Hé lộ chiến lược có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế trước Nga

Nếu có một bài học rõ ràng rút ra từ cuộc xung đột ở Ukraine thì chính là chiến trường hiện nay đang có lợi cho bên phòng thủ.

Ngày 12/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đích thân tới Washington để tìm kiếm sự hỗ trợ an ninh và kinh tế cho Ukraine nhưng ông đã ra về "tay trắng". Trong hơn 1 tháng, đảng Cộng hòa vẫn ngăn cản gói ngân sách khẩn cấp trị giá 60 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine. Họ tuyên bố sẽ thông qua gói hỗ trợ trên chỉ khi đảng Dân chủ nhượng bộ lớn về chính sách nhập cư.

Chuyến thăm Washington không như kỳ vọng của Tổng thống Zelensky đã cho thấy những vấn đề lớn mà Ukraine đang đối mặt. Cuộc phản công của Kiev vào năm ngoái nhằm giành lại lãnh thổ đã thất bại, sự ủng hộ của phương Tây đang suy giảm và tình hình chiến trường rơi vào bế tắc. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách phương Tây cũng đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ có thể tiếp tục đổ nguồn lực vào cuộc xung đột ở Ukraine nhằm hỗ trợ nước này giành lại lãnh thổ. Hoặc họ cũng có thể cắt giảm ngân sách, đặt Kiev vào thế phòng thủ và có nguy cơ thất bại. Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định sẽ không có sự thay đổi về chiến lược nếu Quốc hội không thông qua gói hỗ trợ cho Ukraine. Dù vậy, giới quan sát cho rằng, trên thực tế vẫn còn một lựa chọn khác mà phương Tây dường như đang bỏ qua: Đó là giành chiến thắng qua phòng thủ.

Lữ đoàn pháo binh 45 của Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành Archer do Thụy Điển sản xuất ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters

Nhiều vũ khí hỗ trợ cho Ukraine trong 2 năm qua tập trung vào khả năng tấn công từ các xe tăng tiên tiến cho đến thiết bị dọn mìn và các tên lửa tầm xa nhằm đẩy lùi Nga. Theo Foreign Affairs, nếu Ukraine có thể bảo vệ lãnh thổ mà nước này kiểm soát trong những tháng tới bằng cách sử dụng mìn chống tăng và các công sự vững chắc thì Kiev có thể ngăn Nga giành thắng lợi hoàn toàn và thậm chí có thể mở ra cánh cửa đàm phán.

Hé lộ chiến lược phòng thủ để Ukraine giành lợi thế

Nếu có một bài học rõ ràng rút ra từ cuộc xung đột ở Ukraine thì chính là chiến trường hiện nay đang có lợi cho bên phòng thủ. Các vũ khí hiện đại, đặc biệt là UAV, pháo và tên lửa chống tăng tầm xa khiến cho việc kiểm soát lãnh thổ trở nên dễ dàng hơn so với việc giành lại chúng. Hệ thống phòng không cơ động trên mặt đất khó bị phát hiện và tiêu diệt, mang lại lợi thế cho lực lượng phòng thủ trước các lực lượng không quân hiện đại. Việc chuyển sang phòng thủ ở Ukraine sẽ tận dụng những lợi thế này và cần có ba yếu tố cụ thể để thành công.

Đầu tiên, Ukraine sẽ cần xây dựng một hệ thống phòng tuyến bao gồm các hào sâu, vị trí khai hỏa đã chuẩn bị sẵn, mìn chống tăng và các hàng rào bê tông hình kim tự tháp chống tăng, còn được gọi là “răng rồng” - một hệ thống tương tự như Tuyến phòng thủ Surovikin mà các lực lượng của Nga xây dựng vào năm ngoái. Cho đến nay, phòng tuyến của Ukraine chủ yếu bao gồm chiến hào tương đối nông thay vì các công sự cố định bởi vì quân đội sử dụng các hệ thống phòng thủ di động, tiến hành các cuộc tấn công bắn và chạy nhằm vào các lực lượng và tuyến hậu cần của Nga.

Hệ thống phòng tuyến cũng phải dày và nhiều lớp, có thể làm suy yếu sức mạnh quân sự của Nga nếu họ định vượt qua. Lớp phòng tuyến đầu tiên nên được cài mìn dày đặc với các loại mìn chống tăng và rào chắn kiên cố, đằng sau là quân đội Ukraine trong các boongke và chiến hào đang chờ sẵn với hỏa lực sát thương cao. Phòng tuyến thứ hai cũng được thiết kế tương tự phòng tuyến đầu tiên để khiến đối phương có thể trả giá đắt nếu họ muốn xuyên thủng. Những nỗ lực phòng thủ này sẽ cho quân đội Ukraine sự bảo vệ mạnh mẽ hơn và giúp họ chống chịu tốt hơn trước hành động tấn công của Nga thay vì phòng tuyến di động như hiện nay.

Việc xây dựng hệ thống phòng thủ này cũng tốn không nhiều chi phí. Chẳng hạn, Nga đã xây dựng tuyến răng rồng với mỗi khối bê tông kim tự tháp có giá khoảng 130 USD và đặt khoảng 1.000 khối này thành 4 hàng để củng cố một đoạn phòng tuyến dài khoảng 1,6km. Với chi phí này, Ukraine có thể củng cố toàn bộ mặt trận Donbass kéo dài 418km với giá 54 triệu USD. Mìn chống tăng cũng tương đối rẻ với khoảng 10.000 USD/quả và quân đội Mỹ có nhiều vũ khí này, trong đó có 178.000 quả mìn M21 sắp được thay thế bằng các mẫu mới.

