Hệ thống quản lý Thuế tập trung góp phần hiện đại hóa ngành Thuế

Ngày 25/4, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tổng kết triển khai và đánh giá hiệu quả hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung” tại 64 điểm cầu cả nước. Hội nghị nhằm tổng kết kết quả triển khai và đánh giá hiệu quả Hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS) đối với công tác quản lý thuế của ngành Thuế.

Toàn cảnh Hội nghị.

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và hội nhập quốc tế, Tổng cục Thuế đã có dự án triển khai hệ thống Quản lý thuế tập trung trên toàn quốc. Bộ Tài chính coi đây là dự án công nghệ thông tin trọng điểm của ngành Thuế trong các năm, từ 2014- 2015, với phạm vi triển khai rất lớn với gần 800 cơ quan Thuế.

Theo Tổng cục Thuế, trong quá trình triển khai thí điểm, Tổng cục Thuế đã thường xuyên nắm bắt thông tin, ghi nhận đầy đủ các vướng mắc, đồng thời có phương án khắc phục, hỗ trợ các Cơ quan Thuế chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, xử lý dữ liệu ổn định trên ứng dụng mới, đồng thời tiếp tục bổ sung các yêu cầu đầu ra theo yêu cầu của các Cục Thuế.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, từ tháng 7/2014 đến 11/2015, Tổng cục Thuế đã tổ chức 5 đợt triển khai cho 61 Cục thuế và đã hoàn thành việc triển khai Hệ thống TMS trên phạm vi toàn quốc.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Hệ thống ứng dụng TMS được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xác định là hệ thống ứng dụng tác nghiệp lõi chính thức và duy nhất của ngành Thuế hỗ trợ công tác quản lý thuế của các cấp trong ngành Thuế và cho phép triển khai mở rộng cho 61 Cục Thuế còn lại và các Chi cục Thuế trực thuộc.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Hệ thống TMS đã hỗ trợ cơ quan Thuế các cấp quản lý các loại thuế, phí, đồng thời hỗ trợ cơ quan Thuế các cấp trong các chức năng quản lý thuế bao gồm: Đăng ký thuế, Quản lý hồ sơ thuế; Quản lý nghĩa vụ kê khai, Xử lý tờ khai định kỳ/tờ khai quyết toán thuế; Xử lý chứng từ thu nộp thuế; Xử lý quyết định hành chính thuế (hoàn thuế, miễn giảm, ấn định…); Hạch toán và theo dõi nghĩa vụ của người nộp thuế; Kế toán thuế nội địa; Quản lý nợ thuế; Tổng hợp các báo cáo theo chế độ (kế toán/thống kê); báo cáo đánh giá, phân tích hỗ trợ công tác quản lý thuế...

Ứng dụng TMS là cơ sơ để ngành Thuế triển khai mở rộng các dịch vụ điện tử cung cấp cho người nộp thuế như eTax, iHTKK, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử,...

“Việc triển khai ứng dụng TMS đã góp phần hoàn thành kế hoạch cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế giai đoạn 2011-2015, là cơ sở để ngành Thuế thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ theo các Nghị quyết 19/2014/NQ-CP, 19/2015/NQ-CP và 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015-2016. Đồng thời, ứng dụng TMS cũng là nền tảng để ngành Thuế thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống Thuế giai đoạn đến năm 2020”, ông Trí nhấn định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, ứng dụng TMS là một hệ thống lớn của ngành tuy có nhiều ưu điểm, có tính nhất quán và quy tắc xử lý chặt chẽ nhưng giao diện phức tạp, thao tác sử dụng khó, đồng thời phát sinh rất nhiều giao dịch về nghiệp vụ, nguyên tắc hạch toán rất phức tạp.

Bên cạnh đó, người nộp thuế lập hồ sơ khai thuế không đúng quy định (khai sai mẫu hồ sơ khai thuế, kỳ tính thuế, nộp hồ sơ thiếu của các kỳ trước, chuyển số thuế Giá trị gia tăng còn khấu trừ không đúng…), nhiều tờ khai sai sót làm ảnh hưởng đến việc hạch toán và theo dõi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nợ thuế, đôn đốc nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Tại Hội nghị, các đơn vị Cục Thuế tại địa phương đã chia sẻ một số kinh nghiệm về việc sử dụng, khai thác, quản lý và xử lý dữ liệu về thuế của người nộp thuế tại đơn vị. Trên cơ sở đó đóng góp ý kiến để xây dựng Hệ thống TMS ngày càng hoàn thiện hơn.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/he-thong-quan-ly-thue-tap-trung-gop-phan-hien-dai-hoa-nganh-thue.aspx