Hết lòng gắn bó cùng cơ sở

Tinh thần trách nhiệm cộng lối vận động khéo léo, thuyết phục của người cán bộ cơ sở góp phần không nhỏ vào việc xây dựng không gian sống bình an, hạnh phúc cho người dân trong khu vực…

Bí thư Chi bộ thôn Bồ Bản Trần Thị Duẫn (ngoài cùng, bên trái) cùng đại diện chi bộ tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại thôn. Ảnh: T.Y

20 năm gắn bó

Chúng tôi đến thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) khi cánh đồng ớt đang giữa mùa thu hoạch. Thời điểm này, người dân ra đồng thu hoạch và chăm sóc cây ớt. Tay thoăn thoắt hái ớt bỏ vào bao, lão nông Trần Văn Trung, một trong 25 hộ trồng ớt tại đây cho hay, trung bình mỗi ngày, người dân Bồ Bản thu hoạch khoảng 250-300kg ớt xanh, lúc được giá có thể bán 20.000-30.000 đồng/kg.

Cũng theo lão nông Trần Văn Trung, chừng mười năm trước, vào thời điểm Hội Nông dân huyện Hòa Vang, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố xây dựng mô hình trồng ớt xanh tại thôn Bồ Bản, nhiều người dân - trong đó có ông - đều cho rằng đây là mô hình không khả thi. Bởi lẽ, cũng trên cánh đồng này, trước đó đã có một số hộ dân trồng ớt xanh nhưng chỉ sau vài đợt thu hoạch, cây ớt xuất hiện tình trạng thối gốc, vàng lá, rụng bông, trái thu hoạch cho chất lượng kém.

“Tôi nhớ khi ấy mỗi lần cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn bà con trồng ớt đều có chị Trần Thị Duẫn, Bí thư Chi bộ thôn đi cùng. Chị động viên bà con thay đổi con giống, cây trồng và phương thức sản xuất bằng cách tiên phong trồng mấy sào ớt theo phương pháp hữu cơ, chăm sóc cây bằng bánh dầu, phân trùn quế... Thời gian sau, nhìn thấy ruộng ớt nhà cô Duẫn phát triển tươi tốt, ra trái dài đẹp, vị thơm, giòn, nhiều gia đình trong thôn đã yên tâm làm theo”, ông Trung phấn khởi nói.

Đứng giữa cánh đồng ớt rộng gần 2ha phát triển xanh tốt, Bí thư Chi bộ thôn Trần Thị Duẫn khẳng định sự đồng lòng của người dân quyết định số lượng cũng như chất lượng trái ớt xanh Bồ Bản thời gian qua. Hiện năng suất bình quân ước đạt 2,5 tấn/sào, nếu so với trồng lúa thì lợi nhuận từ cây ớt khá ổn định, cho thu nhập dàn trải trong nhiều tháng.

Được biết, trước đà tăng trưởng của cây ớt, năm 2019, chị Duẫn cùng đội ngũ cán bộ thôn tìm hiểu thủ tục đăng ký công nhận sản phẩm OCOP. Nhiều cuộc họp mở rộng được chi bộ thôn tổ chức, nhiều câu hỏi người dân đặt ra được chị Duẫn giải đáp tận tình. “Sản phẩm OCOP là cơ sở quan trọng để người dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi một khi đã có thương hiệu, thì việc tiêu thụ ớt chắc chắn dễ dàng hơn”, chị Duẫn phân tích.

Tròn 20 năm “vác tù và hàng tổng”, lúc nào cũng thấy chị Duẫn tất bật, khi thì ở ngoài đồng chăm sóc 5 sào ớt, 5 sào hoa màu, lúc thì xắn tay phân loại rác thải, dọn vệ sinh môi trường hoặc trồng hoa dọc các tuyến đường giao thông nông thôn. Chị nói, ngoài chăm lo kinh tế gia đình, đó cũng là cách chị làm dân vận. Bởi để dân tin, dân theo, trước tiên “mình phải làm gương trước đã”.

