Hiến kế giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu

Mặc dù đạt nhiều kết quả về kinh tế - xã hội trong năm 2023, song Nghệ An vẫn có chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một số chương trình, dự án còn chậm; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đang mang tính cào bằng, diện rộng... Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu dự Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII phải tập trung trí tuệ, thảo luận, đưa ra những hiến kế, giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Cụ thể trách nhiệm trước những tồn tại, hạn chế

Nói về nỗ lực của tỉnh trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết: mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế duy trì được đà tăng trưởng khá, ước đạt 7,14%, đứng thứ 26 cả nước và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ; thu ngân sách vượt dự toán được giao; thu hút đầu tư là điểm sáng nổi bật, năm thứ 2 liên tiếp đứng trong tốp 10 các địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng số vốn đạt trên 1,4 tỷ USD… Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực;...

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song như nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý, năm 2023 vẫn còn 3 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo áp lực lớn đến việc hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một số chương trình, dự án còn chậm… “Một số ngành, địa phương, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu chủ động trong tham mưu, giải quyết công việc; công tác phối hợp có lúc còn chậm, lúng túng, nhất là trong đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án…”, ông Quý nhấn mạnh.

Trước thực tế trên, đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành cần phân tích, “mổ xẻ” rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan ở góc độ quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cấp, các ngành; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả đối với các hạn chế đã chỉ ra liên quan quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Đại biểu Trần Ngọc Sơn thì cho rằng, UBND tỉnh cần xác định rõ các điểm “nghẽn” trong 4 chỉ tiêu không đạt trong năm 2023; chỉ rõ vấn đề nào do cơ chế, chính sách; vấn đề nào do yếu tố khách quan, chủ quan và trách nhiệm rõ ràng từng ngành, đơn vị, địa phương, để HĐND tỉnh đánh giá toàn diện, đưa ra các quyết nghị phù hợp trong năm 2024.

Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ hiệu quả

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Dương Đình Chỉnh cho rằng, sức sống của các mô hình còn yếu, sản xuất còn manh mún, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thủ tục giao đất còn vướng... Đại biểu đề nghị xem xét, điều chỉnh các chính sách phát triển nông nghiệp vì nhiều chính sách còn manh mún, hiệu quả chưa cao; UBND tỉnh cũng cần xem xét phân cấp cho cấp huyện trong việc giao, cho thuê đất nông nghiệp...

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Lân đánh giá: thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đang mang tính cào bằng, diện rộng, có những chính sách không thực hiện được… Do đó, UBND tỉnh cần rà soát lại, thực hiện chính sách theo 2 hướng: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu và khắc phục sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thiên tai. Ở góc nhìn khác, đại biểu Chu Đức Thái cho rằng, sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn còn nhiều khó khăn, tỉnh cần tạo điều kiện về mặt pháp lý, quỹ đất để các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hoạt động và nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm. Còn theo đại biểu Lê Đức Cường, cần tính toán chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, có thể kéo dài vụ Đông Xuân để phòng tránh thiên tai.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ. Ảnh: M. Hoa

Liên quan đến thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, đại biểu Dương Đình Chỉnh cho rằng, cần điều chỉnh cách thức, tiêu chí hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh đề nghị, tỉnh quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa; xây dựng bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa cơ sở để phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ngành Nông nghiệp rà soát các chính sách theo hướng trọng tâm, trọng điểm và chọn lựa những lĩnh vực có hiệu quả… “Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp cần cả một quá trình, tổng hợp đầy đủ các yếu tố, huy động được sự tham gia của thành phần. UBND tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến và có giải pháp hiệu quả hơn”, ông Trung nhấn mạnh.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện toàn tỉnh có 319 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 88 xã nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu. “Đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngành Nông nghiệp quan tâm tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy điều chỉnh cách hỗ trợ phù hợp hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/hien-ke-giai-phap-thuc-hien-thang-loi-cac-muc-tieu-i353468/