Hệ thống phòng không Buk-M3 tổn thất nặng sau cuộc tấn công của UAV cảm tử?

Cuộc tấn công do máy bay không người lái Ukraine tiến hành đã loại bỏ thành phần quan trọng hàng đầu của hệ thống phòng không Buk-M3.

Máy bay không người lái Ukraine đã tấn công và phá hủy đài radar điều khiển hỏa lực 9S36M - một thành phần cực kỳ quan trọng của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3 tiên tiến.

Trước thực tế trên, trang Army Recognition nhận xét: "Tổn thất đầu tiên của lực lượng vũ trang Nga đối với radar điều khiển hỏa lực 9S36M - thành phần không thể thiếu của hệ thống phòng không tầm trung Buk-M3 đã được xác nhận".

"Phòng không đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các đơn vị mặt đất của Nga, do vậy việc mất đi khí tài hiếm và đắt tiền như vậy là thiệt hại nặng nề đối với lực lượng vũ trang nước này".

Radar 9S36M không chỉ có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi mục tiêu mà còn đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn đường cho tên lửa đánh chặn loại 9M317M của tổ hợp phòng không Buk-M3.

"Loại radar nói trên rất hữu ích cho lực lượng phòng không Nga trong việc chống lại mối đe dọa mới đó là máy bay chiến đấu F-16, khi đợt giao hàng sắp tới đã được công khai", ấn phẩm Army Recognition kết luận.

Hệ thống phòng không tự hành Buk-M3 được phát triển bởi viện nghiên cứu mang tên Tihomirova, đây là thành viên mới nhất trong gia đình tên lửa đất đối không tầm trung tự hành Buk (Cây sồi) của Liên Xô và Nga.

Thành phần tổ hợp Buk-M3 bao gồm xe chỉ huy, xe radar cảnh giới, xe radar hỏa lực, xe mang phóng tự hành và xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn. So với "người tiền nhiệm" Buk-M2 thì Buk-M3 có một số khác biệt đáng kể.

Trong khi xe mang phóng tự hành 9A317 của Buk-M2 mang theo 4 tên lửa "để trần" trên bệ quay thì xe 9A317M của Buk-M3 mang được tới 6 tên lửa đặt trong các ống phóng kín kiêm container bảo quản.

Trên xe mang phóng tự hành còn có radar đa năng, thiết bị quang truyền hình, ảnh nhiệt, bên cạnh đó là thiết bị liên lạc vô tuyến kỹ thuật số để kết nối với các thành phần trong hệ thống.

Xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn 9A316 của Buk-M2 có kết cấu bệ phóng tương tự 9A317 nhưng không có các thiết bị dẫn bắn. Xe mang theo 4 tên lửa sẵn sàng phóng và 4 tên lửa dự bị để tiếp đạn cho xe 9A317.

Trong khi đó, xe chấp hành phóng kiêm nạp đạn 9A316M của Buk-M3 mang được tới 12 tên lửa, trong đó bao gồm 6 tên lửa sẵn sàng bắn và 6 tên lửa dự trữ ở khay giữ ngay dưới bệ phóng.

Hệ thống phòng không Buk-M2 sử dụng đạn tên lửa 9M317 có trọng lượng 715 kg; dài 5,5 m; đường kính 0,4 m; tầm bắn 50 km; trần bay 25 km; tốc độ Mach 4 và mang theo đầu đạn nổ mảnh nặng 70 kg.

Còn Buk-M3 lại được trang bị đạn 9M317M tương tự hệ thống Shtil-1 bản hải quân, tên lửa có chiều dài 5,08 m; đường kính 0,36 m; sải cánh 0,82 m; tầm bắn 70 km; trần bay 15 km; tốc độ Mach 4,5; mang theo đầu đạn nổ mạnh nặng 62 kg.

Tên lửa 9M317M lắp đầu tự dẫn đa chế độ gồm: quán tính có hiệu chỉnh vô tuyến pha giữa và radar xung doppler chủ động pha cuối, nó có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với tốc độ tối đa lên tới trên 1.200 m/s.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/he-thong-phong-khong-buk-m3-ton-that-nang-sau-cuoc-tan-cong-cua-uav-cam-tu-post550578.antd