Hệ lụy từ những chiếc xe 'nhiều không' - Bài 1

BPO - Huyện Bù Gia Mập hiện có hơn 36% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Năm 2021, trong tổng 9 vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra trên các tuyến đường do huyện quản lý dẫn đến chết người thì có 6 vụ liên quan đến đồng bào DTTS. Ngoài các nguyên nhân do người điều khiển sử dụng rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu, còn tình trạng xe môtô không đủ điều kiện đảm bảo an toàn kỹ thuật, như không phanh, không pô, không giấy tờ, không kèn, không đèn chiếu sáng… Làm thế nào để xử lý các loại phương tiện này để vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật vừa giảm bớt khó khăn cho bà con là trăn trở của ngành chức năng huyện Bù Gia Mập.

NỖI ĐAU NGƯỜI Ở LẠI

Gần 19 giờ, trời đã mờ tối, trong cơn chuếnh choáng của cuộc nhậu vừa tàn tại nhà người bạn, Điểu T ngồi lên chiếc xe cũ còn chưa vững, đạp xe nổ máy. Tiếng xe rồ lên từng nhịp ầm ĩ làm cho những ai ở gần cũng phải đinh tai, nhức óc. Trong phút chốc, Điểu T đã phóng ra đường, tiếng xe nổ vẫn còn chưa xa thì mọi người nghe thấy tiếng va chạm rất mạnh, kèm theo là tiếng xe bị kéo lê trên đường. Tai nạn xảy ra do Điểu T tông trực diện vào xe chị Thị C đang chở con đi học về. Cú va chạm quá mạnh khiến 2 người điều khiển xe nằm bất động, con trai chị Thị C may mắn chỉ bị thương nhẹ, sợ hãi gào khóc, kêu gọi sự trợ giúp của người đi đường.

Trung tá Khổng Hưng, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Bù Gia Mập (trái) phân tích những nguy hiểm khi điều khiển xe môtô không đủ các yếu tố kỹ thuật an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn

Sau 2 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), do vết thương quá nặng, chị Thị C đã tử vong. Đó là câu chuyện buồn về vụ TNGT xảy ra ngày 25-1-2021 tại thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập.

Khoảng lặng vô hình

Tròn 1 năm trôi qua, vụ tai nạn đã được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Các bên liên quan cũng đã có những thỏa thuận về mặt bồi thường dân sự để khắc phục một phần hậu quả. Tuy nhiên, những tổn thất về tinh thần và hệ lụy mà TNGT để lại vẫn chưa thể nguôi ngoai. Nhắc lại vụ tai nạn thương tâm này, những người thân và hàng xóm của nạn nhân vẫn còn bàng hoàng, xót xa. Bà Thị P - mẹ ruột chị Thị C buồn rầu cho biết: “Con gái tôi gục ngay tại chỗ, còn thằng bé ngồi sau may mắn chỉ bị thương nhẹ. Cháu giờ cũng đã lớn nhưng đứa em còn bé quá, chưa biết gì cứ khóc đòi mẹ. Nhìn tụi nhỏ ngơ ngác đến tội nghiệp. Hằng ngày, tôi phải sang trông để bố cháu đi làm. Kinh tế khó khăn lắm!”.

Công an xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập tuyên truyền người dân tại thôn Bù Bưng không sử dụng xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật để hạn chế tai nạn

Từ ngày vợ mất, cảnh “gà trống nuôi con” vất vả khiến anh Điểu Th cũng chán nản, thường xuyên uống rượu như để khỏa lấp khoảng trống rất lớn trong lòng. Gia đình không có vườn rẫy nên ai thuê gì anh làm nấy, tuy nhiên công việc cũng không thường xuyên. Căn nhà cấp 4 (được mẹ vợ cho đất) làm từ 2 năm trước đến nay vẫn chưa có tiền để tô. Chị Thị P.O, hàng xóm sát bên cho biết: “Trong nhà gần như không có gì ngoài chiếc giường cho 3 cha con nằm ngủ. Thấy tụi trẻ đáng thương nên thi thoảng bà con hàng xóm có lúa, bắp, bánh đều mang cho, rất mong chính quyền xem xét, giúp đỡ”.

Nặng nợ khó trả

Với anh Điểu T, vụ tai nạn như thể vừa mới xảy ra. Bởi hằng ngày, anh vẫn đang lo làm thế nào để trả được những món nợ đã vay để khắc phục một phần hậu quả cho gia đình người xấu số. Cảm giác sợ hãi và ân hận vẫn còn hiện rõ khi anh T nhớ lại ngày định mệnh ấy. Anh kể lại: “Hôm đó, tôi uống rượu, trời bắt đầu tối mà xe không có đèn nên không nhìn rõ. Vừa chạy được một đoạn thì xảy ra tai nạn, lúc đó tôi cũng không biết gì hết. Tỉnh lại tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện và bị thương ở trán khâu mấy mũi. Khi nghe tin người ta chết, tôi sợ lắm. Gia đình họ bắt tôi đền 50 triệu đồng. Tôi phải đi mượn nhiều người lắm, mỗi người 1-2 triệu đồng và nhờ chị em ruột vay ngân hàng, cả vay nóng bên ngoài nữa”.

Trong vụ tai nạn nêu trên thì cả 2 xe đều không có đầy đủ yếu tố đảm bảo an toàn kỹ thuật, như: không phanh, không kèn, đặc biệt là không đèn chiếu sáng, cộng với các yếu tố khác, như: say rượu, phóng nhanh, vượt ẩu, không quan sát và không xử lý kịp nên gây tai nạn. Cả 2 gia đình đều nghèo, do vậy việc bồi thường dân sự gặp nhiều khó khăn. Việc vay tiền nóng để trả cho gia đình người bị tử vong sẽ phát sinh thêm những hệ lụy xã hội. Trong khi những xe gây tai nạn không đủ điều kiện đảm bảo an toàn kỹ thuật, không có giấy tờ vẫn phải thu hồi.

Đại úy Trịnh Bá Toàn, Phó trưởng Công an xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

Chị Thị R, em gái anh Điểu T chia sẻ: “Sau khi ra viện, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, áp lực nợ nần khiến anh T phải bỏ nhà vợ về sống chung với chúng tôi gồm 3 cặp vợ chồng: chị gái, tôi và em gái nữa. Căn nhà có hơn chục người đang ở chung cũng là nhà của cô ruột cho mượn đất làm nhà. Vì không có vườn rẫy, không có thu nhập ổn định nên tiền làm công phát cỏ, thu hái cà phê của anh cũng chỉ đủ lo cái ăn hằng ngày. Anh em trong gia đình ai cũng nghèo, không giúp anh cũng không được, mà giúp thì không biết phải làm thế nào nữa. Các khoản nợ đều đã đến hạn mà chỗ người thân nào cũng đã hỏi vay hết rồi”.

Trong các vụ TNGT, ngoài yếu tố khách quan thì ý thức chủ quan của người tham gia giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, việc sử dụng các phương tiện môtô, xe máy không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật là một trong những nguyên nhân thường xuyên gây tai nạn và để lại hậu quả khôn lường. Năm 2022, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền không sử dụng rượu, bia khi lái xe thì Công an huyện Bù Gia Mập bắt đầu triển khai xử lý các loại xe này. Trước hết là nhắc nhở người dân gắn đầy đủ các điều kiện cơ bản cho xe, nếu không thực hiện sẽ buộc phải tịch thu theo quy định.

Trung tá Khổng Hưng, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Bù Gia Mập

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/129705/he-luy-tu-nhung-chiec-xe-nhieu-khong-bai-1