Hẹn nhau nơi đất lạ - Bài học làm du lịch ở Việt Nam

(Toquoc)-Được trích thành một bộ phim tài liệu để trình chiếu tại Việt Nam, chuyến du hành của ngôi sao bóng bầu dục Frederic Michalak tới bản người dân tộc Lô Lô đen ở Cao Bằng trong chương trình Hẹn nhau nơi đất lạ (kênh France 2) đã mang lại nhiều bài học quý giá cho những ai quan tâm đến du lịch.

Khám phá không phải một cuộc đi dạo

Phim mở đầu bằng hình ảnh ngôi sao Michalak tình nguyện bị bịt mắt để lên máy bay tới một quốc gia bí mật. Khi đặt chân đến sân bay Nội Bài, anh mới biết đó là Việt Nam. Nhưng điểm dừng chân của Michalak không phải Hà Nội với dòng xenườm nượp mà mỗi khi sang đường là một lần đấu trí. Anh mất thêm hành trình dài bằng ô tô nữa để lên đến huyện miền núi giáp biên giới Trung Hoa, thuộc tỉnh Cao Bằng. Xe dừng lại bên một cây cầu nhỏ bắc qua con suối nhỏ, nơi anh và biên kịch của chương trình - Frédéric Lopez – làm quen với người liên lạc địa phương và bắt đầu hành trình 2 tuần “khám phá đất lạ” đầy lao lực nhưng không ít giá trị sống bằng một cuộc đi bộ đường rừng gần 4 tiếng đồng hồ vào với bản người Lô Lô đen.

Chương trình Hẹn nhau nơi đất lạ đêm 01 tháng 11 năm 2011 trên đài France 2 (Pháp) ghi lại cuộc hành trình của cầu thủ bóng bầu dục Frederic Michalak tới bản người Lô Lô đen đã thu hút đến 7,7 triệu người xem

Michalak đến đây không phải để chơi mà là để khám phá vùng đất lạ. Và yêu cầu khám phá mà chương trình đặt ra với ngôi sao bóng bầu dục này là phải hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân địa phương. Hay nói cách khác, Michalak - một người nổi tiếng, một công dân Pháp, phải quên đi mình là ai và sống như một người Lô Lô đen trong 2 tuần lễ.

Không có bất kỳ một ưu ái nào dành cho Michalak trong suốt thời gian thử thách đó.

Bữa tối đầu tiên của Michalak tại nhà Phương - một người Lô Lô đen, anh phải cầm đũa ăn cơm như tất cả mọi người trong nhà với mâm cơm chỉ có 1 bát canh rau rừng và 1 bát cá khô kho mặn. Anh không nhăn mặt nhưng cách anh gắp miếng cơm cho biết anh đã rất nỗ lực để có thể ăn được hai bát theo lời mời của chủ nhà.

Các bữa cơm sau đó của Michalak đều chỉ có hai món kể trên, ngoại trừ bữa tiệc chia tay ăn cùng cả làng. Nhưng đương nhiên là không có bánh ngọt, thịt nướng hay bất cứ thức ăn ngoại lai nào đối với người Lô Lô.

Michalak đã vượt qua thử thách này khá dễ dàng. Bởi chỉ hôm sau ra làm nương, anh đã xắn quần đến gối ngồi ăn được 3 bát cơm với cá khô bên bờ ruộng. Tuy nhiên với người dân ở đây thì như thế chưa đạt. Bởi như Tuyền-vợ Phương nói: “Các anh to béo thế mà chỉ ăn có 3 bát, chúng tôi gầy thế này mà ăn được 6 bát cơm”.

Trong 2 tuần, Michalak làm việc như một thành viên của gia đình Phương. Anh phải đi đốn cây tre để đóng cọc làm hàng rào, đi cấy mạ, cày ruộng, cuốc đất làm nương, tắm cho trâu, đi bắt lợn làm giống, xuống chợ bán gạo, hái rau khoai về băm rau nấu cám cho lợn, trông lũ trẻ con nhà Phương, cả đi học lớp xóa mù chữ dạy tiếng Kinh cho người Lô Lô… Tất cả những việc gì một người đàn ông Lô Lô phải làm thì Michalak cũng phải làm.

Mỗi khi anh làm chưa tốt việc gì đó, mọi người ai cũng cười nhưng là cười vui chứ không cười nhạo. Và Tuyền bảo anh: “Làm quen rồi thì sẽ không khó. Đừng bỏ cuộc”. Michalak đã không bỏ cuộc. Anh luôn giấu những tiếng thở dốc mệt lử người để làm đến cùng công việc được giao.

Chỉ khi ngồi tâm sự riêng với Lopez, anh mới chia sẻ: “Một ngày tập luyện trước giải đấu cúp thế giới chỉ giống như đi dạo quanh đây một vòng” và “nếu đội tuyển quốc gia mà đến đây tập luyện trước mùa giải thì họ sẽ 40 lần vô địch thế giới”.

Hai tuần ở với người Lô Lô, Michalak khám phá ra bao giá trị sống mới mà ở một quốc gia văn minh như Pháp, anh không tìm thấy. Đó là những nụ cười, là khái niệm vô cùng giản đơn về hạnh phúc: mùa màng không bị thất bát, cái ăn có đủ, được lao động và chờ vợ về ăn cơm.

