Hiện thực hóa khát vọng mục tiêu hạnh phúc của Đảng ta

'Hạnh phúc cho mọi người', đó là chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) năm nay và cũng là mong ước chung của nhân loại.

Trước khi Liên hợp quốc chọn Ngày Quốc tế Hạnh phúc, tại Việt Nam, khát vọng hạnh phúc đã được thể hiện ngay dưới quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”...

“Hạnh phúc cho mọi người”, đó là chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) năm nay và cũng là mong ước chung của nhân loại.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: Sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc, tại Việt Nam

Trên cơ sở ý tưởng của Bhutan, vào tháng 6 năm 2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Ngày 20/3/2013, Liên hợp quốc đã tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên với thông điệp chính “Hãy hành động vì hạnh phúc” được phát động trên toàn cầu.

Thế nhưng, trước khi có Ngày Quốc tế Hạnh phúc, tại Việt Nam, hạnh phúc của nhân dân đã trở thành khát vọng, mục tiêu hành động của Đảng và Nhà nước ta.

Tại Sắc lệnh số 50-SL ngày 9/10/1945, do Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch lâm thời Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ký, lần đầu tiên 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đứng trang trọng dưới dòng chữ “Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Sở dĩ có 6 chữ đó vì theo Sắc lệnh số 49 “xét vì bắt đầu từ ngày 2/9/1945, nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập cho toàn thể quốc dân và thế giới biết. Xét vì ngày 24/8/1945, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và giao chính quyền lại cho Chính phủ dân chủ cộng hòa. Xét vì cần nêu cao một kỷ nguyên mới để đánh dấu vào lịch sử nước ta: Độc lập, tự do và hạnh phúc”.

Đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo nước ngoài: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và Người đã nguyện cùng Đảng ta, Nhân dân ta kiên trì thực hiện “ham muốn tột bậc” đó.

Ngày 16/71947, trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), Người đưa ra việc thực hiện “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “dân sinh hạnh phúc”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân để “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Thành tựu của gần 40 năm đổi mới là kết quả nỗ lực và kiên trì vì mục tiêu, khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn duy trì với tốc độ tăng khá cao so với mức tăng trưởng chung của toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động duy trì ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2022 đã ở mức 73,6 tuổi, tăng 0,3 tuổi so với năm 2015. Đời sống người dân không ngừng cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Vì thế, Việt Nam được đánh giá là đã hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng. Bình đẳng giới đã được chú trọng, khoảng cách giới đã dần dần được thu hẹp trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Giá trị truyền thống “nhân văn, nhân ái”, sự hiếu thảo của con cái cũng được tiếp tục phát huy trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển đổi.

Đánh giá về chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam được đo lường theo tiêu chí của Liên Hiệp quốc cho thấy, chỉ số này có xu hướng tăng trong những năm gần đây, từ 5,061 điểm, xếp vị trí thứ 94/149 quốc gia năm 2016, lên 5,411 điểm, xếp vị trí thứ 79 năm 2021. Năm 2022 chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đạt 5,485 điểm, xếp vị trí thứ 77. Năm ngoái, nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 được công bố, đánh dấu tròn 1 thập kỷ Liên hợp quốc thực hiện sáng kiến thúc đẩy hạnh phúc quốc gia.

Trong báo cáo lần này, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Đây là kết quả nỗ lực hiện thực hóa khát vọng mục tiêu hạnh phúc của Đảng và Nhà nước gần một thế kỷ qua. Điều này đã là minh chứng hùng hồn bác bỏ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, xuyên tạc sự thật về hạnh phúc ở Việt Nam.

Thực tế đã khẳng định, hiện thực hóa khát vọng “đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” luôn là kim chỉ nam trong hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi vì “Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”./.

Đỗ Phú Thọ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-muc-tieu-hanh-phuc-cua-dang-ta-309306.html