Hiện tượng lúa chết hàng loạt ở Thái Bình: Do 'chua mặn tiềm tàng'?

Sau khi Báo SGGP đăng vệt thông tin 'Ruộng đồng bỗng nhiên nhiễm mặn', Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Thái Bình và Báo SGGP để báo cáo, giải thích về hiện tượng này.

Sau khi Báo SGGP đăng vệt thông tin “Ruộng đồng bỗng nhiên nhiễm mặn”, phản ánh tình trạng hàng trăm hécta lúa và hoa màu của hơn 1.000 hộ dân tại xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bị chết, nghi do nhiễm mặn hoặc do tưới nhầm nước mặn, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Thái Bình và Báo SGGP để báo cáo, giải thích về hiện tượng này.

Chưa xác định rõ nguyên nhân

Công văn do ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, ký, cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Báo SGGP, sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với huyện Thái Thụy, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình kiểm tra, xác minh. Kết quả xác minh của các đơn vị chức năng cho thấy, lúa ở 5 xã lân cận với 2 xã An Tân và Hồng Dũng vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, có khoảng 162ha lúa ở xã An Tân và Hồng Dũng sinh trưởng kém, một số ruộng lúa không trổ bông được hoặc có trổ nhưng bông nhỏ, tỷ lệ hạt bị lép cao.

Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, các đơn vị chức năng đã kiểm tra, xác định có việc HTX nông nghiệp tổ chức lấy nước qua cống Cao Cổ thuộc xã An Tân để bổ sung nước cho vụ đông năm 2022 (người dân cho rằng, việc này đã gây nhiễm mặn ruộng đồng của xã An Tân). Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá của chính quyền địa phương, tại xã An Tân, rau màu vẫn phát triển bình thường.

Các đơn vị chức năng cũng cho rằng, lưu vực cấp nước của cống Cao Cổ không chỉ riêng cho HTX Thụy Tân của xã An Tân và HTX Thụy Dũng của xã Hồng Dũng mà còn một phần của xã Thụy Trường. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, nước có hiện tượng bị nhiễm mặn từ cống Cao Cổ thì toàn bộ diện tích thuộc lưu vực cống Cao Cổ phải bị ảnh hưởng, chứ không riêng phần diện tích của 2 xã trên.

Do đó, Sở NN-PTNT tỉnh xác định nguyên nhân ban đầu là do thời tiết cực đoan (ít mưa) kết hợp với chất đất của diện tích lúa bị ảnh hưởng hầu hết là đất kìm hãm, chua mặn tiềm tàng (đất chua mặn được cải tạo). “Trong điều kiện thời tiết nói trên đã dẫn đến tình trạng tái mặn của đất do hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn cao”, báo cáo cho biết.

Xem xét yếu tố giống lúa

Tại cuộc làm việc của Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình với nhóm phóng viên Báo SGGP, ông Đỗ Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình (Công ty Bắc Thái Bình), cho biết, ông mới chuyển về công ty này từ ngày 1-12-2022. Trước khi về Công ty Bắc Thái Bình, ông đã có 3 năm xử lý trường hợp tương tự tại khu vực Nam Thái Bình.

Tại các xã Đông Long, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) đều có hiện tượng này và xảy ra khi nguồn nước thấp (kém) cùng những năm xâm nhập mặn lên cao, độ mặn vào sâu. Sau khi bà con phản ánh, khoảng tháng 4, cơ quan chức năng kiểm tra độ mặn ở mặt ruộng và đáy sông thì độ mặn lòng sông thấp hơn mặt ruộng.

“Tôi xác định ngay, hiện tượng này đúng như bên huyện Tiền Hải những năm trước. Tức là do thời tiết, mưa ít, nắng nóng bị bốc chua mặn, cộng với giống lúa cấy không đúng cơ cấu. Nếu như nguồn nước dồi dào, đè được mặn để mặn không bốc lên hoặc mưa nhiều, thì sẽ hạn chế được mặn bốc lên.

Ở huyện Tiền Hải đã có 2 năm liên tục bị hiện tượng này, tôi là người trực tiếp xử lý”, ông Tùng cho biết. Bên cạnh đó, báo cáo của Sở NN-PTNT cũng cho rằng, một số hộ nông dân đã sử dụng các giống lúa không phù hợp với vùng đất nhiễm mặn, nên lúa kém phát triển, không trổ bông hoặc có trổ nhưng bông nhỏ, tỷ lệ lép cao là không tránh khỏi.

Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Thái Bình, đối với vùng đất bị kìm hãm chua mặn, cơ quan chuyên môn đều có khuyến cáo về giống phải chịu được mặn (phải chọn được giống phù hợp với 20% cơ cấu). Trong 162ha lúa chết ở các xã An Tân và Hồng Dũng, có cả giống khác (ví dụ lúa lai không chịu được mặn và giống lúa thuần như ST25 tự đưa về). Sơ bộ, phần diện tích bị thiệt hại nặng chủ yếu là giống lúa thuần. Theo cơ cấu mùa vụ, những giống đó không nên trồng ở vùng này.

Sau khi có thông tin trên Báo SGGP, đơn vị chức năng đã kiểm tra các mẫu đất và mẫu nước. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nguyễn Mạnh Khương thông tin: Vấn đề Báo SGGP phản ánh là đúng. Thái Bình là vùng trọng điểm lúa của cả nước. Chúng tôi xác định cây lúa vẫn là cây chủ lực, nên khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã vào cuộc rất quyết liệt. Diện tích thiệt hại là lớn. Sở NN-PTNT tỉnh sẽ tiếp tục có những xem xét sâu hơn, tìm rõ nguyên nhân; đồng thời sẽ có giải pháp tăng cường công tác quản lý, từ chỉ đạo sản xuất, cơ cấu giống đến thời điểm, thời vụ sản xuất. Trong điều tiết nước phải có sự giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN-MT tỉnh Thái Bình) cho thấy, các mẫu nước và đất đều nhiễm mặn. Đến thời điểm này, người dân ở xã An Tân vẫn cho rằng, sở dĩ lúa chết, rau màu không lớn được là do đồng ruộng nhiễm mặn, mà nguyên nhân bị nhiễm mặn được nghi là do nguồn nước từ cống Cao Cổ.

VĂN PHÚC - ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hien-tuong-lua-chet-hang-loat-o-thai-binh-do-chua-man-tiem-tang-post695137.html