Helio Energy đổi Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc sau gần 6 tháng niêm yết

Mới niêm yết cuối tháng 10/2023, Công ty cổ phần Helio Energy (mã HIO - sàn UPCoM) đã thay đổi hai vị trí lãnh đạo cấp cao vào ngày 15/4/2024.

Ngày 15/4, Helio Energy thông qua miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Lan do có đơn xin từ nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Lan sinh năm 1980, trình độ Thạc sỹ kinh tế và mới được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Helio Energy từ tháng 11/2022 tới nay. Ngoài ra, bà Lan đang là Phó tổng giám đốc tại Công ty cổ phần Amber Capital.

Ngược lại, bầu ông Phan Thành Đạt giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT thay cho bà Nguyễn Thị Lan. Trong đó, ông Phan Thành Đạt sẽ thôi vị trí Tổng giám đốc để phù hợp với tình hình quản trị Công ty và bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT.

Theo tìm hiểu, ông Phan Thành Đạt sinh năm 1983, trình độ cử nhân kinh tế, được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại Helio Energy từ tháng 6/2020 đến nay.

Điểm đáng lưu ý, Helio Energy cũng chỉ mới niêm yết trên sàn UPCoM từ ngày 23/10/2023 tới nay.

Như vậy, niêm yết được gần 6 tháng, Helio Energy đã thực hiện thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Nợ vay tăng cao cùng với việc mở rộng bằng M&A

Về kế hoạch huy động vốn, trong Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 15/4/2024, Helio Energy đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu tỷ lệ 1:1, tương ứng chào bán thêm 21 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 210 tỷ đồng và dự kiến thực hiện trong quý III - IV/2024. Trong đó, số tiền huy động được dùng để mua cổ phần Công ty cổ phần SD Trường Thành.

Được biết, Công ty SD Trường Thành sở hữu Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thuận Minh 2 tại tỉnh Bình Thuận, công suất 50 MWp, đi vào vận hành thương mại từ tháng 6/2019 và có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Với giá mua dự kiến 11.801 đồng/cổ phiếu, nếu sử dụng toàn bộ tiền huy động để mua, Helio Energy sẽ mua được tối đa hơn 17,7 triệu cổ phiếu Công ty SD Trường Thành, tương ứng 59,3% vốn điều lệ (kế hoạch mua tối đa 60% vốn điều lệ).

Nếu nhìn vào lịch sử, Helio Energy liên tục mở rộng quy mô đầu tư thông qua hoạt động M&A. Theo đó, sau khi thành lập tháng 6/2020, bước sang năm 2021 và năm 2022, Helio Energy đã thực hiện M&A tới 34 công ty là các doanh nghiệp sở hữu các dự án điện mặt trời mái nhà. Các dự án này đều vận hành từ cuối năm 2020 và hưởng giá bán điện ưu đãi.

Tính tới tháng 10/2023, Helio Energy và các đơn vị thành viên vận hành các dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 38,2 MWp, tập trung ở các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Helio Energy cũng liên tục mở rộng hệ sinh thái bằng việc sử dụng nợ vay. Tính tới ngày 31/12/2023, tổng nợ vay của Helio Energy là 300,2 tỷ đồng, bằng 128,5% vốn chủ sở hữu (trung bình ngành 69%).

Nhìn chung, nếu so với nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điện niêm yết trên sàn, Helio Energy đang sử dụng nợ vay trên vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với ngành. Trong đó, việc sử dụng nợ vay lớn để tài trợ quá trình M&A giúp Công ty tăng trưởng nhanh và mở rộng quy mô hoạt động, kéo theo áp lực chi phí tài chính.

Trong năm 2021, Helio Energy ghi nhận lợi nhuận gộp 4,03 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lên tới 6,15 tỷ đồng, dẫn tới lỗ 0,62 tỷ đồng trong năm tài chính; năm 2022, lợi nhuận gộp tạo ra 43,69 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lên tới 34,43 tỷ đồng, chiếm 78,8% tổng lợi nhuận gộp; năm 2023, lợi nhuận gộp đạt 53,87 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lên tới 36,05 tỷ đồng, chiếm 66,9% tổng lợi nhuận gộp.

Như vậy, mặc dù mới thành lập giữa năm 2020, nhưng Helio Energy nhanh chóng vươn mình, trở thành đơn vị sở hữu nhiều dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, sau khi sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao để mở rộng, Helio Energy bắt đầu tính tới việc phát hành cổ phiếu để giảm tỷ lệ đòn bẩy.

Dấu ấn của EVN Finance trong quá trình mở rộng tại Helio Energy

Về cơ cấu cổ đông, tính tới ngày 31/12/2023, Helio Energy chỉ có một cổ đông lớn là CTCP Helio Power (sở hữu 69,31% vốn điều lệ), còn lại là cổ đông nhỏ.

Về nhân sự, ông Phan Thành Đạt vừa được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Trong đó, nhiều lãnh đạo của Helio Energy cũng đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí liên quan trong hệ sinh thái của Amber Capital.

Trở lại với tình hình nguồn vốn sau khi thành lập, thời điểm cuối năm 2020, Helio Energy sử dụng 53,6 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, 44 tỷ đồng do Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance, mã EVF) cấp vốn; còn lại 9,6 tỷ đồng do CTCP Đầu tư năng lượng Heli cấp vốn.

Trong đó, các hợp đồng cấp vốn cho doanh nghiệp mới thành lập Helio Energy của EVN Finance đều có thời hạn vay lên tới 84 tháng, mục đích để phát triển các dự án năng lượng và dùng chính dự án hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo.

Tính tới ngày 31/12/2023, tổng nợ vay của Helio Energy tăng 4,6 lần so với thời điểm 31/12/2020, tương ứng tăng thêm 246,6 tỷ đồng, lên 300,2 tỷ đồng và bằng 128,5% vốn chủ sở hữu (đầu kỳ bằng 25,6% vốn chủ sở hữu). Trong đó, EVN Finance cấp khoản vay cho Helio Energy lên tới 45,2 tỷ đồng, còn lại là các khoản vay do các ngân hàng khác cấp vốn.

Thực tế, trong lịch sử, EVN Finance đã đầu tư nhiều vào các đơn vị có liên quan trong hệ sinh thái Amber Capital. Trong đó, thời điểm cuối năm 2019, EVN Finance đầu tư 300 tỷ đồng vào CTCP Helio Power (nay là CTCP Đầu tư năng lượng Heli), chiếm 9,09% vốn điều lệ; đầu tư 39,2 tỷ đồng vào CTCP Amber Capital, chiếm 4,9% vốn điều lệ…

Tính tới ngày 31/12/2023, mặc dù EVN Finance không còn thuyết minh về các khoản đầu tư, nhưng đối với dư nợ cho vay theo lĩnh vực, EVN Finance cho biết đang cho nhóm sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, với số tiền lên tới 6.293,2 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng dư nợ.

EVN Finance có nhiều mối quan hệ từ góp vốn, tới cấp tín dụng cho nhóm Amber Capital, nên việc Helio Energy mới thành lập giữa năm 2020, nhưng ngay lập tức được EVN Finance cấp vốn để triển khai các dự án hình thành trong tương lai cũng là điều dễ hiểu.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/helio-energy-doi-chu-tich-hdqt-va-tong-giam-doc-sau-gan-6-thang-niem-yet-d213197.html