Hiểu đúng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển của lịch sử, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn đặt ra những yêu cầu mới. Theo đó, nội hàm của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc liên tục được Đảng ta bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Vậy cần hiểu như thế nào cho đúng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc? Bảo vệ Tổ quốc có đơn thuần chỉ là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay không? Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng phối hợp với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tuần tra biên giới. Ảnh: Văn Dương

Theo đó, nội dung bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta xác định bao gồm: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Như vậy, bản chất nội hàm của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ sự tấn công từ bên ngoài biên giới quốc gia lãnh thổ, mà còn giữ ổn định bên trong; không chỉ bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược, mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, chủ động về mọi mặt ngay từ trong thời bình; ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh từ bên ngoài. Cùng với đó là xử lý, giải quyết các vấn đề bên trong với phương châm “trong ấm, ngoài êm”, “giữ vững bên trong là chính” với hàm ý giữ vững chính trị ổn định, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh giữ vững, đối ngoại không ngừng được mở rộng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nhận định của Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng. “Nội hàm bảo vệ Tổ quốc được mở rộng, hoàn thiện, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Không chỉ đơn thuần là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trước sự tấn công xâm lược từ bên ngoài, mà còn giữ vững ổn định bên trong, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ nền văn hóa và lợi ích quốc gia dân tộc nhằm giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN”.

Tư duy mới, nhận thức mới của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được phản ánh sâu sắc trong các Nghị quyết Đại hội Đảng từ khóa IX đến khóa XIII, tập trung ở Nghị quyết Trung ương 8 các khóa IX, XI và XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, thể hiện rõ nét, toàn diện trong các chiến lược như Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng... Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, dù trong chiến tranh hay hòa bình, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, song hành cùng nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, đất nước có hòa bình, Tổ quốc có toàn vẹn thì mới tạo đà cho phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cũng chính vì vậy, theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân. Mỗi công dân cần phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.

“Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân thì công dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước. Và Nhà nước ở đây chỉ là người đại diện cho nhân dân để mà thực hiện quyền lực của nhân dân. Và Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ công dân thì câu chuyện đặt ra ở đây, trong mối quan hệ đó, thì công dân có trách nhiệm bảo vệ. Thứ nhất là bảo vệ chính mình. Thứ hai là bảo vệ Tổ quốc mình. Chính từ hai lý do đó cho nên là các bạn quan sát, các bạn sẽ thấy không chỉ là Hiến pháp Việt Nam mà Hiến pháp bất kể nước nào cũng thế, cũng đều có quy định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và quyền cao quý của mỗi công dân” - Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu giới thiệu đường biên, cột mốc cho cho các cháu học sinh trên địa bàn bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh: Thành Nam

Gần đây, một số người đưa ra quan điểm cho rằng, bảo vệ Tổ quốc chỉ đơn thuần là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, là không để các thế lực từ bên ngoài tấn công xâm lược vào chủ quyền đất nước. Từ đó, họ lập luận cho rằng, bảo vệ Tổ quốc không đi liền với bảo vệ chế độ, không đi liền với bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Nhiều đối tượng còn tung hô, cổ xúy cho quan điểm, Quân đội chỉ cần trung thành với Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc mà không phải bảo vệ một đảng phái chính trị nào. Về thực chất, đây là quan điểm sai lệch, nhằm mục đích chống phá đất nước, làm sai lệch bản chất, mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời, nhằm làm phai nhạt bản chất mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn lý giải: “Không có Tổ quốc chung chung mà Tổ quốc gắn liền với một chế độ xã hội nhất định. Và các nước tư bản hiện nay thì gắn liền với chế độ tư bản. Và họ cũng nêu rất rõ, hiến pháp của họ là bảo vệ quyền tư hữu. Mà đụng đến quyền tư hữu tức là đụng đến quyền tư bản thì họ loại ra khỏi vòng pháp luật. Đó là điều hết sức bình thường. Tổ quốc Việt Nam gắn liền với chế độ XHCN. Mà chế độ XHCN thì gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Cho nên nói đến bảo vệ Tổ quốc về mặt lý luận là bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản".

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, để giữ vững độc lập tự chủ, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, đặc biệt là những nhân tố có thể gây đột biến, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống mọi hành vi xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kỷ cương, phép nước; bảo đảm an ninh kinh tế, xã hội, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-dung-ve-nhiem-vu-bao-ve-to-quoc-post473705.html