Hết thời kỹ sư công nghệ được nuông chiều

Nhiều kỹ sư công nghệ Mỹ cho biết quá trình tuyển dụng ngày càng khắt khe. Một số người phải trải qua các bài kiểm tra 'khó nhằn', như lập trình ứng dụng chỉ trong 2-3 tiếng.

“Các cuộc phỏng vấn việc làm ở ngành công nghệ gần đây đã đạt đến mức vô lý mới”, Buzz Andersen, kỹ sư từng làm việc tại Apple, Square và Tumblr, gần đây đã quay trở lại thị trường việc làm, chia sẻ trên mạng xã hội tháng trước.

Catherine, người có hơn 5 năm kinh nghiệm tại một công ty công nghệ, cũng có chung nhận định. Cuối năm 2023, khi trở lại thị trường tuyển dụng sau một thời gian dài nghỉ ngơi, Catherine nhận ra thật quá khó để tìm kiếm việc làm ở vị trí kỹ sư phần mềm, theo Wired.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Catherine được giao một nhiệm vụ về nhà. Đó là xây dựng một ứng dụng desktop, kết nối với một mô hình hệ thống phụ trợ và cung cấp tài liệu chi tiết cho từng bước. Sau cả ngày dài lập trình mà vẫn không thể hoàn thành, Catherine đã rút lại đơn xin việc.

“Nếu công ty yêu cầu thêm một tính năng mới vào ứng dụng có sẵn trong khung thời gian trên thì sẽ hợp lý hơn. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu cảnh báo cho những khó khăn chồng chất mà người đi xin việc trong ngành công nghệ sẽ phải đối diện", Catherine nói.

Văn hóa thân thiện với lập trình viên của Thung lũng Silicon (Mỹ) đang trên đà thoái trào. Sau đợt tuyển dụng rầm rộ do đại dịch, các công ty công nghệ buộc phải sa thải hàng loạt và cắt giảm đặc quyền trong văn phòng.

Đã qua rồi thời các nhà quản lý nhân sự của Google tìm hiểu ứng viên bằng những câu đố thông minh, hay các kỹ sư ở Thung lũng Silicon dễ dàng tìm được việc làm với mức lương khởi điểm 6 con số.

Giờ đây, các nhà quản lý đang biến quá trình tuyển dụng vị trí kỹ sư công nghệ thành một cuộc thử thách khó nhằn hơn, theo chia sẻ của các kỹ sư, nhà tuyển dụng và lãnh đạo doanh nghiệp với Wired.

Catherine gặp khó khăn khi quá trình tuyển dụng đang ngày càng khắt khe. Ảnh minh họa: Christina Morillo/Pexels.

Cán cân quyền lực thay đổi

Trước đây, những bài test tuyển dụng mang về nhà, với yêu cầu viết code, là rất hiếm. Chỉ ứng viên nào cần thuyết phục thêm nhà tuyển dụng mới cần làm thêm.

Nhưng hiện các kỹ sư thường xuyên được yêu cầu phải xây dựng app và hoàn thành trong vòng 2-3 tiếng, trong khi những dự án như vậy cần vài tuần đến vài tháng.

Trong email gửi ứng viên trước buổi phỏng vấn cho vị trí kỹ sư phần mềm tại Netflix, nhà tuyển dụng đã yêu cầu người này gửi bản đánh giá dự án dài 3 trang trong vòng 48 giờ. Tất cả đều diễn ra trước vòng phỏng vấn đầu tiên. Người phát ngôn của Netflix từ chối bình luận vấn đề này, cho biết quy trình này sẽ khác nhau đối với từng vị trí.

Mọt email tương tự tại Snap cũng mô tả quy trình phỏng vấn gồm 6 vòng dành cho một ứng viên kỹ sư tiềm năng, mỗi vòng kéo dài 1 tiếng. Người phát ngôn của công ty cho biết quy trình phỏng vấn của họ trước giờ vẫn vậy.

Các nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên thực hiện các bài kiểm tra viết code khó nhằn, vốn dĩ cần nhiều tuần để hoàn thành. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

"Cán cân quyền lực đang nghiêng về phía nhà tuyển dụng" là nhận định của Laszlo Bock, nhà điều hành tuyển dụng tại Google, nhà quản lý quy trình tuyển dụng tại Google 10 năm qua và hiện là cố vấn tại công ty quỹ rủi ro General Catalyst.

