Hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập xem lực lượng 141 làm nhiệm vụ: Đừng cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật!

Thời gian qua, quá trình các tổ công tác 141-CATP Hà Nội kiểm soát, phòng chống tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật luôn được nhiều người quan tâm. Nhưng có thực tế đáng lo ngại, gây bức xúc dư luận là không ít bạn trẻ thường xuyên tụ tập tại các chốt xử lý, hoặc lên mạng xã hội 'báo chốt', gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của liên quân 141.

"Báo chốt" đang là cụm từ không hề lạ đối với những người tham gia mạng xã hội. Không ít những hội nhóm đã được lập ra, nhằm thông báo địa điểm các tổ công tác 141 làm nhiệm vụ. Mục đích của hành vi vô thức hay chủ ý này có thể để "ra oai", thể hiện bản thân, hoặc thông báo để những người khác khi ra đường… né chốt. Trên cơ sở nắm tình hình, CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ “vô hiệu hóa” các hội nhóm trên, đồng thời đề nghị người dân không cung cấp vị trí triển khai chốt của các tổ công tác 141.

Tổ công tác 141 là liên quân giữa các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm

Tổ công tác 141 là liên quân giữa các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm

“Tổ công tác 141 là liên quân giữa các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác tuần tra kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm. Việc bố trí các chốt 141 là bí mật, thường xuyên thay đổi, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đã đặt ra. Việc lập các trang mạng xã hội để “báo chốt” là hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng…” - chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội khẳng định.

Không chỉ lập các hội nhóm trên mạng xã hội, thời gian gần đây, đang xuất hiện tình trạng đáng phê phán, là tại các vị trí tổ công tác 141 làm nhiệm vụ, có rất nhiều thanh thiếu niên tụ tập, thậm chí có địa điểm ghi nhận hàng trăm người đứng… xem. Điều này gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh địa bàn cơ sở.

Khi được hỏi lý do tham gia vào nhóm thanh niên trên, P.T.H (23 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Em thấy chốt 141 làm thì em xem thôi, thi thoảng các anh truy đuổi những người quay đầu xe thì bọn em cũng chạy theo”. Đi cùng H. là N.N.K (21 tuổi) tỏ ra hồn nhiên: “Ở nhà chán quá chẳng biết làm gì. Em ra đường đi chơi, thấy chốt 141 làm nhiệm vụ thì đứng xem”.

Việc "báo chốt" gây ảnh hưởng đến công tác tuần tra, phòng ngừa tội phạm của các tổ công tác 141

Việc "báo chốt" gây ảnh hưởng đến công tác tuần tra, phòng ngừa tội phạm của các tổ công tác 141

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường - Tổ trưởng tổ công tác Y8/141-CATP Hà Nội nêu vấn đề, việc người dân tụ tập đông sẽ gây mất trật tự công cộng, thậm chí khi cán bộ chiến sĩ chặn bắt người vi phạm, không ít thanh thiếu niên đã chạy theo ngược chiều đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. “Chúng tôi nhiều lần đề nghị họ rời khỏi vị trí chốt, song, việc tụ tập này vẫn không hề chấm dứt”.

Ghi nhận tại chốt 141 khu vực nút giao Ô Chợ Dừa - Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) tối 9-10, khoảng 200m đường Ô Chợ Dừa chật kín thanh thiếu niên dựng xe “hóng chốt”. Có người còn đứng dưới lòng đường, đỗ xe ngược chiều hay đứng trên dải phân cách giữa đường... Công an phường đã nhiều lần giải tán đám đông, nhưng dẹp phía trước, phía sau lại nhanh chóng tụ tập.

