Hiệp định FLEGT mở cơ hội xuất khẩu gỗ sang EU

Sau nhiều năm đàm phán, Hiệp định thương mại về gỗ giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra cơ hội nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ sang thị trường này lên 2 tỉ đô la Mỹ, gần gấp 3 lần hiện nay. Song, các doanh nghiệp còn băn khoăn liên quan về thủ tục cấp phép liên quan tới hiệp định.

Doanh nghiệp có chứng nhận FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình khi xuất khẩu sang EU - Ảnh: Trúc Diễm

Hiệp định đối tác tự nguyện và thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được đàm phán từ tháng 11-2010 giữa Việt Nam và EU, đến nay đã kết thúc quá trình đàm phán và sẽ sớm được ký kết.

Cơ hội lớn từ hiệp định VPA/FLEGT

Mục tiêu của Hiệp định VPA/FLEGT với EU là để mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS), phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU.

Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, cho biết nội dung quan trọng nhất của hiệp định là xây dựng nguồn gỗ hợp pháp phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của EU về quy trình truy xuất nguồn gốc gỗ… Đây là giấy thông hành để các lô hàng gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất gỗ hợp pháp như trước nữa. Đồng thời, hiệp định cũng sẽ thúc đẩy quản trị rừng bền vững và phát triển bền vững hơn ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự đoán hiệp định sẽ thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại gỗ giữa hai nước lên 2 tỉ đô la Mỹ/năm so với khoảng 700-800 triệu đô la Mỹ/năm như hiện nay. Theo thống kê, EU tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lên tới 90 tỉ đô la Mỹ/năm nên còn rất nhiều dư địa để Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng thừa nhận, ở giai đoạn đầu thực hiện hiệp định, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn bởi một loạt các quy định, cam kết phải thực thi. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ quy mô nhỏ khá nhiều nên việc tiếp nhận thông tin từ hiệp định rất khó khăn. Bên cạnh doanh nghiệp, nhiều phân khúc khác trong chuỗi giá trị ngành gỗ cũng chịu tác động nhiều từ hiệp định như các hộ trồng rừng, các hộ chế biến nhỏ… trong khi trình độ hiểu biết của họ còn hạn chế. “Tôi cho rằng, riêng thời gian để doanh nghiệp và người dân làm quen với hiệp định cũng phải mất 3 năm”, ông Quyền nói.

Tại một hội thảo diễn ra gần đây, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty SADACO kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng hệ thống VNTLAS vô cùng phức tạp. Nếu chương trình triển khai thực sự sẽ động chạm đến mọi thành phần, thậm chí cả các hộ tư nhân, hộ gia đình nghèo. Do đó, cần triển khai hiệp định theo lộ trình rõ ràng, đi từ các vấn đề đơn giản nhất để các doanh nghiệp có thể cập nhật được. Cần phải có tập huấn rõ ràng để doanh nghiệp không phải thuê riêng chuyên gia làm tăng chi phí cũng như gây ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu.

Nhà xuất khẩu lo ngại giấy phép con

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt (Bình Dương) lo ngại, ở Việt Nam lâu nay có tình trạng, các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp. Do đó, ông Liêm kiến nghị nên cấp phép FLEGT trực tuyến và phân loại các doanh nghiệp cho tốt, trên cơ sở đó tiến hành cấp phép FLEGT hàng năm chứ không nên cấp theo chuyến.

Thực tế, không chỉ Lâm Việt mà rất nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ mỗi tháng xuất khẩu mấy chục container, mỗi container đi một cảng biển khác nhau đến EU, nếu cấp phép theo chuyến thì sẽ phát sinh một khối lượng công việc lớn cho doanh nghiệp, chưa kể các khoản phí sẽ phải đóng góp nếu có.

Những lo ngại của doanh nghiệp không phải không có cơ sở. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia về thương mại gỗ của Tổ chức Forest Trends cho hay, quá trình xin phép, cấp phép, xác minh... để được cấp chứng chỉ FLEGT sẽ mất thời gian, gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp.

Kinh nghiệm quốc tế, ví dụ như ở Indonesia cho thấy, việc ký FLEGT với EU đồng nghĩa với việc thắt chặt quản lý đối với các cơ sở chế biến, bao gồm cả các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình. Các cơ sở này hiện phải đăng ký hoạt động, nếu không sẽ bị coi là bất hợp pháp. Và để đăng ký, họ cần có chứng nhận và phải trả phí cho việc này.

Còn đối với các nước như Cameroon, Ghana, Congo, mặc dù chưa có các sản phẩm gỗ được cấp giấy phép FLEGT lưu hành trên thị trường, nhưng đã có rất nhiều lo ngại trong khối doanh nghiệp về các rủi ro có liên quan đến tham nhũng. Khi FLEGT-VPA ký kết, các cơ quan quản lý lâm nghiệp tại các quốc gia này được trao quyền có liên quan đến cấp phép và giám sát.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thừa nhận, việc thêm giấy phép là thêm thủ tục hành chính nhưng đây là sân chơi lớn và chúng ta muốn tham gia thì phải đảm bảo sự hài hòa chung và phải chấp nhận luật chơi. “Thị trường luôn thay đổi và chúng ta phải luôn thích ứng”, ông Tuấn nói và cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi, cửa quyền trong việc cấp chứng chỉ FLEGT, hướng tới sự minh bạch thông qua việc cấp giấy phép điện tử”.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154386/hiep-dinh-flegt-mo-co-hoi-xuat-khau-go-sang-eu.html/