Hiệp định VPA/FLEGT: Doanh nghiệp phấn khởi xen lẫn âu lo

Dự kiến kết thúc đàm phán vào ngày 18-11 tới, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ, sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy XK gỗ sang EU. Mặc dù ủng hộ hiệp định này, song nhiều DN vẫn tỏ ra khá âu lo trong khâu thực thi.

Dư địa mở rộng XK gỗ và sản phẩm gỗ sang EU còn khá rộng mở. Ảnh: N.Thanh.

Nhiều lợi ích…

Hiệp định VPA/FLEGT được chính thức bắt đầu đàm phán từ tháng 11-2010 giữa Việt Nam và EU, đến nay đã bước vào giai đoạn cuối, chuẩn bị kết thúc. Mục tiêu khi đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU là mở rộng thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ XK sang EU.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Dự kiến khi hiệp định được ký kết, các DN chế biến, XK gỗ XK sang EU sẽ được hưởng khá nhiều thuận lợi. Điển hình các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT sẽ không phải làm trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Qui chế gỗ của EU (gọi tắt là EUTR 995/2010) có hiệu lực từ tháng 3-2013, tránh được rủi ro không đáng có. Ngoài ra, Việt Nam thiết lập hệ thống VNTLAS được quốc tế công nhận, không chỉ phù hợp với quy định của các Hiệp định thương mại (FTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) về truy xuất nguồn gốc gỗ mà còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam, mở rộng thị trường XK không chỉ ở EU mà cả ở Mỹ, Nhật, Australia… Bên cạnh đó, ký kết Hiệp định VPA/FLEGT còn góp phần cải thiện hệ thống pháp luật về quản lý rừng và chế biến gỗ XK của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; thu hút nguồn tài trợ và hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực cho DN, hộ gia đình và các cơ quan thực thi VNTLAS…

Đứng từ góc độ DN chế biến, XK gỗ nhiều năm nay, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Lâm Việt (Bình Dương) cho biết: Qua 3 lần tham dự tham vấn về hiệp định, DN rất ủng hộ. Khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết, dự kiến XK gỗ của DN vào thị trường EU sẽ thuận lợi hơn nhiều so với hiện tại. “Thực tế, lâu nay, phía EU rất quan ngại chuyện DN Việt Nam mua nguyên liệu gỗ từ các quốc gia Lào, Campuchia… bởi lo ngại thiếu tính hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, gỗ NK từ các thị trường này chủ yếu được tiêu thụ nội địa và XK sang Trung Quốc chứ không XK sang EU. DN thực sự XK gỗ vào EU đa phần sử dụng gỗ rừng trồng trong nước và gỗ NK từ các thị trường có nguồn gốc gỗ hợp pháp như EU, Mỹ… Vốn là thế, song thời gian qua vẫn còn sự hoài nghi. Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết sẽ góp phần làm rõ ràng vấn đề này, để DN Việt Nam dễ dàng chứng minh hơn”, ông Liêm lý giải.

… nhưng không ít băn khoăn

Không phủ nhận những lợi ích và Hiệp định VPA/FLEGT đem lại, tuy nhiên ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty SADACO kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, còn rất nhiều điều phải bàn về những nội dung cụ thể và cả khâu thực thi sau khi Hiệp định được ký kết. “Tôi cho rằng, trong danh mục các loại gỗ cần kiểm tra nguồn gốc thì gỗ cao su và gỗ tràm bông vàng không cần kiểm tra. Trong 30 năm nay tham gia chế biến, XK gỗ, tôi chưa bao giờ thấy một lô gỗ cao su nào được khai thác từ rừng cao su mà không rõ nguồn gốc vì chủ rừng cao su không trồng lén được mà phải đủ mọi giấy phép mới ra được rừng cao su, có thể khai thác mủ. Thực tế, gỗ cao su nguyên liệu chỉ là nguồn tận dụng lại để chế biến, XK. Còn gỗ tràm bông vàng vốn là gỗ rừng trồng, khá hợp pháp. Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ từ khách hàng EU và Mỹ tăng nên loại gỗ này mới được sử dụng, còn trước đó sử dụng rất ít”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, hệ thống VNTLAS vô cùng phức tạp. Nếu chương trình triển khai thực sự sẽ động chạm đến mọi thành phần, thậm chí cả các hộ tư nhân, hộ gia đình nghèo. Bởi vậy, nội dung cần cố gắng lọc lại, những vấn đề đơn giản như gỗ cao su hay gỗ tràm bông vàng, nguồn gốc đã rõ ràng thì không cần đưa vào kiểm soát để làm cho vấn đề thêm nhiễu.

