Hiện tượng 'hôi của' của đám đông dưới góc nhìn tâm lý

Không phải tất cả những cá nhân tham gia vào đám đông “hôi của” đều có bản chất “hôi của”, mà đôi khi họ bị đám đông làm lu mờ bản chất tốt đẹp vốn có.

Ngày 1/11, trên Quốc lộ 1D (đoạn qua phường Ghềnh Ráng, Bình Định), một xe tải chở hàng bốc cháy, lửa bao trùm hết thùng chứa hàng phía sau.

Khi đám cháy được dập tắt, chỉ còn lại vài chiến sĩ công an bảo vệ hiện trường thì người dân xông vào “hôi của”. Tuy công an và một số người dân khác đã ngăn cản nhưng không được. Tài xế Lê Tấn Duy (25 tuổi, quê Phú Yên) bật khóc trong tuyệt vọng.

Ảnh cắt từ clip.

Đây không phải là lần đầu việc “hôi của” xuất hiện ở Việt Nam. Cách đây vài năm, cộng đồng cũng lan truyền đoạn video ghi lại vụ “hôi bia” ở Đồng Nai. Vậy chúng ta có thể giải thích hiện tượng này như thế nào với góc nhìn của Tâm lý học đám đông?

Theo nghĩa thông thường, đám đông có nghĩa là sự kết hợp của những cá nhân bất kỳ không phụ thuộc vào dân tộc, giới tính và nguyên do kết hợp. Với cùng một mối quan tâm là khi xe cháy hay xe gặp tai nạn, các cá nhân bắt đầu hợp nhau lại để trở thành một đám đông.

Sẽ chẳng có chuyện “hôi của” xảy ra nếu như mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Mọi người chỉ đơn giản là tạo thành đám đông vì tò mò, với một sự việc mới lạ và có cường độ mạnh.

Hiện tượng “hôi của” bắt đầu dưới tác động của một hoặc vài kích thích nhất định trong đám đông. Chắc chắn một điều là khi mọi người hợp lại thành đám đông để quan sát xe bị cháy, sẽ có một số người đóng vai trò kích thích hiện tượng “hôi của” và dẫn đường cho những người khác. Họ được xem là những người đi đầu.

Giá như trong trường hợp này, những người đi đầu giúp tài xế thu lượm hàng hóa, chứ không phải là lấy về làm của riêng cho mình thì mọi chuyện đã khác. Từ các kích thích đầu tiên này, những cá nhân khác bắt đầu có cơ chế bắt chước và làm theo.

Ai chịu trách nhiệm với hành động 'hôi của'?

Câu trả lời mà những người trong đám đông “hôi của” tự ý thức được là không ai cả. Khi các cá nhân tham gia vào đám đông, bản thân cá nhân sẽ ý thức được sức mạnh của đám đông.

Các thành viên của đám đông chỉ nguyên với cái cảm giác là số đông đã có một sức mạnh vô địch, cho phép nó hiến mình cho bản năng, điều mà khi chưa là thành viên của đám đông nó nhất thiết phải kiềm chế. Nó sẽ càng sớm tuân theo bản năng vì khi lẫn trong đám đông con người trở nên không tên tuổi và từ đó cảm giác chịu trách nhiệm, cái luôn giữ cho các cá nhân khỏi đi quá đà, hoàn toàn biến mất.

Rõ ràng là những người trong đám đông “hôi của” đã không kiềm chế để hành động theo bản năng của mình. Họ cũng không phải lo lắng vì được làm cùng nhau, không sợ bị truy tố trách nhiệm và cũng không biết được họ là ai vì họ được lẫn vào đám đông.

Sự lây nhiễm đáng sợ

Trong đám đông, mỗi một tình cảm, hành động đều bị lây nhiễm rất nhanh. Trong đám đông “hôi của” cũng thế, mỗi một hành động của cá nhân đều được sao chụp một cách rõ nét và định hướng hành động theo.

Chúng ta thấy rõ ràng hình ảnh “hôi của” của những cá nhân đầu tiên thực hiện, đã lây nhiễm sang các cá nhân khác một cách dễ dàng. Sự lây nhiễm này có nền tảng từ tính dễ bị kích hoạt và dễ bị gợi ý khi tham gia vào đám đông.

Con người sẽ như thế nào khi tham gia vào đám đông?

Khi tham gia vào đám đông, một tập hợp những con người sẽ có những đặc tính hoàn toàn khác biệt với những đặc tính của riêng từng con người trong đó. Như vậy có thể thấy, không phải tất cả những cá nhân tham gia vào đám đông “hôi của” đều có bản chất “hôi của”, mà đôi khi họ bị đám đông làm lu mờ cái bản chất tốt đẹp vốn có. Tư duy độc lập mất đi, hành động bản năng xuất hiện và hình ảnh người Việt Nam trở nên “xấu xí”.

Như vậy, thành viên của một đám đông có những đặc điểm chính sau: Mất đi dần ý thức, vô thức chiếm thế thượng phong, nhận thức và tình cảm bị hướng về một hướng bởi kích hoạt và lây nhiễm, có xu hướng nhất quyết biến những ý tưởng bị kích hoạt thành hành động. Các thành viên lúc này không còn là chính họ nữa, rất khó để làm chủ được những hành động của mình.

Không phải đám đông lúc nào cũng xấu. Còn nhớ hình ảnh của những đám đông anh hùng, liên kết với nhau để giải phóng dân tộc, hình ảnh của những đám đông cùng nhau ủng hộ miền Trung khi mưa lũ. Đám đông đều có thể trở nên tiêu cực hoặc tích cực.

Vậy làm sao để chúng ta không bị cuốn vào những đám đông tiêu cực? Điều đó thật sự không dễ. Chính mỗi người phải tự rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập và phải đặt câu hỏi cho bản thân, trước khi quyết định mình có trở thành một phần của đám đông hay không.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/hien-tuong-hoi-cua-cua-dam-dong-duoi-goc-nhin-tam-ly-91522/