Thứ hai, Ukraine phải ưu tiên duy trì tranh chấp vùng trời, đảm bảo không bên nào có được ưu thế trên không. Mặc dù các chỉ huy khẳng định thậm chí số lượng nhỏ tiêm kích phương Tây như F16 cũng sẽ đủ để chiếm ưu thế trên không nhưng điều này dường như khó có thể xảy ra. Radar của Nga sẽ dễ dàng phát hiện ra các máy bay chiến đấu của Ukraine trước khi các phi công ở khoảng cách có thể sử dụng vũ khí để phá hủy các hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt là hệ thống S-400.

Một số nhà quan sát cho rằng, Ukraine vẫn có thể thành công về mặt phòng thủ chừng nào hệ thống phòng không phóng từ mặt đất của nước này vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với các chiến đấu cơ của Nga. Hiện nay, kho tên lửa phòng không của phương Tây đang ở mức thấp, làm tăng nguy cơ Kiev không thể đẩy lùi lực lượng trên không của Nga. Để tránh nguy cơ trên, Ukraine có lẽ cần có chọn lọc hơn trong việc triển khai các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể khiến các lực lượng của nước này không thể đánh chặn tất cả tên lửa và UAV của Nga phóng vào Ukraine.

Phương Tây có lẽ đang đứng trước sức ép to lớn nhằm đáp ứng nhu cầu phòng không của Ukraine nhưng đây là một vấn đề cần sự sáng tạo trong cách giải quyết. Theo đó, hệ thống phòng không FrankenSAM có thể mang tên lửa tiên tiến tiến phương Tây, phối hợp với các bệ phóng và radar thời Liên Xô của Ukraine có thể giải quyết sự thiếu hụt nghiêm trọng trên.

Thứ ba, Ukraine phải mở rộng khả năng sản xuất vũ khí trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây. Số lượng các công ty của Ukraine đang sản xuất UAV đã tăng từ 7 lên 80 vào năm ngoái. Các quốc gia khác sẽ thận trọng trong việc chia sẻ những công nghệ quân sự nhạy cảm nhưng đa số những gì Ukraine cần cho phòng không như pháo, UAV, vũ khí chống tăng sẽ rẻ hơn, ít nhạy cảm hơn và tương đối dễ sản xuất.

Giải quyết 2 vấn đề lớn nhất

Sự dịch chuyển sang phòng thủ giúp Ukraine giải quyết 2 vấn đề lớn nhất: Đó là sự thiếu hụt về lực lượng và sự sụt giảm trong mức độ hỗ trợ của phương Tây. Một mạng lưới phòng thủ mạnh mẽ sẽ giúp Kiev củng cố nguồn lực, giảm số lượng binh lính và pháo cần thiết để bảo vệ tiền tuyến.

Việc áp dụng chiến lược phòng thủ cũng làm giảm yêu cầu trang bị cho Ukraine các hệ thống phương Tây đắt đỏ và khan hiếm. Thay vào đó, phương Tây có thể định hướng lại việc viện trợ với các loại đạn dược, vật tư xây dựng và hệ thống phòng không có chi phí thấp hơn, đồng thời giúp Ukraine tăng cường các cơ sở công nghiệp quốc phòng.

Để củng cố sự hỗ trợ đang suy giảm của phương Tây thì sẽ không chỉ cần Ukraine chuyển hướng sang phòng thủ trên chiến trường. Nếu các nhà lãnh đạo phương Tây tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu Ukraine cần giành lại lãnh thổ nhưng ngần ngại cung cấp các gói hỗ trợ mới thì Nga có thể giữ hy vọng rằng nguồn ngân sách phương Tây sẽ lung lay và triển vọng của Điện Kremlin sẽ cải thiện.

Vì vậy, một chiến lược mới trên chiến trường phải đi cùng với chiến lược chính trị tương ứng từ Nhà Trắng, bắt đầu bằng việc đưa ra thông điệp. Chính quyền Tổng thống Biden nên làm rõ rằng Washington không yêu cầu Kiev phải tiến hành các chiến dịch tấn công trong tương lai mà thay vào đó tập trung cung cấp cho Ukraine các khả năng phòng thủ.

Một chiến lược phòng thủ sẽ không giải quyết tất cả vấn đề của Ukraine. Dù quốc gia này áp dụng hướng tiếp cận nào thì Kiev gần như chắc chắn đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt khi Nga tăng cường tấn công UAV và tên lửa nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng. Dĩ nhiên, chiến lược phòng thủ cũng yêu cầu Ukraine từ bỏ mục tiêu tối đa là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát.

Dù vậy, theo các nhà quan sát, kể cả khi chiến lược mới không giúp chấm dứt xung đột thì nó sẽ tránh được những hậu quả thảm khốc nhất, duy trì khả năng chiến đấu của Ukraine và tạo ra trạng thái cân bằng ổn định để các khu vực khác phát triển kinh tế và hội nhập với châu Âu. Đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang cảm thấy bị mắc kẹt giữa những hạn chế trong nước và viễn cảnh Ukraine thua cuộc, điều đó sẽ được coi là một chiến thắng.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Foreign Affairs

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/he-lo-chien-luoc-co-the-giup-ukraine-lat-nguoc-tinh-the-truoc-nga-post1070948.vov