Công an phường giải tán đám đông tụ tập "hóng chốt" nhưng... đâu vẫn vào đó

Công an phường giải tán đám đông tụ tập "hóng chốt" nhưng... đâu vẫn vào đó

Nhiều thanh thiếu niên khi thấy tổ công tác phát hiện đối tượng nghi vấn còn mang điện thoại ra quay clip rồi tung lên mạng xã hội. "Nếu là vụ án cần điều tra mở rộng, hành vi trên đã vô tình phát tán thông tin, tài liệu, dẫn tới những khó khăn cho công tác xử lý của lực lượng Công an. Hoặc phát hiện có trường hợp bỏ chạy, chống đối, thanh thiếu niên xung quanh liền hò reo cổ vũ. Một hình ảnh xấu xí đáng lên án", thành viên Tổ công tác Y8/141 bức xúc.

“Chúng tôi đề nghị người dân không tụ tập tại các vị trí tuần tra, xử lý của lực lượng 141, để đảm bảo an toàn cho bản thân và không gây cản trở đến quá trình làm nhiệm vụ của tổ công tác; không đăng bài viết, hình ảnh, clip về các chốt 141 lên mạng xã hội; không tham gia bình luận, cổ vũ các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, cổ súy cho các đối tượng vi phạm pháp luật…” - Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội nhấn mạnh.

Việc đứng xem các tổ công tác 141 làm nhiệm vụ còn gây nguy hiểm cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao

Việc đứng xem các tổ công tác 141 làm nhiệm vụ còn gây nguy hiểm cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao

Công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm luôn được Công an thành phố Hà Nội chú trọng. Nhiều biện pháp, giải pháp đã được triển khai, trong đó, liên quân 141 từ lâu đã được xem là “Quả đấm thép”, khiến tội phạm đường phố khiếp sợ. Vì vậy, việc thanh thiếu niên, người dân thường xuyên tụ tập “hóng chốt” hay “báo chốt” là hành vi cần phải bị xử lý nghiêm để răn đe.

Ở góc độ nào đó, sự tụ tập, những tiếng hò reo, cổ vũ cho các đối tượng quay đầu xe, chống đối… chính là sự cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật. Hơn lúc nào hết, người dân cần tự nâng cao nhận thức của bản thân, không chỉ góp phần ủng hộ lực lượng 141 nói riêng và CATP Hà Nội nói chung trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, mà còn nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô./.

Để tránh rơi vào vòng lao lý…

Nhiều năm qua, lực lượng 141 của CATP Hà Nội đã phát huy hiệu quả phòng ngừa, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa bàn công cộng. Lực lượng này đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự, phòng ngừa đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, tội phạm đường phố, phát hiện, thu giữ nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ…, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Song, đã và đang có hiện tượng đáng lên án, phê phán của không ít cá nhân, nhằm câu “like”, câu “view”, tăng tương tác bán hàng, đã sử dụng tài khoản facebook đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung chỉ điểm, cung cấp thông tin, vị trí của các tổ công tác 141. Đáng chê trách và gây bức xúc dư luận nữa là thời gian qua, khi các tổ Cảnh sát 141 làm nhiệm vụ, có nhiều thanh thiếu niên tụ tập, gây mất trật tự, lên mạng xã hội "báo chốt" - thông báo vị trí tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT, Tổ công tác đặc biệt 141 để người vi phạm né tránh.

Có thời điểm, hàng trăm thanh thiếu niên tụ tập xung quanh các khu vực làm việc của các Tổ công tác đặc biệt 141, đồng thời lôi kéo người khác tham gia tụ tập, quay phim, chụp ảnh xung quanh chốt tuần tra, kiểm tra, thậm chí đứng dưới lòng đường, đỗ xe ngược chiều hay đứng trên dải phân cách giữa đường gây mất an toàn giao thông, trật tự xã hội.

Có thể nói, hành vi "báo chốt” thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội là rất nguy hiểm. Nó khiến cho một số người dân coi thường pháp luật ngang nhiên điều khiển phương tiện lạng lách đánh võng trên đường ngay khi vừa sử dụng bia rượu hay chất kích thích khác.

Luật Công nghệ thông tin 2006 đã quy định, tổ chức, cá nhân có quyền thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó trong trường hợp thông tin cá nhân đó được sử dụng cho một số mục đích nhất định. Người dân được quyền giám sát hoạt động của lực lượng chức năng, nhưng phải thực hiện công khai và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng này.