Cứ thế, chị Duẫn động viên người dân bằng những việc làm cụ thể, bằng hiệu quả đạt được và bằng trách nhiệm của một người đứng đầu cấp ủy Đảng. Bên cạnh đó, chị xây dựng nhiều mô hình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, như Heo đất tiết kiệm, Ve chai tiếp bước đến trường, Ươm mầm Trạng Nguyên, Heo đất thành heo giống, Ngày 3 tiết kiệm…

“Chi bộ thôn Bồ Bản có gần 50 đảng viên, trong đó khoảng 60% đảng viên tham gia hội, đoàn thể tại địa phương. Đây là yếu tố thuận lợi để chính quyền làm công tác dân vận. Ngoài ra, mỗi khi làm việc gì, tôi đều nhớ đến lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng người làm dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm để có hướng xử lý tình huống hợp tình, hợp lý. Hiện nay công việc tại địa phương rất nhiều, thường xuyên phát sinh những vấn đề mới cần giải quyết trên tinh thần tương thân, tương ái, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân”, chị Duẫn chia sẻ.

Nhiều việc không tên

Ông Đặng Diệu, Tổ trưởng tổ 61 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, sau gần 10 năm làm tổ trưởng, ông phải tận dụng phòng khách để lưu tài liệu, công văn, giấy tờ liên quan đến hoạt động tổ. Trung bình mỗi năm, ông nhận hàng chục văn bản đề cập công tác an sinh xã hội, khuyến học - khuyến tài, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác của địa phương.

Bên cạnh đó, để đủ kiến thức tuyên truyền, vận động người dân học tập và làm theo Bác, ông Diệu bỏ nhiều tháng tìm đọc những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thậm chí, để giúp người thuê trọ đăng ký tạm trú, ông chủ động nghiên cứu Luật Cư trú, giữ mối quan hệ mật thiết với cảnh sát khu vực nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Ông Diệu chia sẻ, trước bất kỳ chủ trương, kế hoạch nào sắp triển khai, tổ trưởng phải là người tìm hiểu trước để truyền đạt cho dân. Cái gì còn khúc mắc, chưa hiểu, cần thẳng thắn trao đổi với cấp trên để tìm ra hướng tuyên truyền hợp lý.

Hết lòng vì công việc, những năm qua, ngôi nhà nhỏ trên đường Lạc Long Quân của gia đình ông Diệu trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân khu dân cư Đa Phước 1. Chưa kể, để kêu gọi người dân tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương, ông Diệu không ngần ngại đến từng nhà động viên, chia sẻ thông tin. Đơn cử cách đây không lâu, nhân ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngoài vận động người dân đóng góp kinh phí hơn 50 triệu đồng, ông còn tỉ mỉ vẽ từng đường sơn lên chiếc trống hội, hay đi mua bao bố, niêu đất phục vụ trò chơi dân gian.

Hầu hết đội ngũ cán bộ cơ sở chúng tôi gặp trước đây, đều nói rằng, bản thân làm được điều gì, sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm, miễn việc ấy mang lại lợi ích cho người dân. Nhiều lúc cần lấy ý kiến số đông nhân dân, họ phải sắp xếp thời gian tổ chức mấy cuộc họp liên tiếp. Cuộc họp này chưa lấy đủ ý kiến thì chờ cuộc họp sau, cho đến khi mọi việc được thống nhất trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, vì mục tiêu phát triển thành phố. Ông Lê Văn Trung,

Trưởng ban Dân vận Thành ủy đánh giá, từ phong trào thi đua dân vận khéo, đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ cơ sở làm tốt công tác dân vận. Đặc biệt, trong bối cảnh mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, công tác dân vận sẽ có nội dung, phương thức vận động khác nhau, đòi hỏi người làm công tác dân vận phải nhiệt tình, linh hoạt, khéo léo và nắm rõ kiến thức.

Theo ông Trung, trong quá trình thực hiện công tác dân vận, mỗi tổ chức, cá nhân cần nắm vững các nguyên tắc, như vận động nhân dân bằng những cử chỉ, hành động, lời lẽ thích hợp, làm cho ai cũng hài lòng, để đạt kết quả như mong muốn.

TIỂU YẾN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202308/het-long-gan-bo-cung-co-so-3954064/