Hé lộ những chiêu trò tham nhũng trục lợi tinh vi của nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc

Nhắm tới làm trong sạch lĩnh vực tài chính, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phanh phui những mối quan hệ tiền quyền tinh vi, những chiêu trò trục lợi khi nắm quyền để hưởng lợi khi về hưu...

Mánh khóe che giấu tinh vi

Theo Global Times, "tham nhũng trá hình, tham nhũng kiểu mới" là một trong danh sách 10 từ khóa chống tham nhũng của năm 2023 mới được Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố.

Ngay trong phiên họp toàn thể thứ 3 của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 vào ngày 8/1 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo tăng cường phát hiện, xử lý các hình thức tham nhũng mới và được che giấu tinh vi.

Đặc biệt, ông Tập nhấn mạnh phải tăng cường diệt trừ tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, lĩnh vực năng lượng, dược phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng - những lĩnh vực mà quyền lực được tập trung, nguồn vốn và nguồn lực dồi dào - nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn.

Ông Fan Yifei, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc khai nhận hành vi tham nhũng trong phim tài liệu được chiếu trên Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.

Ngoài ra, ông Tập cũng chỉ ra những nguy cơ tham nhũng ẩn dưới mối quan hệ thông đồng giữa quan chức và doanh nhân, yêu cầu ngăn chặn hành vi lạm dụng quyền lực và các nhóm lợi ích, quyền lực xâm nhập vào chính trường.

Trường hợp ông Fan Yifei, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc trục lợi qua việc sử dụng công ty đầu tư của anh trai làm vỏ bọc và nhận hối lộ dưới dạng cổ phần công ty là một ví dụ.

Trong năm 2023, Trung Quốc đã điều tra, kỷ luật 54 quan chức cấp cao, trong đó, số lượng lớn quan chức công tác trong lĩnh vực tài chính, đánh dấu con số kỷ lục.

Giáo sư luật Zhang Lei công tác tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng lĩnh vực tài chính có thể dễ dàng trở thành điểm nóng tham nhũng, gây ra rủi ro về tài chính đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Ông Zhang nhận định việc lượng lớn quan chức cấp cao trong lĩnh vực tài chính bị kỷ luật thời gian gần đây cho thấy quyết tâm của Trung Quốc để loại trừ ung nhọt trong lĩnh vực này.

Ông Li Xiang - thành viên thuộc cơ quan kiểm tra kỷ luật tại một tỉnh ở Trung Quốc cho rằng hình thức tham nhũng dưới dạng nhận lợi ích từ cổ phiếu xảy ra khá phổ biến ở các quan chức tài chính cấp cao.

Trước đây, CCDI từng khui ra một vụ tham nhũng liên quan tới ông Wang Zongcheng - cựu lãnh đạo phòng kiểm toán thuộc Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc. Ông này đã sử dụng quyền lực trong quá trình đánh giá xem xét cho phép doanh nghiệp niêm yết lần đầu tiên để thu lợi.

Ông ủy thác cho một người khác mua cổ phần của một công ty chuẩn bị niêm yết công khai lần đầu tiên và trở thành "cổ đông ẩn". Sau khi công ty này niêm yết, ông đã nhận được lợi nhuận khổng lồ từ số cổ phiếu này và thu lợi tất cả sau khi về hưu.

Cơ sở giáo dục chống tham nhũng tại thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy (Ảnh: VCG).

Ông Wang đã sử dụng quyền lực để ủng hộ công ty này lên sàn, che mắt cơ quan quản lý bằng cách sử dụng nhiều vỏ bọc và mánh khỏe tinh vi trong khi bề ngoài ông hoàn toàn không có bất cứ liên lạc nào với doanh nghiệp này.

Theo cơ quan CCDI, trong số các quan chức cấp cao bị điều tra, kỷ luật kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những trường hợp bị phát hiện sở hữu cổ phần trái phép, không được công khai tại các doanh nghiệp; thông đồng với doanh nghiệp nhằm trục lợi hoặc đổi quyền lấy tiền dưới vỏ bọc “đầu tư” không phải là ít.

