Hiểu mình, hiểu nghề để chọn đúng ngành học

Phần lớn thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa để xét tốt nghiệp vừa lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh: THÚY HẰNG

Kết thúc đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nhiều thí sinh phấn khởi vì đề thi không quá khó. Điều này đồng nghĩa điểm thi sẽ cao và sự cạnh tranh trong xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng, nhất là với các trường hot, ngành hot.

Ngành hot cạnh tranh cao

Theo thống kê, năm 2021, nhóm ngành kinh doanh - quản lý thu hút hơn 1,2 triệu nguyện vọng đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu lại chưa tới 120.000. Đây là nhóm ngành có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng nhiều nhất. Đứng thứ hai là nhóm ngành máy tính - công nghệ thông tin với hơn 330.000 nguyện vọng đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu chưa tới 50.000.

Nếu so sánh nguyện vọng đăng ký và chỉ tiêu tuyển sinh thì rõ ràng những ngành học này có tỉ lệ chọi rất cao. Trong khi đầu vào của hầu hết các trường không phải chỉ có phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà còn nhiều phương thức xét tuyển khác. Do đó, tình trạng có quá nhiều thí sinh đổ xô vào một nhóm ngành nào đó để xét tuyển sẽ khiến điểm chuẩn nhóm ngành này tăng mạnh, nhất là nhóm trường top đầu.

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những vấn đề luôn được các chuyên gia tư vấn tuyển sinh lưu ý các thí sinh là xem xét tố chất đặc trưng của ngành học. ThS Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính - marketing, nhận định: “Việc đổ xô vào nhóm ngành kinh doanh - quản lý, một phần do các em cho rằng môi trường làm việc của nhóm ngành này nhẹ nhàng, có cơ hội làm quản lý… Tuy nhiên, cảm nhận đó của các em chưa hoàn toàn chính xác, bởi không có ngành học nào dạy sinh viên ra trường làm giám đốc, CEO ngay được. Chính vì vậy, việc tìm hiểu rõ thách thức và cơ hội của nhóm ngành này sẽ giúp các em có định hướng nghề nghiệp tốt hơn”.

Là đơn vị có đào tạo nhóm ngành kinh doanh - quản lý và công nghệ thông tin, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Truyền thông Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh lưu ý: Với nhóm ngành kinh doanh - quản lý, ngoài niềm yêu thích, tố chất cần thiết có thể kể đến là tư duy logic, sự nhạy bén, linh hoạt, bản lĩnh và chịu được áp lực. Ngoài ra, khả năng tổ chức quản lý công việc, trải nghiệm và kỹ năng mềm cũng là những lợi thế đáng kể. Trong khi đó, với nhóm ngành công nghệ thông tin, tố chất cần thiết là nhạy bén với công nghệ, tư duy logic, kiên nhẫn... và một số kỹ năng bổ trợ như quản lý thời gian, làm việc nhóm…

Có chiến lược khi biết điểm thi để chọn lại ngành

Nếu như năm trước, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng một lần thì năm nay theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ có 3 cơ hội điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học.

Các trường xét tuyển đồng thời nhiều phương thức khác nhau, vì vậy thí sinh cần tận dụng đồng thời các phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển. Ở phương thức xét tuyển điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu như ở thời điểm đăng ký xét tuyển các em chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất để xét tuyển, thì sau khi có kết quả thi, nếu việc chọn lựa này chưa chính xác có thể sử dụng quyền điều chỉnh nguyện vọng để thay đổi.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) khuyên: “Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng dù bao nhiêu nguyện vọng cũng nên lưu ý chọn cùng một ngành ở nhiều trường. Quy chế cho phép mỗi thí sinh có tối đa 3 lần điều chỉnh nhưng các em nên cân nhắc kỹ lưỡng. Chỉ trong trường hợp cần thiết mới nên sử dụng quyền điều chỉnh”.

Rất nhiều học sinh nghĩ rằng muốn làm việc trong một lĩnh vực ngành nghề nào đó thì phải chọn học ngành đó. Điều đáng nói, không chỉ học sinh mà không ít phụ huynh cũng nghĩ như vậy, nên thường định hướng và muốn con mình vào ngành hot. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiểu như vậy là không chính xác vì một lĩnh vực nghề nghiệp cần nhân lực của nhiều ngành khác nhau.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh nêu ví dụ, nhiều người nghĩ muốn làm việc trong ngân hàng bắt buộc phải học ngành ngân hàng. Đây là cách hiểu chưa đầy đủ vì những người làm việc trong ngân hàng tốt nghiệp từ rất nhiều ngành khác nhau: quản trị kinh doanh, nhân sự, văn phòng, kế toán, công nghệ thông tin... Thậm chí học nông nghiệp cũng có thể làm việc ở các ngân hàng.

Tương tự, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), khuyên rằng không phải học ngành báo chí mới làm báo được. Thực tế không ít nhà báo giỏi tốt nghiệp từ các ngành ngoại ngữ, kinh tế, luật, toán, nông lâm... Do vậy, không nhất thiết phải gò bó mình ngay từ đầu khi chọn ngành học.

Cả nước hiện có khoảng 240 trường đại học với gần 400 ngành đào tạo, trong khi có hơn 3.000 nghề khác nhau. Như vậy có thể thấy số ngành rất ít mà số nghề rất nhiều. Điều quan trọng nhất là các em cần biết mình phù hợp với công việc nào, muốn làm gì và nên chọn những ngành học mình có thế mạnh và yêu thích.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/260998/hieu-minh-hieu-nghe-de-chon-dung-nganh-hoc.html