140108082636443p145c153.news