Hiệp hội Mía-Đường xin nhập đường thô: Bỏ rơi người trồng mía?

Hiệp hội Mía – Đường Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ cho nhập khẩu đường thô nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.

Chỉ cho nhập khẩu đường thô

Hiệp hội Mía - Đường Việt Nam (VSSA) vừa trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017.

Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương ban hành cơ chế chính thức và thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.

Theo VSSA, việc cho nhập khẩu 100% đường thô theo hạn ngạch thuế quan sẽ góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Hiệp hội Mía – Đường Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ cho nhập khẩu đường thô nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Ảnh minh họa

“Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường (trong đó có 45.000 tấn đường tinh luyện) năm 2016 cho thấy, nếu số đường tinh luyện chuyển sang nhập đường thô sẽ tiết kiệm được khoảng 4,5-5,4 triệu USD do giá nhập khẩu đường tinh luyện cao hơn so với nhập đường thô từ 100-120 USD/tấn”, VSSA dẫn chứng.

VSSA cho rằng, nên tiến hành cho đấu thầu sớm để thuận lợi cho các bộ, ngành có liên quan trong điều hành cung cầu và các thương nhân chủ động kế hoạch nhập khẩu và sản xuất của các đơn vị.

Lý giải điều này, VSSA cho biết, hiện cả nước có 40 nhà máy đường với công suất thiết kế 155.000 tấn mía/ngày, trong đó đã có 12 nhà máy với 50% công suất thiết kế trong tổng công suất thiết kế toàn ngành sản xuất đường tinh luyện từ mía và tinh luyện đường từ đường thô.

Đặc biệt, 1 số nhà máy có công nghệ sản xuất đường tinh luyện ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước vẫn phải nhập khẩu đường thô về để sản xuất đường tinh luyện phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước.

VSSA khẳng định, đây cũng là phương thức mà nhiều nước trên thế giới có khả năng luyện đường đã nhập đường thô về tinh luyện để cung cấp trong nước thay vì nhập đường tinh luyện.

Người dân sẽ được lợi?

Cũng liên quan đến việc nhập khẩu đường thô vào trong nước, còn nhớ thời điểm tháng 5 năm nay khi Bộ Công Thương đề xuất cho Hoàng Anh Gia Lai nhập đường với thuế suất 0%, VSSA đã lên tiếng phản đối cho rằng đường sản xuất tại Lào có giá thành thấp lại đường ưu đãi thuế 0% sẽ khiến doanh nghiệp Mía đường trong nước càng gặp khó khăn.

Theo VSSA, doanh nghiệp đường sản xuất trong nước đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá đường cao. Do đó VSSA cho rằng khi đường Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu về Việt Nam với thuế suất 0% sẽ gây khó khăn với thị trường trong nước.

Ngay sau đó, trong bài viết với tiêu đề “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam” đăng trên website chính thức của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã chỉ ra nhiều điểm yếu kém của doanh nghiệp mía đường trong nước.

Thứ trưởng Tú khẳng định, việc người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới là do những năm qua, VSSA và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành.

Thậm chí nhiều chuyên gia còn đánh giá, những lo ngại của VSSA thể hiện sự sức cạnh tranh của ngành mía đường trong nước rất có vấn đề xuất phát từ việc năng suất và chất lượng mía của Việt Nam rất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, giá thành cao, hệ thống phân phối yếu, liên kết giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo…

Với đề xuất mới này, nhiều chuyên gia cho rằng VSSA muốn tận nhập đường thô về tinh luyện để cung cấp trong nước thay vì nhập đường tinh luyện để giảm giá thành sản phẩm bán ra, qua đó cạnh tranh với đường nhập khẩu của Hoàng Anh Gia Lai.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại, việc nhập khẩu quá nhiều đường thô về tinh luyện trong nước sẽ khiến cho diện tích trồng mía trong nước bị thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân.

Hoàng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/hiep-hoi-mia-duong-xin-nhap-duong-tho-bo-roi-nguoi-trong-mia-3320478/