Việc tụ tập đông người tại nơi lực lượng 141 đang thực thi nhiệm vụ để quay phim, ghi hình, phát trực tiếp nhằm thông báo vị trí chốt để đối phó với lực lượng chức năng là hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí nó còn có thể tiếp tay cho một số người thực hiện hành vi phạm tội hoặc trốn tránh sự trừng trị của pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội và đe dọa trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của mỗi cá nhân.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP nêu rõ, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Còn theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào thực hiện hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở những nơi công cộng gây ra mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng; Người có hành vi tổ chức thuê, xúi giục, hay lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động những người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng hoặc Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại BLHS 2015.

Để tránh rơi vào vòng lao lý, mỗi cá nhân nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ công tác là nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội, không tụ tập đông người và thực hiện việc “báo chốt” dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng cần thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không a dua, lôi kéo người khác vào những việc làm phạm pháp.

Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội

Cần tăng cường lực lượng cơ sở tại các điểm, chốt 141 Theo như tôi được biết, lực lượng 141 là liên quân Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động. Lực lượng này đủ hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi, đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Lực lượng 141 đã triển khai từ nhiều năm, nhưng vì sao thời điểm này đang rộ lên hiện tượng đông thanh thiếu niên tụ tập đứng xe? Tôi cho rằng đây là câu hỏi cần sớm trả lời, giải quyết sớm, triệt để. Nhìn về cảm quan, góc độ cá nhân, tôi cho rằng hiện tượng tụ tập như trên (mà nếu không giải quyết, xử lý dứt điểm sẽ biến thành xu hướng của nhiều người trẻ), đã và đang hình thành, tồn tại, là do chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng chức năng cơ sở. Nhà tôi ngay gần đường Giải Phóng, để ý thường thấy xung quanh khu vực lực lượng 141 triển khai chốt là xuất hiện hàng quán, cả lưu động và cố định. Đây là địa điểm để các cháu thanh thiếu niên tụ tập. Chưa kể tình trạng dựng xe máy tràn lan trên hè, dưới lòng đường mà không bị nhắc nhở. Những lúc ấy, nếu có thêm lực lượng CS 113 cùng Công an phường và đội viên tự quản dân phòng nhắc nhở, đẩy đuổi, đám đông sẽ bị giải tán. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đưa về trụ sở Công an những trường hợp cố tình chống đối. Làm nghiêm, xử lý quyết liệt sẽ giải quyết được tình trạng này. (Bà Nguyễn Thị Nhuần, phường Phương Mai, Đống Đa)

Cần tăng cường lực lượng cơ sở tại các điểm, chốt 141 Theo như tôi được biết, lực lượng 141 là liên quân Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động. Lực lượng này đủ hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi, đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Lực lượng 141 đã triển khai từ nhiều năm, nhưng vì sao thời điểm này đang rộ lên hiện tượng đông thanh thiếu niên tụ tập đứng xe? Tôi cho rằng đây là câu hỏi cần sớm trả lời, giải quyết sớm, triệt để. Nhìn về cảm quan, góc độ cá nhân, tôi cho rằng hiện tượng tụ tập như trên (mà nếu không giải quyết, xử lý dứt điểm sẽ biến thành xu hướng của nhiều người trẻ), đã và đang hình thành, tồn tại, là do chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng chức năng cơ sở. Nhà tôi ngay gần đường Giải Phóng, để ý thường thấy xung quanh khu vực lực lượng 141 triển khai chốt là xuất hiện hàng quán, cả lưu động và cố định. Đây là địa điểm để các cháu thanh thiếu niên tụ tập. Chưa kể tình trạng dựng xe máy tràn lan trên hè, dưới lòng đường mà không bị nhắc nhở. Những lúc ấy, nếu có thêm lực lượng CS 113 cùng Công an phường và đội viên tự quản dân phòng nhắc nhở, đẩy đuổi, đám đông sẽ bị giải tán. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đưa về trụ sở Công an những trường hợp cố tình chống đối. Làm nghiêm, xử lý quyết liệt sẽ giải quyết được tình trạng này. (Bà Nguyễn Thị Nhuần, phường Phương Mai, Đống Đa)

