Hiểm họa khôn lường từ việc sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô

Rất nhiều người dân Hà Tĩnh vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Việc sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật.

Vào buổi sáng cách đây hơn 1 tuần, anh Nguyễn Văn S. (SN 1989, trú phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) điều khiển ô tô chở cả gia đình về quê ngoại ở xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân). Khi phương tiện đang di chuyển trên tuyến tỉnh lộ 547 đoạn qua xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), thấy có chuông báo tin nhắn facebook từ đồng nghiệp gửi tới, theo thói quen, anh S. mở điện thoại và nhắn tin trả lời.

Khi đang nhắn tin trao đổi qua lại bằng điện thoại, xe của anh S suýt va chạm với một ô tô khác chạy cùng chiều phía trước khi phương tiện này đột ngột giảm tốc độ. May mắn là nam tài xế kịp giẫm phanh, giảm ga nên đã tránh được vụ va chạm. Tuy vậy, sự việc cũng khiến các thành viên trong gia đình anh S. phen hú vía.

Trên ô tô của nhiều người thường có lắp đặt thêm thiết bị để có thể sử dụng điện thoại khi lái xe, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT.

Ngay sau vụ va chạm hụt, nam tài xế tấp xe vào lề đường và trao đổi xong công việc với đồng nghiệp rồi mới tiếp tục hành trình.

“Thời điểm đó, xe ô tô chạy phía trước giảm tốc độ đột ngột quá và cũng do bản thân mình sử dụng điện thoại nên không tập trung điều khiển phương tiện. Rất may là sai sót của mình không gây hại cho mọi người trong gia đình và xe phía trước”, anh Nguyễn Văn S. chia sẻ.

Theo lời anh S., nhận thấy nguy hiểm của việc vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại nên từ sau sự việc đó, mỗi khi có điện thoại, tin nhắn, anh đều dừng xe lại và xử lý xong việc. Anh cũng chủ động tháo bỏ giá đỡ điện thoại lắp trên ô tô trước đó.

Trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe khiến cho tài xế khó phản ứng kịp trước những tình huống giao thông bất ngờ (Ảnh minh họa).

Nhiều năm trở lại đây, điện thoại di động đã trở thành “vật bất ly thân” đối với nhiều người. Điện thoại giờ đây không chỉ để nghe, gọi, chụp ảnh, nhắn tin mà còn kết nối các trang mạng xã hội. Vậy nên, điện thoại di động được nhiều người sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi, thậm chí cả khi đang tham gia giao thông.

Trên các tuyến đường, không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển phương tiện giao thông vừa sử dụng điện thoại nghe gọi, nhắn tin.

Không chỉ có người lái xe mô tô, xe gắn máy, hiện nay, với người điều khiển ô tô, xe khách, xe tải.., rất dễ bắt gặp hình ảnh các tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Việc nghe điện thoại khi đang lái xe khiến người điều khiển phương tiện dễ mất tập trung vì vậy rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).

“Khi tham gia giao thông, tài xế cần phải tập trung để điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại khiến tài xế mất tập trung, khó phản ứng kịp trước những tình huống bất ngờ nên việc xảy ra va chạm, tai nạn là điều rất dễ xảy ra” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân đánh giá.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp vì dùng điện thoại di động khi tham gia giao thông, gây ảnh hưởng cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí gây ra tai nạn.

Tài xế Nguyễn Văn Khải bị TAND huyện Cẩm Xuyên tuyên phạt 36 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Cách đây 3 tháng, TAND huyện Cẩm Xuyên vừa xét xử và tuyên phạt Nguyễn Văn Khải (SN 1997, trú xã Sông Lô, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) 36 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của tài xế Khải xuất phát từ việc vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại. Theo đó, ngày 13/12/2022, tài xế này điều khiển ô tô tải chở hàng di chuyển trên quốc lộ 1 theo hướng từ TP Hồ Chí Minh ra Nam Định.

Khi chuyển tới xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên), do vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe nên ô tô của Khải đã tông trúng ông Nguyễn Hữu V. (SN 1974, trú xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm) đang đạp xe cùng chiều phía trước. Hậu quả, ông V. văng xuống đường, tử vong tại chỗ.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân cho hay: Tình trạng sử dụng điện thoại khi lái xe là hành vi vi phạm ATGT khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là với người điều khiển ô tô. Nếu không có những giải pháp nhằm ngăn chặn, tỷ lệ các vụ TNGT liên quan đến hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ tăng cao.

Theo ông Tân, để không vi phạm pháp luật và tránh gây ra TNGT do sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe, tài xế cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với sự an toàn của bản thân và người tham gia giao thông, trường hợp có điện thoại hoặc tin nhắn nên dừng xe trả lời và tuyệt đối không nhắn tin hay lướt mạng khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật ATGT; lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông...

Quỳnh Chi

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ban-doc-viet/hiem-hoa-khon-luong-tu-viec-su-dung-dien-thoai-khi-dieu-khien-o-to/251620.htm