Hiện đại là diện mạo, bản sắc là cốt lõi

Sân khấu thủ đô cũng như cả nước đang thiếu vắng đề tài hiện đại, chưa đi vào những vấn đề nóng bỏng, gai góc của cuộc sống đương đại; chưa khai thác sâu tâm lý, suy tư của con người hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, chính việc xa rời những câu chuyện thời sự khiến nhiều vở diễn mất đi sức hút, đặc biệt với giới trẻ; tất nhiên, trong quá trình 'hiện đại hóa', vẫn phải giữ được vốn cổ.

Thiếu vắng đề tài mang hơi thở đương đại

“Nhìn kịch mục của Nhà hát Chèo Hà Nội ta thấy những vở diễn như: Cô Son, Oan khuất một thời, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngọc Hân Công chúa, Vương nữ Mê Linh, Trung trinh liệt nữ, Cánh chim trắng trong đêm, hay mới đây là vở Cánh diều làng Vũ Đại... Tất cả đều là đề tài lịch sử, dã sử hoặc truyền thuyết dân gian. Thiếu vắng những vở diễn mang hơi thở của cuộc sống đương đại! Đó là món nợ của tất cả những người hoạt động sân khấu đối với khán giả thủ đô” - NSƯT Trịnh Quang Khanh chia sẻ tại hội thảo “Sân khấu thủ đô với tính truyền thống và hiện đại” diễn ra mới đây.

Sân khấu Thủ đô đang thiếu các vở diễn đề tài đương đại. Ảnh: VN+

Đồng tình với ý kiến trên, tác giả Lệ Dung nhận định, sân khấu thủ đô những năm gần đây các vở diễn có đề tài hiện đại đều thành công ở loại hình kịch nói. Sân khấu kịch hát truyền thống ít tác phẩm về đề tài hiện đại hơn. Bởi việc kể câu chuyện hiện đại trên sân khấu kịch hát mà vẫn giữ được đặc trưng không đơn giản... Không chỉ ở sân khấu thủ đô, đời sống sân khấu cả nước cũng lâm vào tình cảnh này; rõ ràng sân khấu thủ đô và cả nước đều thiếu vắng đề tài hiện đại, đi vào những vấn đề nóng hổi, gai góc trong cuộc sống hôm nay.

Theo tác giả Lệ Dung, xa rời những câu chuyện thời sự đang diễn ra xung quanh cuộc sống hàng ngày khiến nhiều vở diễn cũng mất đi sức hút công chúng. Đặc biệt là thế hệ trẻ không dành nhiều quan tâm cho bộ môn nghệ thuật này. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức của khán giả khá lớn, chỉ cần sự dấn thân mạnh mẽ của giới làm nghề sẽ tạo bước chuyển mình trong mảng đề tài này trên sân khấu thủ đô.

Đây cũng là trăn trở của nhiều nhà hát trong bối cảnh hiện tại. Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - NSND Nguyễn Trung Hiếu cho biết đang thiếu những kịch bản chất lượng cao mang hơi thở cuộc sống đương đại; các thế hệ nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của nước ta, nhiều người đã cao tuổi hoặc không còn trên văn đàn, người còn người mất, để lại khoảng trống khó lấp đầy. Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc; các ngòi bút trẻ có quan tâm tới đề tài đương đại, tuy vậy tác phẩm thường mắc phải những hạn chế: hình tượng nhân vật không tiêu biểu, tinh thần và nội dung truyền tải chưa rõ ràng, tính cách nhân vật chưa nhất quán, tình huống kịch sơ sài … Vì thế, nhiều tác phẩm mang tính đương đại nhưng khó đưa vào dàn dựng.

NSND Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, thừa nhận thực tế sân khấu thủ đô đang thiếu đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, có bản lĩnh dũng cảm đi trước, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ. Sân khấu hiện chưa có nhiều tác giả xông vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển. "Chúng ta cũng thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp, cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự dễ dãi của người thưởng thức nên sân khấu không có được nhiều những tác phẩm đỉnh cao..."

Có sự chuẩn bị và đầu tư phù hợp

“Để có được một tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, chúng ta cần có kế hoạch đào tạo và phát triển nhân lực dài hơi; đồng thời, cần có Hội đồng nghệ thuật cấp đơn vị để kịp thời định hướng, đào tạo, giúp đỡ và cùng xây dựng những kịch bản mang tính hiện đại, phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đương đại của khán giả nhưng vẫn đi đúng theo phong cách và định hướng nghệ thuật của đơn vị” - NSND Nguyễn Trung Hiếu đề xuất.

Trên thế giới có nhiều tác phẩm sân khấu khiến khán giả trầm trồ kinh ngạc về chất lượng nghệ thuật, thẩm mỹ, sự tân tiến của kỹ xảo, kỹ thuật công nghệ được ứng dụng trong các tác phẩm, như Lion King, O show… Việc ứng dụng công nghệ vào các tác phẩm nghệ thuật không còn là mới mẻ, thậm chí đã ở một tầm cao khó với tới. “Định hướng được sự phát triển không thể khác của nền công nghiệp văn hóa, chúng ta cần có sự chuẩn bị và đầu tư phù hợp, đúng lúc - đúng chỗ. Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và khoa học - công nghệ chắc chắn sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm ấn tượng khó quên, kéo khán giả đến với sân khấu, đến với nghệ thuật; đồng thời, việc hiện đại hóa trang thiết bị cho các đơn vị nghệ thuật giúp giảm bớt và phá bỏ rào cản giữa khán giả quốc tế và các tác phẩm nghệ thuật, giúp các đơn vị tiếp cận gần hơn, dễ dàng hơn với các đối tượng khán giả bằng nhiều ngôn ngữ và cách thức khác nhau” - NSND Nguyễn Trung Hiếu nói.

Nghệ thuật truyền thống sống trong xã hội hôm nay, biểu diễn cho khán giả hôm nay xem, nên cần mang tính hiện đại, để kéo khán giả gần hơn, hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du lưu ý: “hiện đại” là diện mạo, còn bản sắc truyền thống chính là cốt lõi, là nền móng; sân khấu đã có không ít bài học tiến lên “hiện đại” và mai một vốn cổ quý báu. Bởi vậy, với sân khấu hôm nay, truyền thống và hiện đại vẫn luôn phải song song phát triển, hiện đại song vẫn giữ hồn cốt của từng loại hình nghệ thuật mà các thế hệ đi trước đã dày công sáng tạo.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/hien-dai-la-dien-mao-ban-sac-la-cot-loi-i339064/