Ở mảnh đất này, đoàn kết là giá trị cốt lõi cho sự sinh tồn và chăm chỉ lao động là giá trị cốt lõi của phẩm chất con người. Michalak được dân làng yêu mến, tin tưởng và chấp nhận vì anh đã chăm chỉ lao động chứ không phải vì anh là khách, lại là một ông khách Tây. Phương yêu Tuyền vì cô rất siêng năng chứ không phải vì cô từng đoạt giải trong một cuộc thi sắc đẹp 54 dân tộc Việt Nam. Còn một người Pháp như Michalak mới bị cuốn hút bởi một cô gái đẹp. Nên lúc nào anh cũng hướng đôi mắt trìu mến về phía người phụ nữ 2 con, gầy guộc, mặc trang phục dân tộc kín đáo, phải làm việc lao lực từ sáng sớm đến chiều muộn mà vẫn đầy duyên dáng khi nói, khicười, khi đi, khi vác bó củi to lên vai, khi rũ mái tóc ra chải và quấn gọn trước lúc lên nương, khi tháo chiếc khăn bịt mặt nhìn ống kính máy quay lúc trở về nhà sau một ngày mệt nhọc. Chỉ người Pháp như Michalak mới nói: “Tôi rất vinh dự được xuống chợ với nữ hoàng sắc đẹp”. Còn người Lô Lô nói: “Michalak, anh siêng năng đấy. Anh có thể cưới một cô vợ Lô Lô được rồi”.

Những điều mà Michalak "thu hoạch" được sau 2 tuần ở cùng người Lô Lô là những điều không tra được trên mạng internet, không dễ có với những chuyến đi khám phá theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, ăn uống sinh hoạt tách biệt với người dân bản địa, và không thể có với những ai đi du lịch khám phá với tâm thế của một vị khách.

Những giọt nước mắt của một ngôi sao quốc tế khi chia tay những người dân Lô Lô đen bé nhỏ, những thước phim tinh tế và sống động, tiếng ghita rộn ràng những bản ballad đồng quê Pháp… tất cả quấn quýt trong đầu và khơi dậy khát khao lên đường, khát khao khám phá trong lòng mỗi người xem phim.

Và bài học về cách làm du lịch

Trên truyền hình Việt hiện nay có không ít các chương trình thực tế về du lịch Việt. VTV1 có S-Việt Nam Hương vị cuộc sống, VTV3 có Ấn tượng Việt Nam, SCTV có Nhịp cầu du lịch… Có cả các ngôi sao Việt tham gia vào hành trình khám phá để mang đến những trải nghiệm chân thật nhất cho khán giả. Tiếc là những gì hiện lên màn hình chỉ là những cái nhăn mặt khi đối diện với thử thách và bàn tay dàn xếp cho nhân vật vượt qua thử thách dễ dàng, những cảm nhận hời hợt của chính người viết kịch bản và tâm thế của những vị khách lạ không sẵn sàng nhập cuộc hiển hiện rõ nét qua từng thước phim.

Chương trình đã mang lại nhiều bài học quý giá cho những ai quan tâm đến du lịch Việt Nam (Trong ảnh: du khách nước ngoài tại Hà Giang-Ngọc Thành)

Các tour du lịch của Việt Nam cũng ngày càng nở rộ hình thức “một ngày”: Một ngày làm cư dân phố cổ, một ngày làm nông dân, một ngày làm ngư dân… Nhưng với một ngày, liệu các vị khách có học được cách cầm cuốc sao cho không bị mỏi tay? Chứ chưa nói đến việc gieo trồng, đánh bắt, hái lượm như nhà tour thiết kế.

Dưới hình thức các tour một ngày này, các điểm đến du lịch sinh thái bị biến thành một bảo tàng, nơi đó mọi sinh hoạt và lao động của người dân bị biến thành hiện vật trưng bày, không có hơi thở của mồ hôi và vận hành lo toan của cuộc sống thường nhật. Những luống rau ở Trà Quế chỉ để khách đến vụng về trồng vài cây giống, làng gốm ở làng cổ Phước Tích chỉ biểu diễn nặn gốm khi có khách, chiếc võng tết dở bằng cây ngô đồng ởCù Lao Chàm chỉ để khách vào chụp ảnh…

Khách có thể háo hức trong một vài giờ, hoặc trong một lần đến duy nhất, chứ không thể vẹn nguyên ở những lần trở lại.

Những tour như thế chắc chắn sẽ không đánh thức được cảm xúc của du khách khi xem lại những kỷ niệm, không thể làm Michalak phải rơi lệ trước hàng trăm khán giả trong trường quay như Hẹn nhau nơi đất lạ đã làm được đối với anh. Và quan trọng nhất, nó không thúc giục được bước chân của mỗi người phải khoác ba lô lên đường đến với vùng đất mới. Không làm được điều đó tức là thất bại của người làm du lịch./.

Khánh Hải

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/21/kinh-te-du-lich/107335/hen-nhau-noi-dat-la--bai-hoc-lam-du-lich-o-viet-nam.aspx