Trao đổi với Global Times, ông Li nhận định những vụ trao đổi tiền - quyền trực tiếp không còn nhiều, thay vào đó là hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi.

“Trong lĩnh vực phi tài chính, một số quan chức thường không thực hiện hành vi trao đổi quyền lực để nhận tiền mà thay vào đó, thăng chức cho họ hàng, những người thân cận. Đây cũng được coi là một dạng tham nhũng" - ông Li nói.

Ngoài ra, ông Li chỉ ra, do một số doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có độc quyền trong lĩnh vực công nghiệp và là bên đóng góp lượng lớn tiền thuế cho chính quyền địa phương, nên những yếu tố này tiềm ẩn khả năng rủi ro cao lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước có hành vi tham nhũng.

Điều tra mạnh quan chức đã nghỉ hưu, từ chức

Theo ông Li, một trong những khó khăn trong công tác phòng chống tham nhũng là công cụ hiện hành chưa theo kịp những hành vi tham nhũng tinh vi.

Chẳng hạn, trong thời đại 4.0, rất nhiều công cụ thông minh, công nghệ như big data, trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng để che giấu hành vi phạm tội nhưng cơ quan công quyền chưa có công cụ để phát hiện.

Đơn cử như trường hợp một quan chức thuộc bộ máy tư pháp của Trung Quốc đã sử dụng công cụ công nghệ tạo danh tính giả mạo để mở tài khoản ngân hàng để tạo giao dịch hối lộ quan chức. Trong một số vụ việc khác, các quan chức lợi dụng lỗ hổng quản lý để nhận hối lộ dưới dạng tiền kỹ thuật số, bitcoin…

Ông Li cho biết thực trạng hành vi tham nhũng ngày càng diễn biến tinh vi đã buộc cơ quan thanh kiểm tra phải theo dõi dòng chảy các khoản tiền, lợi ích, hành vi bất thường khác của những đối tượng tình nghi đồng thời sử dụng công nghệ hiện đại để lần theo dấu vết dòng tiền.

Ông Tang Renwu, chuyên gia tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh

Nhiều cá nhân tham gia các hành vi tham nhũng mới và được che giấu tinh vi là những người có trình độ học vấn cao nên phương pháp họ sử dụng vô cùng phức tạp. Do đó, cơ quan kiểm tra của Trung Quốc cần cải tiến công cụ theo dõi, nhận dạng, phát hiện hành vi tham nhũng, góp phần giữ vững những thành tựu mà quốc gia này đã đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Trong phiên họp toàn thể thứ 2 của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 vào tháng 12/2023, các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh yêu cầu cần phát hiện, xử lý các hình thức tham nhũng mới, được che giấu tinh vi, yêu cầu cơ quan giám sát, kiểm tra kỷ luật tại tất cả các cấp, cải cách chiến lược chống tham nhũng, tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại.

Theo Tân hoa xã, các nhà điều tra Trung Quốc cũng tăng cường điều tra những quan chức đã nghỉ hưu hoặc xin từ chức, đặc biệt tập trung vào những trường hợp bị nghi ngờ xin từ chức để tránh bị điều tra.

Ngoài ra, cơ quan điều tra Trung Quốc cũng đẩy mạnh điều tra các trường hợp lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ, bao gồm trường hợp nhận hối lộ sau khi nghỉ hưu.

Cơ quan điều tra Trung Quốc cũng tăng cường sử dụng công nghệ thông minh, big data, trí tuệ nhân tạo để phát hiện các trường hợp tham nhũng tinh vi. Chẳng hạn như chính quyền tỉnh Sơn Tây đang xây dựng thuật toán trí tuệ nhân tạo dựa trên số lượng lớn các vụ tham nhũng được lấy làm mẫu tham khảo để phục vụ phát hiện các trường hợp nghi ngờ xảy ra hành vi tham nhũng.

Hoàng Hương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/he-lo-nhung-chieu-tro-tham-nhung-truc-loi-tinh-vi-cua-nhieu-quan-chuc-cap-cao-trung-quoc-192240129154325804.htm