Hiện vật 'kể chuyện' tập kết

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cửa biển Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) được chọn làm bến tập kết để đưa bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc. Sự kiện này được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, vào tháng 11/2024. Hiện Bảo tàng tỉnh đang tiến hành sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện lịch sử nói trên, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Những hiện vật, tư liệu về sự kiện tập kết ra Bắc 1954, được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau.

Triển khai thực hiện từ đầu tháng 3, đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 37 hình ảnh, tư liệu và 19 hiện vật, trong đó có chiếc la bàn của Thiếu tướng Trần Văn Niên (Tư Niên), nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, một vật đã gắn bó với ông suốt cuộc đời binh nghiệp.

Ðối với Thiếu tướng Trần Văn Niên, chiếc la bàn là vũ khí để chiến đấu, giúp ông xác định vị trí, hướng đi những khi băng rừng, vượt suối từ những ngày tập kết ra Bắc cho đến giai đoạn chi viện giúp nước bạn Lào (năm 1960-1963). Ông xem chiếc la bàn này là tài sản đặc biệt và cất giữ cẩn thận.

Ngày giao hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, ông Tư Niên không kiềm được nước mắt khi nhắc về những ngày chiến đấu ở vùng đất Cà Mau. “Những năm kháng chiến, Cà Mau từng là căn cứ của Khu ủy, Quân khu. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, tôi gắn bó nhiều nhất ở Cà Mau, được Nhân dân đùm bọc, chở che, bảo đảm an toàn”, ông Tư Niên xúc động kể.

Cùng với chiếc la bàn, ông Tư Niên còn tặng Bảo tàng tỉnh quyển hồi ký về cuộc đời mình: “Thiếu tướng Trần Văn Niên - Người lính hát trọn khúc quân hành”. Miền nhớ của ông là nguồn tư liệu quý giá của những người con miền Nam trên đất Bắc: “Tôi không bao giờ quên cái ngày đầu tiên và những bước chân đầu tiên trên đất Bắc. Sầm Sơn, một bãi biển đẹp của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những điểm đón tiếp bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc... Chúng tôi được đón tiếp long trọng và cảm động. Bà con hai bên đường vẫy cờ, vẫy hoa như đón người thân mình trở về... Trong suốt thời gian sống trên đất Bắc, đi đến đâu chúng tôi cũng được đồng bào quan tâm, chăm sóc”.

Tổ sưu tầm của Bảo tàng Cà Mau được Thiếu tướng Trần Văn Niên hiến tặng la bàn và quyển sách “Thiếu tướng Trần Văn Niên - Người lính hát trọn khúc quân hành”.

Mỗi tư liệu, hiện vật là những câu chuyện lịch sử, thời khắc thiêng liêng trong từng trận đánh ác liệt, hiện thân của khát vọng và tinh thần bất khuất, quả cảm của những người con miền Nam yêu nước, kiên trung. Những “báu vật” ấy trở thành tài sản vô giá của quê hương, là niềm tự hào của thế hệ tiếp nối dựng xây.

Tổ sưu tầm cũng đã tìm gặp cựu chiến binh Ðặng Văn Chẳn ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và được ông hiến tặng Huân chương Chiến thắng do Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng năm 1958, khi ông tham gia chiến đấu ở Sư 30 -Thanh Hóa. Ông Chẳn tập kết ra Bắc từ năm 1954-1960, được học chính trị, đường lối của Ðảng, rồi được kết nạp vào Ðảng trước khi trở lại miền Nam.

Cựu chiến binh Ðặng Văn Chẳn tâm tình: “Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc thiêng liêng ngày đặt chân lên con tàu Kilinski của Ba Lan chở cán bộ, bộ đội và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Ai nấy nung nấu quyết tâm chiến đấu, học tập để trở về phục vụ quê hương. Ðối với tôi, khi về Nam, tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị của Quân khu 9 cho đến ngày giải phóng”.

Khi biết tỉnh sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc, Nhà giáo Ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ tỉ mỉ ghi rõ thông tin từng tấm ảnh tư liệu, danh sách những học sinh miền Nam tập kết ra Bắc về phục vụ tại Cà Mau và tặng Bảo tàng tỉnh 2 quyển sách “Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc”. Ðó là những dòng hồi ký quý giá của những người con miền Nam một thời học tập, chiến đấu trên đất Bắc.

Trường Nội trú Nữ sinh miền Nam số 18 - Hải Phòng. (Ảnh chụp lại từ hình ảnh Nhà giáo Ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ hiến tặng Bảo tàng).

Cô Thơ nguyên là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Hồ Thị Kỷ (giai đoạn 1983-1991), là người khởi xướng cho nữ sinh mặc đồng phục áo dài đầu tiên trong cả nước sau năm 1975. Cô Thơ chia sẻ: “Năm 13 tuổi, tôi theo chân bộ đội tập kết ra Bắc, được học cấp 1, cấp 2 ở Trường Học sinh miền Nam (Hải Phòng), học cấp trung học tại Trường Học sinh miền Nam ở Ðông Triều - Quảng Ninh, sau đó học Ðại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp năm 1969. Ngày ấy, học sinh có câu cửa miệng "ngày Bắc đêm Nam", chỉ việc ban ngày vẫn học tập, vui chơi, sinh hoạt bình thường, nhưng đêm về, nhiều học sinh khóc ướt gối vì nhớ ba mẹ, thương quê hương, xóm làng bị giặc giày xéo”.

Gắn với sự kiện lịch sử quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có thư ngỏ kêu gọi những cán bộ có tham gia tập kết, gia đình có người tham gia tập kết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cùng toàn thể Nhân dân trong và ngoài tỉnh hiến tặng hình ảnh, tư liệu, tài liệu và hiện vật liên quan đến sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 để trưng bày, bổ sung nguồn tài liệu quý phục vụ công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ tại địa phương./.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hien-vat-ke-chuyen-tap-ket-a31852.html