Hệ thống Tòa án nhân dân đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (TAND) (13-9-1945/ 13-9-2020), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Phó chánh án TAND tối cao về công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống TAND.

PV: Xin bà cho biết nội dung, kết quả của công tác thông tin tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống TAND những năm gần đây?

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thúy Hiền: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TAND tối cao, trong những năm qua, TAND các cấp đã chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các TAND. Lãnh đạo TAND các cấp đã quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tòa án, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, người lao động và đảng viên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cấp ủy đảng TAND các cấp cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xem đây là biện pháp hàng đầu trong việc đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời, các TAND đều cử cán bộ tham gia Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Hội đồng phân công; cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để các báo cáo viên tham gia thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật của các địa phương; tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng và cơ quan thường trực Hội đồng trong tham mưu triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của chính quyền địa phương.

TAND các cấp cũng tích cực tham gia thực hiện các Đề án về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Công tác phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành ở địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được TAND các cấp chú trọng. Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam được TAND các cấp triển khai với nhiều hình thức tổ chức ngày càng phong phú và đa dạng như: Tổ chức các cuộc thi Thư ký giỏi, thi tìm hiểu pháp luật do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, thành phố tổ chức...

Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Phó chánh án TAND tối cao tại một hội nghị do TAND tối cao tổ chức. Ảnh do nhân vật cung cấp.

PV:Xin bà nêu một số điểm nổi bật trong công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong hệ thống TAND?

TS Nguyễn Thúy Hiền: Cùng với những kết quả đã nêu trên, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống tòa án đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, vai trò trong công tác tuyên truyền của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể không ngừng tăng lên; hình thức và nội dung tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, dễ hiểu và được triển khai sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống tòa án. Vì vậy, chất lượng xét xử các loại vụ án được nâng lên; ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan, góp phần vào công tác giáo dục chính trị-tư tưởng của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, TAND các cấp đã ban hành các quyết định, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống tòa án với mục tiêu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; gắn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm được giao theo chương trình với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tòa án.

Hằng năm, TAND tối cao đều đề nghị TAND các cấp triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước CHXNCN Việt Nam với nhiều hình thức. TAND tối cao cũng đã phối với các cơ quan, bộ, ngành khác để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể như: Ký Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giai đoạn 2018-2021; ký Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa TAND tối cao và Bộ Tư pháp giai đoạn 2019-2023. Ngay sau khi các chương trình phối hợp được ký kết, TAND tối cao đã chỉ đạo các tòa án địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương mình.

Đồng thời, TAND tối cao đã triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo cơ sở thực tiễn quan trọng để xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đã được Quốc hội thông qua tháng 6-2020, có hiệu lực từ 1-1-2021.

PV: Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống TAND đã được thực hiện như thế nào để nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật thưa bà?

TS Nguyễn Thúy Hiền: Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin đã được quan tâm, triển khai thực hiện trong hệ thống TAND kể từ nhiều năm nay.

Trước hết là hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử. Tòa án bắt đầu từng bước thực hiện mô hình “Tòa án điện tử”. Theo đó, người khởi kiện, người tham gia tố tụng thực hiện thủ tục gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và việc tòa án cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật được gọi là Thông điệp dữ liệu điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Việc công bố bản án, quyết định của tòa án cũng được thực hiện trên Cổng Thông tin điện tử, các Trang thông tin điện tử của tòa án. Phương thức này tăng cường sự tiếp cận và giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của tòa án. Việc công khai bản án, quyết định của tòa án góp phần nâng cao trách nhiệm, kỹ năng viết bản án, kỹ năng công nghệ thông tin của thẩm phán.

Hệ thống TAND cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên tổ chức các cuộc họp, tập huấn trực tuyến. TAND tối cao đã lắp đặt và vận hành hệ thống kết nối các điểm cầu, đưa mạng lưới truyền hình hội nghị đến các TAND cấp huyện...

PV: Theo bà cần làm gì để nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống TAND?

TS Nguyễn Thúy Hiền: Để nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống TAND, cần tiếp tục tổ chức triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời, cụ thể; lựa chọn, xác định thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tổ chức hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho nhân dân. Đồng thời, chú trọng và tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thẩm phán, thư ký, thẩm tra viên…

PV:Trân trọng cảm ơn bà!

BĂNG CHÂU (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/he-thong-toa-an-nhan-dan-da-dang-hoa-cac-hinh-thuc-pho-bien-giao-duc-phap-luat-635043