Hệ thống truyền thanh cơ sở từng bước đáp ứng, chuyển tải thông tin kịp thời đến người dân

Thời gian qua, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An, được đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất và phát huy vai trò trong thực tiễn. Đài truyền thanh (ĐTT) các xã, thị trấn còn là phương tiện quan trọng để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương.

Thông tin từ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Bến Lức, toàn huyện hiện có 15 ĐTT xã, thị trấn, 149 trạm truyền thanh ấp, khu phố. 100% đài, trạm truyền thanh sử dụng bộ thu phát tự động. Hệ thống truyền thanh cơ sở hoạt động thường xuyên, đồng bộ. Với lợi thế phủ sóng diện rộng, hệ thống truyền thanh cơ sở chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương đến với người dân.

Đặc biệt, hệ thống truyền thanh cơ sở triển khai hiệu quả hoạt động giảm nghèo về thông tin; tăng cường đưa thông tin thiết yếu, thiết thực đến người dân nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và thay đổi hành vi của người dân về giảm nghèo bền vững.

Nhân viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng kiêm thực hiện chương trình phát thanh xã Bình Đức - Lê Minh Thiện thu âm và dựng chương trình truyền thanh

Tại xã Bình Đức, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng chanh và một số loại cây khác như dừa, đu đủ. Người dân sống trải đều trên địa bàn xã. Tuy vậy, việc tiếp cận thông tin rất thuận lợi do hệ thống loa truyền thanh được phân bố đến từng xóm, ấp thông qua 1 trạm truyền thanh đặt tại trụ sở UBND xã và 9 trạm ở 5 ấp.

Theo nhân viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng kiêm thực hiện chương trình phát thanh của xã Bình Đức - Lê Minh Thiện, mỗi ngày, ĐTT xã có chương trình phát sóng tiếp âm định kỳ vào sáng và chiều từ ĐTT huyện. Buổi sáng, đài tiếp âm từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ, buổi chiều tiếp âm từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ. Sau khi tiếp âm, ĐTT xã có chương trình phát thanh riêng, được xây dựng bài bản, định kỳ.

Mỗi tuần, anh Thiện biên tập 2 chương trình phát thanh. Theo đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được phát sóng vào thứ năm hàng tuần; chương trình thời sự của xã được phát sóng vào thứ sáu hàng tuần.

Anh Thiện chia sẻ, mỗi chương trình được biên tập từ các tài liệu, thông tin của các ngành, đoàn thể trong xã cung cấp hoặc do anh tự thực hiện. Nội dung tuyên truyền gắn với tình hình tại địa phương như công tác chuyển đổi số, người tốt - việc tốt, an ninh, trật tự, lịch tiêm ngừa, cấp phát tiền trợ cấp, lương hưu,... Mỗi chương trình khi lên sóng đều được anh biên tập, gửi lên hệ thống ICT của xã. Sau khi chương trình được lãnh đạo UBND xã duyệt, anh đọc, thu âm và dựng chương trình rồi gửi đến các trạm truyền thanh trong xã phát theo lịch. Theo anh Thiện, thời gian qua, ĐTT xã được đầu tư nhiều trang thiết bị, cơ bản phục vụ tốt công việc.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đức - Huỳnh Trọng Thanh cho biết, ĐTT xã luôn được chỉ đạo bám sát nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Trong đó, đài chú trọng tuyên truyền về chương trình giảm nghèo đa chiều, lồng ghép vào các hoạt động của hội, đoàn thể. Đặc biệt, công tác tuyên truyền giảm nghèo phải được tuyên truyền đến các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân nắm bắt thông tin đầy đủ hơn về chương trình vay vốn, giảm nghèo bền vững, những tấm gương vượt khó, thoát nghèo,... Từ đó, người dân có thể học tập và áp dụng những mô hình hay, hiệu quả về sản xuất nông nghiệp tại địa phương, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, xã Bình Đức có 32 hộ nghèo (nhiều nhất huyện) và 33 hộ cận nghèo. Công tác giảm nghèo đa chiều trên địa bàn xã đang được triển khai thông qua tổ chức các chương trình vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; vận động hỗ trợ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà Đại đoàn kết, các hoạt động an sinh xã hội. Xã phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 8 hộ nghèo, năm 2024 “về đích” xã nông thôn mới.

Xã Thạnh Đức hiện có nhiều trạm truyền thanh nhất trên địa bàn huyện Bến Lức với 13 trạm; 100% được lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh. Để hoàn thành tốt việc vận hành ĐTT xã, nhân viên phụ trách luôn tìm tòi, nghiên cứu, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng viết tin, bài; biên tập, sản xuất chương trình.

Qua các thông tin từ ĐTT cung cấp, người dân trong xã tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích nhất là các chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các kế hoạch và chương trình giảm nghèo của huyện, xã; các chương trình cho vay tín dụng; phòng, trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phòng, chống thiên tai;...

Để phát huy tính hữu ích của hệ thống truyền thanh cơ sở, huyện Bến Lức đang tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của ĐTT cấp xã. Trong đó, huyện thiết lập mỗi xã, thị trấn một hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông theo Kế hoạch số 636/KH, ngày 18/01/2022 của UBND huyện về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở trên địa bàn huyện Bến Lức giai đoạn 2022-2025.

Cùng với đó, huyện còn thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, những người trực tiếp sản xuất, tiếp sóng các chương trình truyền thanh. Đội ngũ thực hiện công việc này cũng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần đưa thông tin kịp thời đến người dân. Từ đó, người dân đồng thuận, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

Thanh Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/he-thong-truyen-thanh-co-so-tung-buoc-dap-ung-chuyen-tai-thong-tin-kip-thoi-den-nguoi-dan-a159712.html