Theo ông Bock, sự thay đổi này một phần là do làn sóng sa thải hàng loạt, từ đó nhà tuyển dụng có khả năng thể hiện sức mạnh của họ hơn trong một thị trường lao động cạnh tranh cao. Nhưng điều này cũng kéo theo những chuyển biến tâm lý của người xin việc.

"Đã qua rồi thời kỹ sư công nghệ được nuông chiều, 'khích lệ sống thật ở chốn công sở' hay 'làm việc tại bất kỳ địa điểm nào'. Hiện các lãnh đạo cấp cao đang chuyển hướng sang lối quản lý khắc nghiệt hơn xưa", ông chia sẻ thêm.

Kết cục là các lập trình viên bị sốc văn hóa và tốn hàng giờ làm việc miễn phí thông qua những vòng tuyển dụng.

Các lập trình viên tìm việc làm đang phải đối mặt là sự lạc lõng, sốc văn hóa và hàng giờ làm việc miễn phí. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Khó khăn không hồi kết

Năm ngoái, theo ước tính của công cụ theo dõi lượt sa thải trực tuyến Layoffs.fyi, khoảng 260.000 nhân sự đã bị cho nghỉ việc tại 1.189 công ty công nghệ.

Tình trạng mất việc làm vẫn tiếp tục kéo dài đến năm 2024, buộc lượng nhân tài dồi dào phải gia nhập một thị trường vốn đã cạnh tranh. Ước tính sẽ có khoảng 41.000 nhân viên công nghệ sẽ bị sa thải trong năm nay.

Tất nhiên, không phải tất cả nhân viên công nghệ bị mất việc đều là lập trình viên. Kỹ sư công nghệ vẫn được coi trọng trong các công ty công nghệ, và thường sở hữu mức lương thưởng chỉ thấp hơn nhóm quản lý cấp cao.

Aline Lerner, người điều hành nền tảng luyện tập phỏng vấn Interviewing.io, tin rằng tổng số lập trình viên bị sa thải năm ngoái là gần 15.000 người. Cùng với đó, dữ liệu từ nền tảng này cho thấy tiêu chuẩn phỏng vấn cho vị trí kỹ sư công nghệ cao hơn đáng kể.

"Đó là một xu hướng rất rõ ràng, không chỉ diễn ra tại Big Tech mà còn ở nhiều công ty công nghệ khác", cô nói thêm.

Việc tuyển dụng khó khăn sẽ chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Về phía nhà tuyển dụng, một số người cho rằng việc kiểm tra kỹ lưỡng ứng viên tiềm năng là điều cần thiết, bất chấp thị trường lao động thay đổi thế nào.

“Mỗi đợt tuyển dụng đều rất quan trọng đối với chúng tôi. Công ty chỉ có 14 người”, Jessica Powell, cựu nhân viên Google, hiện là CEO của công ty khởi nghiệp AI AudioShake, cho biết.

Nhưng đối với những ứng viên bị yêu cầu chứng minh khả năng lập trình nhiều lần, họ cảm thấy cuộc phỏng vấn xin việc đang dần mất đi mục đích chính.

Do đó, Buzz Andersen đã mạnh dạn từ chối thực hiện bài kiểm tra lập trình đầu vào. May mắn thay, lãnh đạo công ty mà anh ứng tuyển chấp nhận phỏng vấn trực tiếp Andersen.

Catherine cũng quyết định không lãng phí thời gian vào những cuộc đánh giá phỏng vấn nặng nề. Thay vào đó, cô ứng tuyển vào những công ty nhỏ, phù hợp hơn với kỹ năng hơn.

“Sự cạnh tranh để có được công việc kỹ thuật lương cao tại các công ty lớn là quá khó. Tôi đã chọn lọc rất kỹ những công ty nhỏ hơn, nơi có văn hóa doanh nghiệp tốt", Catherine nói.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuu-ky-su-apple-tuyen-dung-nganh-cong-nghe-ngay-cang-vo-ly-post1461885.html