Hiện thực hóa đánh thức bãi giữa sông Hồng thành không gian văn hóa

Để hiện thực hóa định hướng xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng, TP Hà Nội cần nghiên cứu quy hoạch chi tiết Bãi Giữa sông Hồng. Quy hoạch là nguồn lực quan trọng, thể hiện tầm nhìn, giúp cho TP Hà Nội bổ sung, hoàn thiện quy hoạch và Luật Thủ đô.

Những ý kiến trên được đưa ra trong Hội thảo khoa học "Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp" do Sở VH&TT, Sở QHKT Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc cùng các đơn vị liên quan tổ chức, trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Quang cảnh Hội thảo.

Đánh thức Bãi Giữa sông Hồng

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/TTg ngày 26/7/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.

Hiện nay, Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP phê duyệt. Theo các chuyên gia, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực Bãi Giữa sông Hồng, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội của TP.

Bãi Giữa sông Hồng. Ảnh: Hải Linh

Đề xuất phương án, các chuyên gia cho rằng, xây dựng công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng sẽ trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: "Việc nghiên cứu, cải tạo Bãi Giữa, bãi bồi sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của Bãi Giữa sông Hồng, tạo không gian mở, xanh, đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, tham quan du lịch hấp dẫn du khách, giải quyết bài toán thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa, sáng tạo, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi và triển lãm nghệ thuật của người dân Thủ đô. Đây sẽ là điểm tựa để đưa con sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội, trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả vùng Thủ đô và TP Hà Nội. Đặc biệt, việc xây dựng không gian này sẽ cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử".

Đồng quan điểm, nhận định Bãi Giữa là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị, TS.KTS Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng. Khách du lịch đến Thủ đô không chỉ cảm nhận một không gian sống mật độ cao, tích tụ nhiều tầng văn hóa, mà còn được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh, sinh thái trên mặt nước.

Việc quản lý, khai thác không gian công cộng Bãi Giữa sông Hồng tạo thành điểm tham quan du lịch bổ trợ cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về quản lý, chống lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, khôi phục lại giao thông đường sông, cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tạo lập hình ảnh thành phố hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc và truyền thống lâu đời, cùng với việc tôn trọng các khu vực bảo tồn, đặc biệt là đoạn đi qua đô thị trung tâm.

Nhiều thách thức

Mặc dù xác định không gian vùng bãi có chiến lược quan trọng trong phát triển của quận nhưng vấn đề quản lý Bãi Giữa còn nhiều bất cập như: Nhiều diện tích đất hoang hóa chưa được đưa vào khai thác; phát sinh các vấn đề vi phạm đê điều; các hộ thuê thầu đang tổ chức sản xuất theo hướng tự phát...

Quang cảnh Bãi Giữa sông Hồng.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: Hiện nay, phần lớn diện tích Bãi Giữa nằm trong khu vực giáp ranh giữa các quận nên việc phân định ranh giới trên thực địa gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực này chưa được quan tâm, thống nhất phương thức quản lý dẫn đến tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng.

Ngoài những khó khăn nhìn thấy, tại hội thảo nhiều đại biểu cũng cho rằng, những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy chưa kết nối được đến khu vực Bãi Giữa cũng là thách thức lớn trong việc quy hoạch phát triển cho khu vực này.

Để có thể khai thác xây dựng công viên một cách hiệu quả, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khi quy hoạch công viên văn hóa cảnh quan ở khu vực Bãi Giữa sông Hồng cần đặc biệt quan tâm đến việc kết nối các yếu tố cốt lõi như thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng xã hội vì không chỉ mang thiên nhiên đến cho việc thư giãn và rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi cho các hoạt động văn hóa, giao lưu xã hội. Việc quy hoạch và thiết kế công viên tốt không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị mà còn giúp cho đô thị trở nên bền vững hơn. Hơn nữa, cần phải quan tâm đến tác động của một khu đô thị tới môi trường nhất là sức chịu tải của bãi bồi khi nơi đây trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí.

Còn theo Chủ tịch quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà: "Cơ chế chính sách cần được tháo gỡ đầu tiên là giao chính quyền Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất. Cụ thể, Luật Thủ đô và Luật Đất đai sửa đổi giao TP quyết định khai thác quỹ đất nông nghiệp bãi sông".

Đề án “Xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” sẽ còn tiếp tục được lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, kiến trúc sư trong ngành để hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng”, để biến hai bên bờ sông và Bãi Giữa trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, cần có sự vào cuộc quyết liệt, tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và người dân.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hien-thuc-hoa-danh-thuc-bai-giua-song-hong-thanh-khong-gian-van-hoa.html