Nguy hiểm đối với chính những người có tâm lý tò mò Nếu được hỏi suy nghĩ của tôi là gì khi chứng kiến cảnh đám đông tụ tập ở những địa điểm lực lượng 141 triển khai làm nhiệm vụ? Tôi xin được trả lời ngay: Những người tụ tập, đứng xem đang tự đẩy vào nguy cơ mất an toàn! Tình cờ tôi đã có lần “lạc” vào giữa đám đông ấy. Lúc đầu, tôi không hiểu vì sao lại có rất đông người đứng ở đường thời điểm này. Đám đông ấy càng bất thường, cùng ồ lên và chạy xúm vào, khi nghe tiếng bô xe máy rồ lên, hay nhìn thấy ai đó…đổ vật ra đường cùng chiếc xe máy. Và khi nhận ra mục đích của đám đông là đứng xem lực lượng 141 làm nhiệm vụ, thì tôi thực sự giật mình. Tôi cho rằng, đây không chỉ dừng lại ở sự tò mò, giải trí nữa. Việc tụ tập đông người như trên, chính là nguyên nhân “kích thích” những vi phạm trật tự đường phố; trước là cổ vũ cho những cái sai, và sau đó, không ít trong số những người đứng xem, sẽ nối dài hành vi phóng nhanh, lạng lách. Là một người trẻ, cá nhân tôi sẽ tuyệt đối không tham gia việc tụ tập như vậy. Và cũng mong rằng, mỗi người trẻ chúng ta có suy nghĩ, nhận thức đúng. Hãy cùng lên án các hành vi gây mất trật tự đường phố, bằng hành động thiết thực nhất: không tụ tập, đứng xem lực lượng 141 làm nhiệm vụ.(Anh Nguyễn Hữu Nam - Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội)

Nguy hiểm đối với chính những người có tâm lý tò mò Nếu được hỏi suy nghĩ của tôi là gì khi chứng kiến cảnh đám đông tụ tập ở những địa điểm lực lượng 141 triển khai làm nhiệm vụ? Tôi xin được trả lời ngay: Những người tụ tập, đứng xem đang tự đẩy vào nguy cơ mất an toàn! Tình cờ tôi đã có lần “lạc” vào giữa đám đông ấy. Lúc đầu, tôi không hiểu vì sao lại có rất đông người đứng ở đường thời điểm này. Đám đông ấy càng bất thường, cùng ồ lên và chạy xúm vào, khi nghe tiếng bô xe máy rồ lên, hay nhìn thấy ai đó…đổ vật ra đường cùng chiếc xe máy. Và khi nhận ra mục đích của đám đông là đứng xem lực lượng 141 làm nhiệm vụ, thì tôi thực sự giật mình. Tôi cho rằng, đây không chỉ dừng lại ở sự tò mò, giải trí nữa. Việc tụ tập đông người như trên, chính là nguyên nhân “kích thích” những vi phạm trật tự đường phố; trước là cổ vũ cho những cái sai, và sau đó, không ít trong số những người đứng xem, sẽ nối dài hành vi phóng nhanh, lạng lách. Là một người trẻ, cá nhân tôi sẽ tuyệt đối không tham gia việc tụ tập như vậy. Và cũng mong rằng, mỗi người trẻ chúng ta có suy nghĩ, nhận thức đúng. Hãy cùng lên án các hành vi gây mất trật tự đường phố, bằng hành động thiết thực nhất: không tụ tập, đứng xem lực lượng 141 làm nhiệm vụ.(Anh Nguyễn Hữu Nam - Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hien-tuong-thanh-thieu-nien-tu-tap-xem-luc-luong-141-lam-nhiem-vu-dung-co-suy-cho-nhung-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-post554335.antd