Xuất phát từ việc đánh giá nội dung còn phức tạp, ông Mạnh đề nghị khi triển khai Hiệp định VPA/FLEGT nên tiến hành theo lộ trình rõ ràng, đi từ các vấn đề đơn giản nhất để các DN có thể cập nhật được, đặc biệt là khi trong ngành chế biến, XK gỗ chủ yếu là các DN quy mô vừa và nhỏ. Lộ trình phải cân đối giúp DN có thể tiếp thu, vận dụng thực tế, tránh tình trạng không hiểu rõ ràng, khó triển khai, DN lại phải thuê riêng chuyên gia để hỗ trợ làm tăng chi phí cũng như gây ảnh hưởng tới quá trình và kim ngạch XK.

Liên quan tới vấn đề này, ông Liêm bổ sung thêm: DN rất quan tâm đến khâu thực thi sau khi Hiệp định VPA/FLEGT ký kết. Ở Việt Nam lâu nay có tình trạng, các thủ tục hành chính thì “hành là chính” nên DN hy vọng việc cấp phép FLEGT sẽ không như vậy, thực sự tạo thuận lợi, dễ dàng cho DN. “Tôi đề nghị việc cấp phép nên làm trên mạng, cấp phép trước, giải trình sau. Ngoài ra, cần phân loại các DN cho tốt, trên cơ sở đó tiến hành cấp phép FLEGT hàng năm chứ không nên cấp theo chuyến. Bản thân DN tôi, mỗi ngày XK trên chục container, mỗi container đi một cảng biển khác nhau ở EU, nếu cấp phép theo chuyến thì cần tới mười mấy giấy phép. Khi đó, số lượng người để lo phần cấp phép sẽ tăng lên, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh cho DN”, ông Liêm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hòa Nguyên kiêm Ủy viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA): Cần lập đơn vị tư vấn và hỗ trợ DN

Khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết và thực thi, tôi cho rằng cần lập một đơn vị chuyên tư vấn và hỗ trợ DN để làm các thủ tục giấy tờ liên quan. Bởi hiện nay, nhiều DN tham gia chế biến, XK gỗ vừa và nhỏ có trình độ thấp sẽ khó khăn khi áp dụng hệ thống mới, ngay cả ở khâu làm hồ sơ ban đầu. Đơn vị tư vấn, hỗ trợ DN không cần đông người, rườm rà mà chỉ cần một số chuyên gia có sự am hiểu tường tận, thường xuyên hỗ trợ DN trong giai đoạn đầu triển khai.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Quản lý dự án hỗ trợ tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT của Quỹ Quốc tế và Bảo vệ thiên nhiên (WWF): Sẽ tiếp tục hỗ trợ DN đáp ứng tốt nhất yêu cầu của Hiệp định

Dự kiến, khi Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực, các quy định có liên quan đến nguồn gốc gỗ hợp pháp sẽ được thực thi nghiêm ngặt hơn, đặc biệt các DN bắt buộc phải đảm bảo thì mới có thể XK gỗ sang thị trường EU.

WWF được sự hỗ trợ tài chính từ phía Liên minh châu Âu, trong suốt quá trình qua đã thực hiện Dự án hỗ trợ tiến trình đàm phán để có thể đạt được hiệp định khả thi, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi giữa các bên. Song song với đó, WWF cũng giúp đỡ các đối tượng liên quan như DN, các tổ chức xã hội dân sự. Thời gian tới, WWF sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự, các DN… một mặt nhằm hỗ trợ tốt nhất người dân, thậm chí tới từng hộ gia đình có thể tìm hiểu, thực thi hiệp định, đồng thời giúp các DN cải thiện hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm để đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của Hiệp định VPA/FLEGT.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ DN, người dân

Liên quan tới quá trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT, giai đoạn đầu đàm phán rất chậm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 trở lại đây, việc đàm phán khá thuận lợi. Đến nay, hai bên đã đạt được những thống nhất quan điểm cơ bản, đặc biệt là giải quyết vấn đề về gỗ hợp pháp hay kiểm soát gỗ NK, xác minh cấp phép và đánh giá độc lập.

Nhận thức là cả quá trình, bởi vậy sau khi kết thúc đàm phán hiệp định, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiến hành truyên truyền rộng rãi để người dân, DN và các tổ chức xã hội đều biết, nắm rõ. Việc này sẽ được thực hiện thông qua động thái, Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản hướng dẫn, quy định, tiêu chí rõ ràng, cùng với đó là đẩy mạnh truyên truyền trên báo chí, dưới nhiều hình thức khác nhau. Mục đích cuối cùng không chỉ để các đối tượng liên quan hiểu rõ mà còn thực hiện đúng quy định, đảm bảo tính thực thi của hiệp định trong thực tế.

Uyển Như (ghi)

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hiep-dinh-vpa-flegt-doanh-nghiep-phan-khoi-xen-lan-au-lo.aspx