Hiểu đúng về rối loạn nhân cách ranh giới

Theo các chuyên gia, rối loạn nhân cách ranh giới, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội thảo truyền thông với chủ đề “Rối loạn nhân cách ranh giới”. Tại Hội thảo, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi - Vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ về một ca bệnh rối loạn nhân cách ranh giới điển hình là nữ học sinh lớp 8 ở Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Hiện bệnh nhi sống với bố mẹ và em gái. Trước khi mắc bệnh, bệnh nhân là một học sinh ngoan, có học lực khá giỏi và có tiền sử sức khỏe hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, do áp lực học tập, bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã khiến bệnh nhi cảm thấy căng thẳng, ức chế, khó giải tỏa và kiềm chế cảm xúc. Càng ngày, bệnh nhi càng dễ nổi nóng, cáu gắt với mọi người hơn dù trước đó vẫn vui vẻ.

Người thân trong gia đình cũng nhận thấy cảm xúc của bệnh nhi thay đổi thất thường, có biểu hiện bướng bỉnh, không vâng lời người lớn, thiếu tập trung trong học tập.

Khi ở trường, bệnh nhi thường gây sự vô cớ với bạn bè, lúc ở nhà lại hay cáu gắt, mắng chửi em gái. Bệnh nhi thường có cảm giác bị bỏ rơi và cho rằng, bố mẹ không yêu thương mình như trước đây.

Tình trạng này ngày càng tăng dần lên khiến bệnh nhi trở nên thu mình, trầm tính hơn, ít giao tiếp với người thân, bạn bè.

Qua mạng internet, bệnh nhi đã thành lập nhiều hội nhóm với mục tiêu chia sẻ với nhau những điều tiêu cực và hướng dẫn cách giải tỏa cảm xúc bằng việc tự gây thương tích.

Bệnh nhi cũng nhiều lần tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao dọc giấy rạch vào cẳng tay. Sau đó, bệnh nhi được gia đình đưa đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần.

Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán rối loạn nhân cách ranh giới có hành vi tự sát, tự hủy hoại. Từ ca bệnh nêu trên, bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.

Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác.

Nguyên nhân sinh bệnh là do di truyền, thay đổi dẫn truyền thần kinh, rối loạn phát triển não bộ và vai trò môi trường.

Theo bác sĩ Lê Công Thiện, rối loạn nhân cách ranh giới phổ biến như nhau ở cả nam và nữ, ở thanh thiếu niên, chiếm 11% ở bệnh nhân tâm thần ngoại trú và lên đến 50% ở bệnh nhân nội trú.

Theo các chuyên gia, một vấn đề rắc rối hoặc sự việc căng thẳng cũng có thể làm xuất hiện các triệu chứng của rối loạn nhân cách giới hoặc khiến chúng trở nên nghiêm trọng hơn.

Những yếu tố tác động bao gồm: Sợ bị bỏ rơi: Người mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường cảm thấy không thoải mái khi ở một mình, luôn thấy sợ hãi hoặc tức giận. Ngoài ra, người bệnh có thể theo dõi hoạt động của người thân hoặc ngăn không cho họ rời xa.

Các mối quan hệ căng thẳng: người mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường thấy khó khăn trong việc giữ các mối quan hệ cá nhân lành mạnh. Bởi người bệnh có xu hướng thay đổi quan điểm của bản thân về người khác một cách đột ngột. Tình bạn, hôn nhân và mối quan hệ của người bệnh với các thành viên trong gia đình thường không ổn định.

Hình ảnh hoặc ý thức về bản thân không ổn định: người mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường thấy hình ảnh bản thân bị bóp méo hoặc không rõ ràng, cảm giác tội lỗi, xấu hổ. Điều này được thể hiện bằng việc họ thay đổi đột ngột mục tiêu, quan điểm, sự nghiệp, thậm chí bạn bè của mình.

Thay đổi tâm trạng nhanh chóng: người mắc BPD có thể có những thay đổi đột ngột trong cách cảm nhận về người khác, bản thân và thế giới xung quanh. Những trạng thái tức giận, sợ hãi, lo lắng, hận thù, buồn bã được người bệnh thay đổi liên tục.

Hành vi bốc đồng và nguy hiểm: Lái xe liều lĩnh, đánh nhau, sử dụng chất gây nghiện, hoạt động tình dục không an toàn,… là những hành vi phổ biến ở những người rối loạn ranh giới.

Hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự tử nhiều lần: Người mắc bệnh BPD có thể đe dọa hoặc tự làm hại bản thân.

Những hành vi tự hủy hoại thường được kích hoạt bởi sự từ chối, bỏ rơi hoặc thấy thất vọng với người thân hoặc người yêu. Ngoài ra, họ cũng có ý nghĩ tự tử.

Cảm giác trống rỗng dai dẳng: Người mắc chứng BPD cảm thấy buồn, chán nản, không được thỏa mãn, đầu óc trống rỗng. Cảm giác vô dụng và ghê tởm bản thân cũng rất phổ biến.

Quản lý cơn tức giận: Người mắc bệnh rối loạn nhân cách giới gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơn tức giận của mình. Họ thể hiện sự tức giận của mình bằng lời mỉa mai cay nghiệt hoặc đả kích với người khác. Sau đó là cảm giác xấu hổ và tội lỗi.

Suy nghĩ hoang tưởng tạm thời: Suy nghĩ hoang tưởng, đôi khi là ảo giác có thể được kích hoạt bởi căng thẳng, cảm giác sợ bị bỏ rơi. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ mang tính tạm thời và thường không đủ nghiêm trọng để được xem là một triệu chứng riêng biệt.

Không phải ai mắc rối loạn nhân cách ranh giới đều trải qua tất cả các triệu chứng này. Mỗi người sẽ có thời gian xuất hiện triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, tần suất khác nhau.

Không có cách nào để ngừa chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Bệnh chủ yếu do di truyền, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu tiền sử gia đình có người mắc rối loạn nhân cách ranh giới.

Ngoài ra, để hạn chế phát sinh những hành vi tiêu cực, kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, theo khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu về chứng rối loạn nhân cách ranh giới để biết nguyên nhân và cách điều trị.

Học cách nhận biết yếu khiến bạn giận dữ hoặc hành vi bốc đồng. Tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý và tuân thủ phác đồ điều trị. Kết hợp điều trị các vấn đề liên quan, chẳng hạn như lạm dụng chất kích thích.

Nhờ sự trợ giúp từ bạn bè, người thân. Quản lý cảm xúc bằng cách thực hành các kỹ năng đối phó, chẳng hạn như sử dụng kỹ thuật kiểm soát thở, thiền. Đừng đưa ra giả định về những gì mọi người thấy hoặc nghĩ về bạn.

Liên hệ với người mắc các chứng rối loạn khác để chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm. Duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất. Đừng đổ lỗi cho bản thân về chứng rối loạn mà hãy nhận thức trách nhiệm của mình trong việc điều trị bệnh.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hieu-dung-ve-roi-loan-nhan-cach-ranh-gioi-d211089.html